Khói không cay mà sao chảy nước mắt

28/09/2024 - 15:14

PNO - Các con nấu nồi nước lá xông cho mẹ cũng không nên thân, tự dưng khói không cay mà sao chảy nước mắt.

nồi lá xông thời xưa
Nồi lá xông thời xưa

Thời của mẹ, thuốc tây hiếm lắm. Chỉ những người giàu, người ở phố mới có điều kiện tiếp cận và có tiền mua. Vậy nên ở quê, mẹ quen chữa bệnh thông thường cho cả nhà bằng các bài thuốc dân gian. Một trong các liệu pháp mẹ hay dùng để trị cảm cho chồng con và cả chính mẹ là xông hơi.

Mỗi lần nhà có người bị cảm, đi làm đồng về là thấy mẹ ôm theo một bọc lá tươi: lá bưởi, lá sả, lá chanh, đọt ổi, lá tre… Để có được bọc lá ấy, mẹ phải đi gần khắp xóm - từ vườn nhà nội Hai, bác Tư, cô Chín rồi về vườn mình - mới tương đối đủ. Lần nào giở bọc lá trút vào nồi, mẹ cũng chép miệng kêu: có thêm lá bạc hà, tía tô nữa mới ngon, tiếc là xa quá mẹ không đi nổi.

Không sao, bấy nhiêu lá đó cũng đủ tác dụng rồi. Nồi nước lá nấu sôi bắc xuống để giữa nhà bốc hơi nghi ngút. Tấm mền mỏng trùm kín cả người bệnh lẫn nồi xông. Hơi nóng từ nồi bốc lên khiến mồ hôi người bệnh vã ra như tắm. Nóng và ngộp, nhưng phải cố chịu, mẹ bảo vậy. Mồ hôi tuôn ra “kéo” luôn bệnh tật theo. Hơi thơm các loại lá thấm hút vào lỗ chân lông, giúp đánh tan mầm bệnh còn sót lại - ấy là lý luận giản đơn của mẹ - một bà nông dân mù chữ nhưng rất sáng dạ trong việc kế thừa, học hỏi các kinh nghiệm trị bệnh của người xưa để lại.

Nhà tôi ai cũng mê nồi nước lá xông mẹ hái, nấu. Chị Hai kêu: xông xong, lau mình, thấy người nhẹ tênh như vừa trút hết mệt nhọc. Anh Tư cao hứng phát biểu nghe còn sốc hơn: giá cứ ít hôm lại… bị cảm để khỏi đi làm, còn được mẹ hái lá nấu nước xông cho sướng.

Mẹ nghe, trợn mắt rầy: khùng quá! Tiếng quát của mẹ khiến anh “tắt đài”, trong lúc chúng tôi bụm miệng cười sặc sụa.

Tôi với con Út tính nhát, mẹ dụ cách nào cũng không chịu ngồi xông.

Tưởng tượng cảm giác bị trùm mền tối hù, ngồi một mình trong đó với nồi nước lá xông nóng đã đủ sợ. Vậy nhưng sau này lớn, lấy chồng xa, có một lần tôi bị cảm kéo dài, uống thuốc tây hoài người vẫn cứ ẩm ương không khỏe.

Mẹ nghe được, lặn lội đón xe đò đi thăm, mang theo một bọc lá xông. Lần đầu tiên tôi bấm bụng nghe lời mẹ, chui vô ngồi cho mẹ xông hơi. Đấy cũng là lần đầu tôi cảm nhận được tác dụng diệu kỳ của nồi lá xông. Toàn thân tôi nghe nhẹ bẫng, khoan khoái, ăn ngon và ngủ được một giấc thật sâu. Sau đó bệnh dần lui…

Bây giờ, mẹ đã ngót nghét 80 tuổi. Xưa, mẹ hái lá nấu xông cho cả nhà, nhưng giờ con cái không đứa nào biết cách hái lá xông cho mẹ. Mà giả dụ có biết chúng tôi cũng không có thời gian về quê mà hái.

Về thăm, thấy mẹ bệnh sẽ lập tức chạy ù ra hiệu thuốc tây mua liền mấy liều thuốc cảm. Đợt vừa rồi mẹ cảm kéo dài, đòi nấu lá xông mà con gái cứ lớ ngớ không biết bắt đầu từ đâu; báo hại mẹ phải vừa ho khù khụ vừa lụm cụm xuống bếp cầm tay chỉ việc.

Ngồi canh nồi nước lá, nhớ chuyện ngày xưa một tay mẹ nuôi, chăm từ con lớn đến con nhỏ mỗi khi trái gió trở trời. Rồi đến lúc tuổi già, các con nấu nồi nước lá xông cho mẹ cũng không nên thân, tự dưng khói không cay mà sao chảy nước mắt.

Y Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI