PNO - Tuyệt vời và… không tưởng! Sức mạnh, ý chí và tinh thần vì vinh quang của Tổ quốc đã viết nên lịch sử: điền kinh Việt Nam vượt qua Thái Lan, vốn thống trị đấu trường Sea Games 18 năm qua.
Tôi tình cờ xem 30 giây quảng cáo Sony Bravia Oled, “đồng hành cùng tuyển bóng đá quốc gia” tại Sea Games 29, dĩ nhiên là tuyển bóng đá nam với hình ảnh ngời sáng của Công Phượng, Vũ Văn Thanh, Xuân Trường; mẩu quảng cáo đẹp, sống động và… đứt gãy bởi bước “đồng hành” đã không qua khỏi vòng loại!
U22 Việt Nam tạo nên cú sốc cho người hâm mộ khi dừng bước sau vòng bảng SEA Games 29
Sony bị… hố, bộ phận hậu cần của Liên đoàn bóng đá Việt Nam cũng bị hớ khi không nghĩ U22 dừng bước sớm, đành phải nán lại Kuala Lumpur 2 ngày sau trận cầu thảm bại nhưng với nhiều cổ động viên, lại chấp nhận cái kết cuộc ấy như một giá trị thật, nó phản ảnh thực lực, thể chất, tầm vóc của đội tuyển, nó không hoán đổi được vị thế của huấn luyện viên trưởng Hữu Thắng, vẽ sơ đồ chiến lược lẫn chiến thuật bằng đôi chân của hậu vệ hơn là những suy tính của nhà cầm quân.
Chấp nhận cái kết cuộc ấy để không phải tung hô chớp nhoáng hay kêu gọi một sự tôn vinh, chăm sóc, có phần…thương xót đối với tuyển bóng đá nữ. Hãy nhìn và đặt để họ là những tuyển thủ, những cầu thủ chuyên nghiệp, thành - bại đôi khi rơi đúng ở những phút cuối bù giờ, chỉ là một cú bật đánh đầu hay cái khứa lòng bàn chân… Sau những cảm xúc hân hoan hay thất vọng, giận dữ của người hâm mộ thì trái bóng vẫn cứ…tròn; và họ lại lăn xả cùng nghiệp quần đùi áo số.
Thể thao thượng tôn công bằng, thể thao mang tinh thần fair play, ngay cả những hy sinh, thiệt thòi (mà các cô gái của tuyển bóng đá phải chịu) thì cũng là cái giá cho con đường họ chọn lựa, cho vinh quang mà họ khát khao chinh phục. Vì thế, mặc cho những toan tính phi thể thao, những quyết định "fail play" của trọng tài, của ban tổ chức, thản nhiên thiên vị cho vận động viên, đội tuyển nước chủ nhà thì tại Sea Games 29, vẫn tràn ngập những hình ảnh đẹp, thiêng liêng và xúc động tột cùng bởi những khoảnh khắc mà chỉ những chú linh dương - trong khát vọng sinh tồn - mới làm nên chiến thắng trước bầy sư tử.
Nguyễn Thị Oanh gác lại niềm vui đoạt huy chương vàng điền kinh nữ nội dung 5.000 m để quay lại giúp đỡ đồng đội Phạm Thị Huệ bị kiệt sức sau khi về đích
Trên đường đua 4x100m nữ, 4x400m, cuộc tiếp sức của những cô gái đã diễn ra thật thần kỳ, ở những cú tiếp gậy, họ không một sơ suất; ở những luồn chạy núp gió, họ luôn tỉnh táo; ở thời điểm bứt phá, cảm giác đôi chân họ không phải chạy mà bay, độ tiếp xúc với đường băng vừa nhanh vừa dài, nới dần cách biệt đối thủ, thậm chí, ở vòng chạy cuối cùng của 5.000m nữ, Nguyễn Thị Oanh đã cách đối thủ đến một vòng sân.
Tuyệt vời và… không tưởng! Sức mạnh, ý chí và tinh thần vì vinh quang của Tổ quốc đã viết nên lịch sử: điền kinh Việt Nam vượt qua Thái Lan, vốn thống trị đấu trường Sea Games 18 năm qua.
Lịch sử vang dội ấy, hẳn nhiên sẽ ghi lại những giọt nước mắt của các cô gái vàng và cả khoảnh khắc bỏ qua giây phút ăn mừng chiến thắng, Nguyễn Thị Oanh chạy ngược lại để dìu bạn, vận động viên Phạm Thị Huệ gần như kiệt sức khi về đích. Liền sau đó, hai cô gái tươi tỉnh khoác lên mình lá quốc kỳ, bàn tay Huệ vẫy, đúng ra là lay lắt, quờ quạng chào, bởi sau hành trình 5.000m, chỉ với hơn 17 phút thì đó không hề là kết quả dành cho người… bình thường!
Lạ là, ngay cả khi đã giành chiến thắng, họ vẫn tiếp tục “chiến đấu” vì danh dự của đất nước. Đó là trường hợp của vận động viên Dương Thị Việt Anh. Cùng chinh phục mức xà 1,83m, Dương Thị Việt Anh và vận động viên người Singapore Michelle Suat Li bước vào vòng thi play-off để xác định người chiến thắng. Và Việt Anh đã vượt qua mức xà 1,82m, trong khi đối thủ Singapore thất bại.
Việt Anh khóc ấm ức vì những quyết định thiếu công bằng của Ban tổ chức SEA Games 29
Những tưởng chiến thắng thuộc về cô gái Việt Nam, nhưng cuối cùng, ban tổ chức đã quyết định trao đồng huy chương. Đoàn thể thao Việt Nam khiếu nại và yêu cầu quốc kỳ Việt Nam phải được kéo lên trước, quốc ca Việt Nam phải cất lên đầu tiên vì huy chương vàng của Việt Anh đã được trọng tài công bố từ đầu (mà không phải chật vật sửa lại lần hai như của vận động viên Singapore !).
Dĩ nhiên, trong thể thao chuyên nghiệp - thành tích, kết quả mới là vấn đề, hành trình đôi khi không được tính đến. Nhưng cú mở màn thất bại ngay nội dung sở trường 200m bơi bướm không cản nổi những sải tay và sức rướn tuyệt vời của Nguyễn Thị Ánh Viên để liên tiếp những nội dung thi về sau, cô gái Cần Thơ cứ toe miệng cười trên bục vinh quang. Vẻ đẹp của nhà vô địch đường đua xanh còn là cú la hò đến khản cổ khi chứng kiến cuộc bứt phá ngoạn mục của thần đồng Nguyễn Hữu Kim Sơn.
"Tiểu tiên cá" Nguyễn Thị Ánh Viên đem về 8 HCV và 2 HCB cho đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 29. Ảnh: Zing.vn
Rõ ràng, cú dìu đỡ của Oanh với Huệ, cái đu vai cùng nhau hát quốc ca trên bục vinh quang của Lâm Quang Nhật và Nguyễn Huy Hoàng, sự lên tiếng bảo vệ tiền đạo Hồ Tuấn Tài của tiền vệ Lương Xuân Trường; và cách cổ vũ của Ánh Viên dành cho Kim Sơn… là những nét chạm trổ tuyệt vời của một tinh thần thể thao Việt Nam đẹp, văn minh và đầy rung cảm.
Để khi khép lại một kỳ Sea Games, không chỉ là thành tích mà còn là thái độ, là cách ứng xử, là diện mạo văn hóa của đội hình áo đỏ sao vàng. Tôi đọc được một lời “tự thú” của nhà bác học vĩ đại Isaac Newton “Tôi không biết tôi xuất hiện trên cõi đời này như thế nào nhưng với tôi, tôi chỉ là một đứa bé chơi bên bờ biển, mê mải kiếm tìm và tìm ra được một hòn đá cuội trơn nhẵn hơn hay một vỏ sò đẹp hơn mà đại dương sự thật đã sắp đặt trước đó”.
Phan Đăng Nhật Minh xuất sắc giành vòng nguyệt quế tại chung kết cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia
Sáng Chủ nhật, ngày 27/8/2017, trên đấu trường chinh phục đỉnh Olympia, chàng trai 17 tuổi Phan Đăng Nhật Minh đã nhận vòng nguyệt quế, từ nền tảng và sức mạnh của tri thức. Nhìn cách Minh từ tốn, chắc chắn, đĩnh đạc kiến giải và vượt qua các “chướng ngại vật”, “tăng tốc”, “về đích” cho đến lối trả lời luôn bắt đầu bằng hai tiếng “dạ thưa”, vừa nể phục vừa tin yêu.
Từ Nguyễn Hữu Kim Sơn 15 tuổi, Nguyễn Huy Hoàng cho đến Phan Đăng Nhật Minh cùng lứa tuổi 17, cuộc dạo chơi bên bờ biển của những đứa trẻ đã bắt đầu…
Ngày 21/11, Tòa Gia đình và người chưa thành niên đã tuyên phạt Mehtar Tani Khadir (quốc tịch Algeria) 1 năm tù về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.
Nhiều loại cây trái chỉ được sử dụng tươi hoặc chế biến thủ công, nhưng khi “qua tay” của các chị, chúng trở thành hàng hóa xuất khẩu đi khắp thế giới.