Khôi hài như... muối

10/01/2016 - 12:34

PNO - Ngày 6/1/2016, tạp chí châm biếm Charlie Hebdo của Pháp xuất bản một triệu bản nhân tưởng niệm vụ khủng bố liên hoàn làm 17 người chết.

Các tác phẩm của những họa sĩ đã qua đời trong vụ tấn công cùng tác phẩm của họa sĩ hiện làm việc tại Charlie Hebdo cùng xuất hiện trong số báo đặc biệt. Charlie Hebdo ngày thường có số phát hành 100.000 bản ở Pháp và 10.000 bản ở nước ngoài.

Bình luận trên trang Le Monde, một số độc giả viết: “Báo chí châm biếm của Pháp không thể thiếu Charlie Hebdo. Họ tạo sự hứng thú, buộc độc giả trông đợi, tò mò”. Thế nhưng, phần lớn độc giả mong muốn, thời gian tới, ban biên tập cần tiết chế, tránh “câu khách” bằng hình ảnh chọc cười mà dễ gây tổn thương.

Khoi hai nhu... muoi
Họa sĩ Luz và tờ bìa ông đã vẽ cho số báo phát hành sau khi xảy ra vụ tấn công đẫm máu tại tòa soạn Charlie Hebdo đầu năm 2015 - Ảnh: DW

Vài tháng trước, họa sĩ Luz (Renald Luzier) đã nghỉ việc. Ông là tác giả bức họa nhà tiên tri Muhamma với đôi mắt đẫm lệ, cầm tấm biển ghi “Je Suis Charlie” (Tôi là Charlie) và tiêu đề “Tout Est Pardonné ” (Tất cả là tha thứ) trong số báo ra ngay sau vụ khủng bố, đạt kỷ lục phát hành tám triệu bản.

Luz chia sẻ là không thể chịu nổi sự giày vò khi nhớ đến những bức châm biếm vượt quá giới hạn, phá hỏng cảm xúc của độc giả. Khi nhận ra giới hạn giữa trào phúng và đả kích, ông thật sự hoang mang và rời Charlie Hebdo đúng vào thời điểm tờ báo hứng “gạch đá” dư luận vì hình ảnh quá xúc phạm người tị nạn.

Trong ấn phẩm xuất bản ngày 9/9/2015, tạp chí vẽ thi thể bé trai ba tuổi Aylan Kurd nằm úp mặt xuống bờ biển với lời chú thích “Rất gần mục tiêu”. Gần bé là hình tấm biển quảng cáo của nhà hàng thức ăn nhanh McDonald’s với dòng chữ “Khuyến mãi! Mua hai trả tiền một”.

Người ta tranh luận dữ dội về bức biếm họa này. Có người nói, đây chỉ là châm biếm cách giải quyết vấn đề người tị nạn của châu Âu, không nhằm vào em bé thiệt mạng. Thế nhưng, không phải ai cũng đứng trên quan điểm của Charlie Hebdo khi đập vào mắt họ là hình ảnh phản cảm, khơi gợi điều khiến cả thế giới phẫn nộ.

Khoi hai nhu... muoi
Bìa báo của Charlie Hebdo liên quan đến máy bay bị mất tích MH370 và bìa báo Charlie Hebdo về hình ảnh thương tâm của em bé Aylan Kurd - Ảnh: CHARLIE HEBDO

Nét vẽ châm biếm của Charlie Hebdo đã đụng chạm đến nỗi đau của rất nhiều người. Tháng 8/2015, thông tin về việc tìm kiếm máy bay mất tích MH370 liên tục xuất hiện, trang bìa Charlie Hebdo đăng tiêu đề “Malaysia Airlines: Niềm hy vọng”, phía dưới là hình hai bàn tay đứt lìa trôi dạt vào bờ. Điều đáng nói là hai bàn tay được vẽ như đang sờ nắn… ngực phụ nữ; phía xa là hình ảnh hai người đàn ông nhảy lên vui sướng vì “Chúng tôi đã tìm thấy một phần thi thể của phi công và nữ tiếp viên”.

Giữa năm 2015, Charlie Hebdo nhận phần thưởng tự do ngôn luận của giải Văn bút Mỹ, nhưng đồng loạt nhiều nhà văn “tẩy chay” lễ trao giải. Tác giả nổi tiếng từng đoạt nhiều giải thưởng sáng tác người Canada Michael Ondaatje (cha đẻ quyển Bệnh nhân người Anh) thẳng thắn chia sẻ: “Biếm họa là sáng tác thiết thực, chất liệu làm nên một bức biếm họa chính là cuộc sống. Quan trọng là cách tạo hình ảnh hoán dụ. Chọc cười cũng có giới hạn. Chỉ một vài lần bạn gây cười thiếu tế nhị đã là ấn tượng xấu, rất khó phai với những ai bị bạn làm tổn thương”.

Còn nhớ, năm 2013, tờ báo The Onion chuyên châm biếm người nổi tiếng chính thức lên tiếng xin lỗi sau khi đùa quá lố, ghi trên trang Twitter của mình lời lẽ khiếm nhã với nữ diễn viên Quvenzhané Wallis. Cô bé là ứng cử viên trẻ tuổi nhất nhận đề cử trong lịch sử giải Oscar.

Onion tự nhận, những gì mình nói về Wallis là quá thô lỗ, gây khó chịu, không phù hợp phong cách châm biếm và trào phúng mà tờ báo theo đuổi. Không phải tờ báo châm biếm nào cũng phân biệt được điều này. Ai cũng hiểu, khôi hài giống như muối, nêm nếm quá đà thì chẳng thể nuốt trôi.

Anh Thông (Theo DW, NY Times, Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI