Khởi động cuộc thi nhiếp ảnh trên toàn cầu, mừng đại lễ Phật đản Vesak 2025

20/01/2025 - 21:57

PNO - Hội Nhiếp ảnh TPHCM phối hợp với Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam phát động cuộc thi ảnh nghệ thuật "Tuệ giác Phật giáo: Nhân phẩm và Hòa bình".

Buổi khởi động cuộc thi Tuệ giác Phật giáo: Nhân phẩm và Hoà bình
Buổi khởi động cuộc thi tổ chức vào chiều 20/1 tại TPHCM

Đây là cuộc thi chào mừng đại lễ Phật đản Vesak Liên hiệp quốc 2025, tổ chức tại Học viện Phật giáo Việt Nam (TPHCM) từ ngày 6 đến 8/5.

Cuộc thi dành cho các nhà nhiếp ảnh chuyên và không chuyên trên cả nước và toàn thế giới.

Nội dung cuộc thi gồm 6 chủ đề đề cao những giá trị nhân văn trong Phật giáo; ngợi ca sự đoàn kết, hòa bình giữa con người với con người và con người với thiên nhiên; tôn vinh di sản văn hóa Phật giáo; ghi nhận những khoảnh khắc thể hiện ảnh hưởng của Phật giáo với đời sống; thể hiện ý nghĩa và tinh thần của đại lễ Phật đản, từ khía cạnh lịch sử, văn hóa, đến tâm linh; nhấn mạnh mối quan hệ hòa hợp giữa con người và môi trường sống.

Mỗi tác giả được gửi tối đa 10 ảnh (màu hoặc đơn sắc). Ban tổ chức chấp nhận các hình thức cân chỉnh, ảnh không chắp ghép.

Thời hạn nhận ảnh từ ngày phát động cuộc thi đến hết ngày 31/3/2025. Sau đó, ban tổ chức sẽ chấm giải và thông báo kết quả vào ngày 12/4/2025. Ngày trao giải dự kiến vào 4/5, trước ngày khai mạc đại lễ Phật đản Vesak Liên hiệp quốc 2025 tại TPHCM.

Thượng toạ Thích Nhật Từ - Phó Viện trưởng – Tổng thư ký Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam
Thượng tọa Thích Nhật Từ có trong thành phần ban tổ chức và ban giám khảo cuộc thi

Đại diện ban tổ chức, Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó viện trưởng, Tổng thư ký Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam - cho biết cuộc thi có chủ đề mở để kích thích sự sáng tạo, góc nhìn mới của các tác giả về chủ đề Phật giáo trong đời sống.

Tại buổi phát động, câu chuyện liên quan đến sự can thiệp của AI, photoshop, yếu tố chuyên và không chuyên được chú ý.

Ông Đoàn Hoài Trung - Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TPHCM - Trưởng ban tổ chức cho biết, các tác giả được phép cân chỉnh ảnh. Ông lấy ví dụ như khi chụp về bầu trời, có thể vì các yếu tố khách quan, ánh sáng thời điểm chụp chưa đẹp. “Các tác giả có thể xử lý bằng một số công cụ để cân chỉnh màu sắc sao cho hài hòa nhất có thể. Tuy nhiên, không được can thiệp thô bạo bằng việc lấy đám mây từ những tấm ảnh khác để ghép vào bức hình hiện tại. Việc sử dụng các công cụ để xử lý hậu kỳ, giúp ảnh hoàn thiện hơn là được phép. Nhưng để đảm bảo yếu tố công bằng, khách quan, với các bức ảnh chấm đạt giải, chúng tôi yêu cầu gửi ảnh gốc để so sánh, đối chiếu từ đó sẽ đưa ra kết quả cuối cùng” - Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TPHCM chia sẻ.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hồng Nga - Chủ tịch Hội đồng giám khảo cuộc thi
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hồng Nga - Chủ tịch Hội đồng giám khảo cuộc thi - chia sẻ nhiều thông tin thú vị về thể lệ

Với kinh nghiệm nhiều năm theo đuổi nghệ thuật nhiếp ảnh, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hồng Nga - Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cuộc thi - chia sẻ nhiều ý khác nhau để làm rõ hơn vì sao cuộc thi không chia bảng cho nhiếp ảnh chuyên nghiệp và không chuyên.

Bà cho biết, qua nhiều cuộc thi do Hội Nhiếp ảnh TPHCM hay các đơn vị tổ chức, đôi khi các tác giả không chuyên lại có nhiều ý tưởng rất tốt mà nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp không nghĩ ra. Hoặc trong một số cuộc thi lớn, từng có tác giả không chuyên thắng giải quan trọng, vượt nhiều tay máy kỳ cựu trong nghề.

“Hiện giờ máy ảnh chuyên nghiệp ai cũng có. Việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ thuật chụp đã có nhiều lớp dạy, thậm chí hướng dẫn miễn phí trên mạng. Có thể nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp sẽ thuận lợi về mặt kinh nghiệm nhưng nhiều tay máy mới rất sáng tạo. Do đó, chúng tôi sẽ dành sự quan tâm rằng tác phẩm đó có thể hiện được nội dung, kỹ thuật, tính thời sự, nắm bắt khoảnh khắc và đưa ra thông điệp nào đó hay không... Mọi công sức, sự đầu tư đều được thể hiện qua tác phẩm, không phải qua tên tuổi của người chụp nên mong các bạn yên tâm, chúng tôi sẽ nhìn nhận công bằng với tất cả tác phẩm dự thi” - nhiếp ảnh gia Nguyễn Hồng Nga chia sẻ.

Ban tổ chức cho biết, nếu các tác giả mong muốn được chụp ở một số địa điểm nhất định, có thể liên hệ để người đại diện sắp xếp, hỗ trợ tốt nhất cho quá trình sáng tác.

Cuộc thi sẽ trao 1 giải nhất 20 triệu đồng, 2 giải nhì 10 triệu đồng/giải, 3 giải ba 5 triệu đồng/giải và 5 giải khuyến khích 2 triệu đồng/giải. Ngoài ra sẽ có 97 ảnh được chọn để tham gia triển lãm và in thành sách. Mỗi ảnh được chọn, tác giả sẽ được trả 500.000 đồng.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI