Khởi động chuỗi talkshow tìm hiểu về hát bội

15/06/2024 - 07:53

PNO - Tối 14/6, tại rạp Thủ Đô (quận 5), hơn 100 khán giả đã đến với buổi đầu tiên của chương trình talkshow “Ca biện phấn hành” tìm hiểu về nghệ thuật hát bội.

Góc check-in cho khách dự talkshow.
Góc check-in cho khách dự talkshow

Ca biện phấn hành là chuỗi 5 talkshow do Nhà hát Nghệ thuật hát bội TPHCM phối hợp với nhóm Hiếu Văn Ngư (Cultura Fish) thực hiện.

Chương trình diễn ra vào tối thứ Sáu cách tuần trong 2 tháng (14/6, 28/6, 12/7, 26/7 và 9/8) với mong muốn giúp khán giả tìm hiểu về nghệ thuật hát bội một cách bài bản.

Các món quà lưu niệm do nhóm Hiếu Văn Ngư thiết kế.
Các món quà lưu niệm do nhóm Hiếu Văn Ngư thiết kế

Tại buổi đầu tiên của chương trình, khán giả đã được nghe người diễn thuyết là thạc sĩ Vương Hoài Lâm, với kinh nghiệm hơn 20 năm coi hát và nghiên cứu sâu về hát bội, khái quát về quá trình phát triển, sự ảnh hưởng của nghệ thuật hát bội trên mảnh đất Nam bộ.

Khán giả giao lưu, tương tác tại chương trình.
Khán giả giao lưu, tương tác tại chương trình

Bổ trợ cho các phần diễn thuyết này, khán giả cũng được xem nghi thức “niệm hương”, cầu “gia quan tấn tước” trong lễ đại bội và phần biểu diễn trích đoạn kinh điển Hồ Nguyệt Cô hóa cáo.

Nghệ sĩ Anh Thi (giữa) và 2 nghệ sĩ trẻ trong trích đoạn Hồ Nguyệt Cô hóa cáo.
Nghệ sĩ Anh Thi (giữa) và 2 nghệ sĩ trẻ trong trích đoạn Hồ Nguyệt Cô hóa cáo
Hồ Nguyệt Cô hóa cáo là lớp diễn kinh điển mà mỗi nữ nghệ sĩ hát bội đều phải học qua

Ngoài ra, phần tìm hiểu về phương thức biểu đạt ước lệ của nghệ thuật hát bội cũng thu hút nhiều sự chú ý khi được nghệ sĩ thị phạm và đối chiếu so sánh với hành động ở đời thường.

Nghệ sĩ Bảo Châu thị phạm động tác cưỡi ngựa trên sân khấu

Là người yêu thích nghệ thuật truyền thống, chị Ngọc Khuê (quận 11) đánh giá cao việc Nhà hát Nghệ thuật hát bội TPHCM mạnh dạn ứng dụng các mô hình mới trong việc tiếp cận khán giả.

“Các hình thức workshop để truyền đạt kiến thức, kỹ năng đến đối tượng có nhu cầu như thế này rất phổ biến hiện nay. Thực tế, nhóm Hiếu Văn Ngư cũng tổ chức thành công nhiều lớp hướng dẫn thưởng thức hát bội đến khán giả trong và ngoài nước những năm qua. Tôi thấy chương trình hoàn toàn khả thi khi rạp Thủ Đô đã được chỉnh sửa khang trang, truyền thông bài bản, hoạt động phụ trợ cho sự kiện chính khá tốt, có chỗ check-in, có quà lưu niệm và nhất là có một anh Tây mặc giáp hát bội đứng đón khách, hứa hẹn tiếp cận thêm du khách quốc tế, người nước ngoài thích tìm hiểu văn hóa Việt…” - chị Ngọc Khuê nhận xét.

Họa sĩ người Mỹ Josh Tromple, cũng là thành viên của nhóm Hiếu Văn Ngư
Họa sĩ người Mỹ Josh Trompley là thành viên của nhóm Hiếu Văn Ngư, anh đã nghiên cứu hát bội 4 năm, anh vẽ và thiết kế nhiều poster, sản phẩm mỹ thuật về hát bội

Chị cũng góp ý, chương trình cần cô đọng hơn, cân đối hơn giữa liều lượng phần diễn thuyết và biểu diễn để sinh động hơn. “Tiết mục biểu diễn cũng không cứ là trích đoạn kinh điển với độ khó cao mà cần dễ xem, dễ cảm, dễ nắm bắt các đặc trưng của nghệ thuật hát bội và nhất là thực sự hấp dẫn người xem” - chị Ngọc Khuê chia sẻ.

Nhà hát nghệ thuật Hát bội TPHCM dồn nhiều tâm huyết cho chương trình.
Nhà hát Nghệ thuật hát bội TPHCM dồn nhiều tâm huyết cho chương trình

Các chương trình tiếp theo sẽ giúp khán giả “bóc tách” từng lớp “mật mã” của nghệ thuật hát bội với phong cách biểu đạt ước lệ đặc trưng, nghệ thuật vẽ mặt, phục trang, âm nhạc, các giá trị của kịch bản…

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI