Chào mừng Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII nhiệm kỳ 2022-2027

Khơi dậy tiềm năng to lớn của phụ nữ Việt Nam

11/03/2022 - 06:30

PNO - Chiều 10/3, tại phiên thảo luận về “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” trong khuôn khổ Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ được nhiều đại biểu phân tích, góp ý.

Những rào cản phát triển nguồn nhân lực

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hạnh chỉ ra các rào cản trong vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ Việt Nam
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hạnh chỉ ra các rào cản trong vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ Việt Nam

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hạnh - Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo - nhận định chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đã có sự cải thiện, trong đó có vai trò đặc biệt của nguồn nhân lực nữ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2021, lực lượng lao động nữ đạt 23,5 triệu người, chiếm 46,5% lực lượng lao động của cả nước. Riêng trong ngành giáo dục, có trên 1,2 triệu nữ cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, nhân viên, tương đương khoảng 76% tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, nhân viên toàn ngành.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Hạnh, dù đã từng bước khẳng định được vai trò, vị trí của mình, nhưng nữ trí thức vẫn đối mặt với những rào cản, thách thức, sự bất bình đẳng trong tham gia và thụ hưởng các thành tựu phát triển của xã hội: “Số phụ nữ có chuyên môn cao, nghiệp vụ giỏi chưa nhiều, trình độ lý luận của cán bộ, viên chức, lao động nữ không đồng đều, chưa tương xứng với tiềm năng”.

Bà cho rằng, nữ trí thức chưa được bố trí, sử dụng hợp lý, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với đóng góp của họ. Khung chính sách, luật pháp về vai trò, vị thế của nữ trí thức trong sự phát triển bền vững còn chưa được thể hiện rõ nét. Hoạt động tạo nguồn nhân lực nữ có chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội. 

Sáng 10/3/2022, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Thủ đô Hà Nội, Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 - 2027 khai mạc trọng thể với sự tham dự của 1.000 đại biểu chính thức đại diện cho các tầng lớp, cấp Hội Phụ nữ trong cả nước (trong ảnh: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chụp ảnh cùng các đại biểu) ẢNH: TTXVN
Sáng 10/3/2022, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Thủ đô Hà Nội, Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 - 2027 khai mạc trọng thể với sự tham dự của 1.000 đại biểu chính thức đại diện cho các tầng lớp, cấp Hội Phụ nữ trong cả nước (trong ảnh: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chụp ảnh cùng các đại biểu) - Ảnh: TTXVN

Tại phiên thảo luận, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam năm 2017 H’Hen Niê cho hay, cô thường lắng nghe chia sẻ của những người phụ nữ sống ở vùng sâu, vùng xa. Có rất nhiều người bị bó hẹp mình trong những quan niệm, định kiến về giới nên chưa thực sự phát triển được năng lực bản thân. Cô nói: “Các chị nghĩ mình phải dành thời gian để phục vụ gia đình, nấu ăn cho chồng, cho con thay vì phải thu nạp thêm kiến thức”.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng nhu cầu của thời đại mới, theo tiến sĩ Nguyễn Thị Hạnh, cần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, bảo đảm trẻ em gái và trai được chăm sóc, giáo dục một cách có chất lượng từ bậc mầm non để sẵn sàng bước vào các cấp học tiếp theo. Bên cạnh đó, cần đổi mới phương pháp và đa dạng hóa hình thức dạy, học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, phát triển khả năng tự học, khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở thích, điều kiện, hoàn cảnh của bản thân. 

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hạnh đề xuất việc đa dạng hóa các chương trình giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân - đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái người dân tộc thiểu số - là một vấn đề cần được quan tâm: “Cần bảo đảm sự tiếp cận bình đẳng trong giáo dục, nhất là cho trẻ em gái, thông qua các giải pháp cụ thể như phát triển các dịch vụ giáo dục và đào tạo để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân tộc thiểu số, người sống ở vùng núi, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, những người yếu thế; thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách tín dụng giáo dục, chính sách trợ cấp và miễn, giảm học phí, chính sách cử tuyển cho các đối tượng theo quy định; ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi”. 

Hoa hậu H’Hen Niê đề nghị, cần có các giải pháp để phụ nữ tự tin, từ đó dễ dàng hội nhập với cuộc sống hiện đại, hội nhập với thế giới. 

Nhà thiết kế Minh Hạnh (Đoàn đại biểu phụ nữ TPHCM): Phụ nữ phải tự giải phóng mình

Trong đại hội lần này, chúng ta thường nghe nhắc đến cụm từ “người phụ nữ của thời đại mới” nhưng vẫn chưa có khái niệm hay định nghĩa “thế nào là người phụ nữ của thời đại mới”. 

Trong cuộc thảo luận tại tổ để đóng góp sáng kiến hành động vì phụ nữ và trẻ em, đóng góp vào dự thảo báo cáo chính trị trình đại hội, dự thảo Điều lệ Hội LHPN Việt Nam của Đoàn đại biểu phụ nữ TPHCM vào chiều 9/3, các đại biểu đã đưa ra khá nhiều sáng kiến, phần nào đó có cả sự tự giải phóng của người phụ nữ.

Rõ ràng, phụ nữ Việt Nam tự mặc định mình phải là người chịu đựng tất cả mọi sự thiệt thòi trong gia đình, vì mình là phụ nữ nên phải thế. Tại sao chúng ta lại tự nhận hết thảy mọi phần thua thiệt đó để rồi vô hình trung, tự “dán nhãn” chính mình? Tất cả điều đó hình thành nên một thói quen, một lối sống, một quán tính, thậm chí rất nguy hiểm nếu nó trở thành phong tục. 

Tôi nhớ trong cuộc thảo luận tại tổ, phó giáo sư - tiến sĩ Trương Thị Hiền - Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TPHCM - nêu sáng kiến, mỗi phụ nữ nên tập một môn thể dục thể thao tùy theo thể trạng của mình, nên học một cái gì đó để nâng cao năng lực. Tôi rất đồng quan điểm với chị. Có sức khỏe ở đây là phải đẹp. Chúng ta phải nhất trí với nhau rằng, đẹp cũng là một trong những điều góp phần vào định nghĩa “phụ nữ của thời đại mới”.  

Tôi cho rằng, phụ nữ chúng ta cần thay đổi nữa, ngay cả những người làm công tác Hội ở cơ sở. Hãy mạnh dạn lên. Thử nhìn những người hoạt động trong các tổ chức về phụ nữ của thế giới, trông họ rất hấp dẫn. Tôi nói thật, nhiều bạn của chúng ta trẻ, đẹp nhưng chưa hấp dẫn. 

Chúng ta không cần phải phá vỡ các nguyên tắc, cũng chẳng cần phá vỡ các định vị về một người phụ nữ Á Đông, một người phụ nữ Việt Nam nhưng phải tự giải phóng mình, phải được tự do. 

Đậu Dung (ghi) 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI