Với chủ đề “Đoàn kết - Sáng tạo - Khát vọng vươn lên - Phát triển bền vững”, Đại hội đại biểu Phụ nữ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ chính thức khai mạc vào ngày 23/12/2021. Trước thềm đại hội, bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM, đã trao đổi một cách thẳng thắn, chân tình, nhìn nhận toàn diện, sâu sắc về nhiệm kỳ đã qua và chuẩn bị cho một chặng đường mới.
Phóng viên: Thưa bà, xin bà cho biết đánh giá của mình về hoạt động Hội và phong trào phụ nữ tại TP.HCM trong thời gian qua.
Bà Nguyễn Thị Lệ: Phụ nữ thành phố hiện chiếm tỷ lệ 51,3% dân số toàn thành phố. Tổng số hội viên phụ nữ là 1.531.667 người, tỷ lệ tập hợp hội viên đạt 85,27%. Có thể thấy, Hội LHPN TP.HCM có một lực lượng hội viên hùng hậu, hệ thống tổ chức Hội được củng cố và phát triển rộng khắp địa bàn dân cư, các khu nhà trọ, khu đô thị mới. Hội và các đoàn thể khác ngày càng phát huy tính đại diện, góp phần xây dựng hệ thống chính trị thành phố vững mạnh.
Thời gian qua, Ban Chấp hành (BCH) Hội LHPN TP.HCM đã có sự tập trung cải tiến, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý trong hệ thống Hội; nghiên cứu đầu tư các mô hình, giải pháp thực hiện hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động, tạo khí thế thi đua sôi nổi, thu hút sự tham gia sáng tạo, trách nhiệm của đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ.
Hội đã rất đúng khi xác định ba nhiệm vụ trọng tâm là: vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc; vận động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế bền vững và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thực hiện giám sát, phản biện xã hội. Để từ đó, các cấp bộ Hội chủ động triển khai thực hiện hiệu quả các chiến lược, chương trình, đề án, dự án của Chính phủ có liên quan đến công tác phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới. Nổi bật là đề án 404 “Hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020”, dự án 3 - đề án 279 “Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020”, đề án “Phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” với nhiều cách làm, mô hình đã phát huy hiệu quả, có sự phối hợp hành động giữa các ngành, đơn vị và cộng đồng. Nhiều chương trình an sinh xã hội của các cấp Hội rất sát thực, kịp thời đến với nhiều đối tượng phụ nữ; các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, hậu phương quân đội, chăm lo gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khuyết tật, trẻ em bị xâm hại… có sức lan tỏa, thu hút nhiều cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị cùng đồng hành.
Đáng chú ý, trong đợt dịch COVID-19 bùng phát, các cấp Hội Phụ nữ thành phố đã có nhiều mô hình, cách làm hiệu quả như: chương trình “Đồng hành vượt cạn” hỗ trợ hơn 1.500 thai phụ sinh nở an toàn, chương trình “Vòng tay yêu thương” chăm sóc, đỡ đầu hơn 1.800 trẻ em mồ côi, khó khăn vì dịch bệnh; gần 10.000 phần quà hưởng ứng chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”; may tặng khẩu trang, bếp nhà Hội, đi chợ giúp dân, siêu thị 0 đồng, hỗ trợ lương thực, thực phẩm… đã khẳng định vai trò, vị trí của tổ chức Hội trong các hoạt động vì cộng đồng.
Tất cả những tâm huyết, nỗ lực cùng với những công trình, phần việc thiết thực, ý nghĩa mà các cấp Hội đã thực hiện trong suốt 5 năm qua chính là bước tiến lớn trong công tác xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, đưa hoạt động Hội và phong trào phụ nữ thành phố giữ vững danh hiệu là một trong những lá cờ đầu của phụ nữ Việt Nam. Đó là niềm vui, tự hào chung, Thành ủy và chính quyền thành phố hoan nghênh, trân trọng nỗ lực, đóng góp của Hội.
* Bên cạnh những kết quả đạt được, theo bà, các cấp Hội cần lưu ý, đầu tư những vấn đề gì?
- Trên thực tế, bên cạnh những kết quả đã đạt được, phong trào phụ nữ thành phố có lúc, có nơi chưa bắt kịp với nhu cầu của các tầng lớp phụ nữ và yêu cầu hội nhập, phát triển. Một số hoạt động của Hội chưa khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo, sự đóng góp xứng tầm với sự phát triển của thành phố, nhất là lĩnh vực nghiên cứu, phát triển kinh tế bền vững. Do vậy, trong nhiệm kỳ mới, cần tập trung đề ra nhiều giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, nhất là đề án về an toàn cho phụ nữ - trẻ em; tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường; vận động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp để tăng quy mô, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp do nữ làm chủ…
Trong công tác xây dựng Hội, cần nhiều khâu đột phá, đi vào chiều sâu, tăng cường bồi dưỡng kỹ năng điều hành sinh hoạt, tổ chức các hoạt động Hội tại cơ sở, nhất là ở những nơi tỷ lệ thu hút hội viên tham gia sinh hoạt chưa tương xứng với tiềm năng…
|
Bà Nguyễn Thị Lệ- Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM |
* Trong bối cảnh thành phố và đất nước hội nhập sâu rộng, Hội LHPN TP.HCM phải làm gì để tập hợp phát huy nguồn nhân lực nữ thành phố?
- Nhìn lại chặng đường 15 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, có thể khẳng định, TP.HCM đã có được đội ngũ cán bộ nữ cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đó chính là nhờ có sự tập trung triển khai giải pháp: tổ chức quán triệt sâu rộng các nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ nữ đến cấp ủy, hệ thống chính trị các cấp, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân, tạo sự chuyển biến về nhận thức đến hành động để thực hiện hiệu quả công tác cán bộ nữ… đồng thời tuyên truyền, vận động sâu rộng trong giới, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, cùng với quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ nữ nói chung và cán bộ Hội nói riêng.
Bước vào nhiệm kỳ mới, để tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong tập hợp, phát huy nguồn nhân lực nữ thành phố, Hội LHPN TP.HCM cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và tập trung khắc phục hạn chế, khuyết điểm của nhiệm kỳ qua, có chương trình hành động cụ thể triển khai thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ TP.HCM. Trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ nữ có phẩm chất chính trị vững vàng, tri thức khoa học, giỏi kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn, sức khỏe tốt, biết quan tâm lợi ích cộng đồng, chia sẻ, hỗ trợ nhau cùng phát triển; chăm lo sâu sát đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ; xây dựng lực lượng phụ nữ thành phố đoàn kết, sáng tạo, khát vọng vươn lên, gia đình hạnh phúc, ngày càng đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển của TP.HCM và đất nước.
Bản thân mỗi phụ nữ, có lẽ nên có sự đổi mới đột phá từ suy nghĩ, nhận thức và hành động, chủ động vươn lên vừa kế thừa truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, phụ nữ TP.HCM, vừa thích ứng với những thay đổi từ xã hội và ngay chính trong mỗi gia đình. Ở mỗi lĩnh vực phụ nữ cũng nên rèn luyện sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm, lối sống văn hóa, lòng nhân hậu, tham gia đóng góp xây dựng thành phố, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.
Tôi hy vọng và tin tưởng với nhiệt huyết, tâm sức, trí tuệ của BCH Hội LHPN TP.HCM nhiệm kỳ mới cùng sự chung sức, chung lòng của hơn 1.500.000 hội viên, phụ nữ, Đại hội đại biểu Phụ nữ TP.HCM lần thứ XI sẽ thành công tốt đẹp, ghi khắc quyết tâm, tạo động lực mạnh mẽ để các chị em cùng thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội, phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức Hội trong việc xây dựng và phát triển thành phố.
* Xin cảm ơn bà!
Nghi Anh (thực hiện)
|
Bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - thăm em bé hơn một tuần tuổi đã mồ côi mẹ vì dịch COVID-19 tại H.Bình Chánh - Ảnh: Phạm Phan |
Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia ban chấp hành Đảng bộ, HĐND các cấp ngày càng tăng
Cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025
- Ủy viên BCH Đảng bộ thành phố: có 13/62 là nữ, tỷ lệ 20,96%.
- Ban Thường vụ Thành ủy: có 4/16 là nữ, tỷ lệ 25%.
- Ủy viên BCH Đảng bộ cấp quận, huyện: có 321/966 là nữ, tỷ lệ 33,22%.
- Ban Thường vụ cấp quận, huyện: có 66/300 là nữ, tỷ lệ 22%.
- Ủy viên BCH Đảng bộ cấp phường, xã, thị trấn: có 1.628/3.989 là nữ, tỷ lệ 40,81%.
Cán bộ nữ tham gia đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021
- Đại biểu Quốc hội: có 9/30 là nữ, tỷ lệ 30%.
- Đại biểu HĐND các cấp:
+ Cấp thành phố: có 46/105 là nữ, tỷ lệ 43,81%.
+ Cấp quận, huyện: có 371/943 là nữ, tỷ lệ 39,34%.
+ Cấp phường, xã, thị trấn: có 3.749/9.310 là nữ, tỷ lệ 40,27%.
Cán bộ nữ tham gia đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Đại biểu Quốc hội: có 9/30 là nữ, tỷ lệ 30%.
- Đại biểu HĐND các cấp:
+ Cấp thành phố: 41/94 là nữ, tỷ lệ 43,62%.
+ TP.Thủ Đức: 16/40 là nữ, tỷ lệ 40%.
+ Cấp huyện: 63/169 là nữ, tỷ lệ 37,28%.
+ Cấp xã, thị trấn: 665/1.822 là nữ, tỷ lệ 36,5%.
(Theo số liệu từ Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM)