Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

15/11/2024 - 18:25

PNO - Sáng 15/11, tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn".

Toàn cảnh hội thảo - Nguồn ảnh: baochinhphu.vn
Toàn cảnh hội thảo - Nguồn ảnh: baochinhphu.vn

Tiến sĩ Lại Xuân Môn - Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương - nhìn nhận, hội thảo đã thống nhất nhận thức và làm rõ một số vấn đề lý luận, thực tiễn rất cơ bản về “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” theo định hướng của Tổng bí thư Tô Lâm

Theo ông Lại Xuân Môn, “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” là kỷ nguyên phát triển bứt phá, tăng tốc dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần yêu nước, tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Sau gần 95 năm tiến hành công cuộc giải phóng, xây dựng đất nước; dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tạo ra những bước phát triển đột phá, những kỷ nguyên vẻ vang. Đó là, kỷ nguyên độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội (1930-1975); kỷ nguyên thống nhất đất nước, đổi mới (1975-2025); và bây giờ, đất nước đang bước vào kỷ nguyên thứ ba - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, khởi đầu bằng sự kiện trọng đại, Đại hội XIV của Đảng.

Tiến sĩ Lại Xuân Môn - Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương - Nguồn ảnh: baochinhphu.vn
Tiến sĩ Lại Xuân Môn - Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương - Nguồn ảnh: baochinhphu.vn

“Đây thời điểm chúng ta hoàn thành xuất sắc công cuộc đổi mới sau 40 năm; cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế nâng lên rõ rệt; dư địa và không gian phát triển của Việt Nam còn nhiều lợi thế và sức mạnh. Đến thời điểm này đã hội tụ đầy đủ các nhân tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh” - ông Lại Xuân Môn nói.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra các giải pháp về tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; tăng cường tính Đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Các ý kiến thống nhất cao với nhận định của Tổng bí thư Tô Lâm: trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn” phải tập trung giải quyết.

Đặc biệt, cần đột phá mạnh mẽ, quyết liệt về thể chế phát triển; tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, huy động, khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài, nguồn lực trong dân, phát triển khoa học và công nghệ đồng bộ, thông suốt, tất cả vì đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân phải được nâng cao.

Trong đó, lấy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực chính cho phát triển nhanh, bền vững; thúc đẩy cách mạng chuyển đổi số, xem đây là chìa khóa, là đòn bẩy đưa đất nước phát triển vượt bậc trong kỷ nguyên mới.

Bên cạnh đó, việc xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đang đặt ra cấp thiết, là vấn đề có ý nghĩa sống còn.

Các đại biểu cũng thống nhất cao với nhận định của Tổng bí thư Tô Lâm: thực tế hiện nay, lãng phí diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Cụ thể, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo; gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước...

Do vậy, cần thống nhất quan điểm: đẩy mạnh phòng, chống lãng phí là một trọng tâm trong chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, được xếp ngang với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Xây dựng văn hoá phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”.

Minh Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI