Khởi đầu đẹp của hành trình yêu thương

27/07/2015 - 15:18

PNO - PN - Sáng 25/7, tại UBND xã Biên Giới, (khu vực đồn biên phòng vàm trảng trâu, H.Châu Thành, tỉnh Tây Ninh), Báo Phụ Nữ TP.HCM đã phối hợp với bộ đội biên phòng cùng Hội LHPN tỉnh Tây Ninh tổ chức chương trình “1.000 đôi dép cho...

“Nhìn thấy ai ai cũng đều vui bên mẹ cha, giọt lệ em tuôn rơi, hòa tan với nỗi buồn... Hãy lau khô cuộc đời em bằng tình thương, lòng nhân ái của con người…”, khi ca sĩ Bảo Sơn cất lên lời bài hát này, cụ Nguyễn Thị Khuyên (ngụ ấp Bến Cầu) ghì chặt đứa cháu trong lòng. Trên gương mặt sạm nhăn, hai giọt nước mắt lăn chậm. Cha mẹ của đứa trẻ ly hôn, cả hai bỏ đi biệt xứ, bà phải dẫn cháu đi bán vé số. Dường như ca sĩ đang cất lên lời hát dành cho đứa cháu côi cút của bà.

Khoi dau dep cua hanh trinh yeu thuong

Những “lần đầu” ngọt ngào

Khi chiếc xe 45 chỗ “bò” vào được đến trụ sở UBND xã Biên Giới, trời đã nắng gắt và nơi ấy, hơn 800 em thiếu nhi cùng phụ huynh đã ngồi chờ sẵn. Rất nhanh chóng, nhiều hoạt động được triển khai cùng lúc để các em có thể chọn cách chơi cho mình như bước vào một “hội chợ”. Ở khoảng sân lớn là chương trình văn nghệ tạp kỹ, cạnh đó là quầy kem cuộn, bàn khám bệnh, khu hớt tóc, bàn vẽ tranh cùng tô tượng, khu trao dép và bánh.

Nghe ca sĩ Bảo Sơn hát, cụ Nguyễn Thị Khuyên quẹt nước mắt: “Cả đời ở xứ Vàm Trảng Trâu heo hút này, lần đầu tiên tôi được thấy ca sĩ hát thật như vầy. Tôi bỏ một buổi bán vé số để dẫn cháu ra đây chơi. Tội nghiệp cháu tôi, mới sinh ra đã chẳng thấy mẹ cha, toàn phải theo bà đi bán. Bữa nay chắc nó vui nhất”.

Không chỉ bé Quỳnh Hương (cháu bà Khuyên), hầu hết trẻ em ở đây đều lần đầu được tham gia một hoạt động giải trí như vậy. Bé Nguyễn Thị Khuy (sáu tuổi) ngần ngại cầm trên tay pho tượng trắng, không biết đặt cọ tô nơi nào trước. Khuy bảo: “Con tưởng họa sĩ mới được tô tượng chứ”. Bàn bên cạnh, bé Nguyễn Anh Khang (năm tuổi) cũng bối rối khi lần đầu được tiếp xúc với cọ và màu nước. Sau những phút ngỡ ngàng, đám trẻ dần nhập cuộc, cùng tranh cãi về ý tưởng vẽ tranh, cười đùa rộn rã cả một góc sân.

Thu hút nhất vẫn là quầy kem cuộn. Những mái đầu khét nắng chụm vào nhau, chen chúc. Từng đôi mắt tròn xoe nhìn theo động tác của người cuộn kem, nhẫn nại chờ đến lượt nhận một cây kem “chưa thấy bao giờ”. Ở vùng biên giới này, việc được mua một cây kem dạo đã là hiếm, nên cây kem cuộn được đánh từ sữa béo ngậy cùng sô-cô-la khiến nhiều bé tiếp tục xếp hàng lần nữa để có cây kem thứ hai.

“Con đã được đi khám bệnh lần nào chưa?” - bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Thảo (Bệnh viện Q.2,TP.HCM) ân cần hỏi. Bé Nguyễn Thị Tú ngập ngừng: “Dạ chưa, trước đây có mấy lần bị sốt, mẹ mua thuốc về uống thôi”. Sau khi khám, BS Thảo cho biết, Tú có thể bị viêm nhiễm đường tiêu hóa, hầu như toàn bộ răng hàm bị sâu và đáng ngại nhất là bé chưa được xổ giun lần nào.

Có thể ít người ngờ rằng, ở vùng này, dịp đầu năm học, giáo viên phải vận động một số học sinh… mang dép! Vào mùa mưa, đường đất sình lầy, nhiều em đi chân trần cho “tiện”. Và cũng vì đường xấu mà dép của trẻ hỏng rất nhanh, phụ huynh mua dép mới không kịp, nhất là với những hộ nghèo.

Cầm phiếu đổi dép trên tay, bé Trương Ngọc Hạnh tần ngần khi được hỏi “chân con mang dép số bao nhiêu?”. Hạnh lắc đầu, không biết trả lời thế nào. Với cô bé, những đôi dép “mới” thường chỉ là dép cũ, được người quen cho. Hạnh chưa từng được mẹ dẫn đến tiệm giày dép để chọn một đôi theo kiểu dáng và kích thước phù hợp với chân mình. Bộ quần áo em đang mặc cũng là đồ cũ do cô giáo cho. Cuối cùng em đã chọn được đôi dép vừa chân. Đi xa ra khỏi đám đông, Hạnh lặng lẽ tháo bao bì ra, chậm rãi mang dép. Đôi bàn chân đen sạm với gót chân nứt nẻ vàng màu phèn như khiến đôi dép màu trắng “nổi” hơn. Có lẽ, lần đầu em được sở hữu một đôi dép mới và đẹp như vậy.

Khoi dau dep cua hanh trinh yeu thuong

Thử dép mới ngay sau khi vừa nhận - Ảnh: Phùng Huy

Ấm lòng người dân biên giới

Bà Phạm Thu Trang - Phó chủ tịch UBND xã Biên Giới không giấu được ánh mắt buồn: “Xã này nghèo nhất trong các xã giáp biên giới Tây Nam. Xã có đất tự nhiên 3.644 ha, đất lúa đã chiếm 2.200 ha. Ở đây, nếu không trồng lúa thì cũng chẳng biết trồng gì khác. Trồng khoai mì cho hiệu quả kinh tế quá thấp, nhưng trồng lúa thì cũng chẳng khá hơn là bao”.

Trẻ em nơi đây rất thiệt thòi. Bà Thu Trang bộc bạch: “Mấy đứa trẻ ở đây tội lắm, xã có nhà văn hóa thiếu nhi, nhưng chỉ có “vỏ”, chưa có “ruột” vì không có kinh phí đầu tư trang thiết bị để trẻ vui chơi, sinh hoạt. Cũng vì mức sống thấp nên thể trạng, sức khỏe của trẻ cũng… èo uột. Sáu tháng đầu năm nay, toàn xã có 14% trẻ bị suy dinh dưỡng. Đặc biệt, nhiều gia đình chưa tạo thói quen vệ sinh răng miệng nên trẻ không có thói quen đánh răng”.

Tiếp lời bà Thu Trang, bà Lê Thị Thủy - Chủ tịch Hội LHPN xã Biên Giới trăn trở: “Chăm lo cho trẻ em là nhiệm vụ hàng đầu của chính quyền, đoàn thể nhưng điều kiện thực tế còn khó khăn, nên thấy những điều thiệt thòi của trẻ mà không biết làm sao khắc phục. Chúng tôi có trao học bổng cho trẻ em cấp I, cấp II hàng năm. Ban đầu, mỗi suất học bổng chỉ hai trăm ngàn đồng, sau đó mỗi năm tăng thêm được một trăm ngàn, bây giờ là bốn trăm ngàn đồng, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu. Trong tình cảnh như vậy, những đoàn từ thiện với hoạt động phong phú, hấp dẫn và thiết thực như cách mà báo Phụ Nữ tổ chức đã động viên địa phương rất nhiều”.

Ở vùng đất bên bờ sông Vàm Cỏ Đông này, chuyện học sinh không có tiền đóng học phí chẳng còn là chuyện lạ. Cô Nguyễn Thị Kim Liên - chủ nhiệm lớp 8B, Trường THCS Biên Giới kể: “Có những gia đình nghèo không có hướng đi lên vì không có đất, lại không có lao động đủ sức khỏe để đi làm thuê. Con em của họ đối diện việc nghỉ học bất cứ lúc nào. Các giáo viên tìm mọi cách để không có học sinh nào bỏ học. Riêng tôi, ngoài việc đi dạy còn phải đi tìm xin quần áo cũ để tặng học sinh”.

Vì biên cương xanh

“1.000 đôi dép cho trẻ em biên giới” là chương trình mở màn trong chuỗi chương trình “Vì biên cương xanh” do báo Phụ Nữ TP.HCM khởi xướng.

Để thực hiện trọn vẹn chương trình trên, ban tổ chức đã thiết kế những hoạt động thiết thực và chu đáo. Đoàn đã tổ chức trao 1.000 đôi dép với tổng trị giá hơn 80 triệu đồng; đội hớt tóc miễn phí gồm 12 người đến từ Nhà văn hóa Phụ Nữ TP.HCM đã giúp gần 200 bé có đầu tóc mới; đội thầy thuốc trẻ gồm 15 người đến từ Bệnh viện Q.2 đã khám bệnh miễn phí cho hơn 200 trẻ em, phát thuốc miễn phí trị giá gần bảy triệu đồng.

Đội văn nghệ gồm nghệ sĩ Bảo Sơn, Hữu Bình, Thụy Mười, Tuấn Phương, Phi Hạc đã làm nên một chương trình văn nghệ hấp dẫn, thu hút trẻ em và người lớn ở xã thưởng thức từ 8g30 đến 12g. Đội kem cuộn đã trao hơn 1.000 cây kem, trị giá hơn tám triệu đồng; nhóm thiện nguyện đến từ Trường tiểu học Bình Quới Tây (TP.HCM) giúp hàng trăm trẻ em tham gia trò chơi tập thể, vẽ tranh, tô tượng; nhóm từ thiện tự do trao 1.500 phần bánh ngọt…

Trời quá trưa, bữa ăn đạm bạc đã được bộ đội biên phòng dọn ra nhưng các BS vẫn miệt mài khám bệnh. Trực tiếp khám cho trẻ em tại xã Biên Giới, BS Trần Thị Tú Hằng - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Q.2 chia sẻ: “Đã cất công đến đây, chúng tôi cố gắng khám bệnh cho tất cả những ai có nhu cầu, khám hết trẻ em, khám cho cả người lớn. Là một BS trẻ, đến đây, thấy được khó khăn, thiếu thốn của người dân, đặc biệt là thiệt thòi về chế độ dinh dưỡng và dịch vụ chăm sóc sức khỏe của trẻ, tôi suy nghĩ nhiều hơn về cuộc sống, về khái niệm “y tế vì cộng đồng” và như thấy mình trưởng thành hơn”.

Anh Nguyễn Hữu Danh đứng đánh kem liên tục từ 8g30 đến gần 13g vẫn nở nụ cười tươi: “Tôi lớn lên ở thành phố nên không hiểu hết được cuộc sống trẻ em vùng quê. Dù chân tay mỏi nhừ nhưng nhìn thấy nét mặt mong mỏi rồi giãn ra sung sướng của trẻ khi cầm cây kem trên tay, tôi không nỡ dừng lại một phút. Hôm nay, tôi nhận được nhiều, đó là hiểu hơn về cuộc sống”.

Hành trình “Vì biên cương xanh” đã chính thức mở ra với trạm dừng đầu tiên ở khu vực đồn biên phòng Vàm Trảng Trâu. Theo kế hoạch, chuỗi chương trình này sẽ đi qua 10 tỉnh có đường biên giới Việt Nam - Campuchia, từ Kontum đến Kiên Giang.

 TRẦN TRIỀU

Thư cảm ơn

Đoàn công tác xã hội, từ thiện Báo Phụ Nữ TP.HCM vừa kết thúc chương trình “1.000 đôi dép cho trẻ em biên giới” thuộc dự án “Vì biên cương xanh” tại khu vực đồn biên phòng Vàm Trảng Trâu, thuộc xã Biên Giới, H.Châu Thành, tỉnh Tây Ninh với tổng kinh phí gần 120 triệu đồng.

Báo Phụ Nữ xin chân thành cảm ơn các đơn vị phối hợp thực hiện: Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh và Hội LHPN tỉnh Tây Ninh cùng các đơn vị, cá nhân tham gia: Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM, Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM, Trường Tiểu học Bình Quới Tây (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), nhóm kem cuộn Thái Lan (Q.Phú Nhuận), Công ty TNHH sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Chi nhánh miền Nam), nhóm nghệ sĩ, diễn viên: Bảo Sơn, Tuấn Phương, Hữu Bình, Thụy Mười, Phi Hạc; nhóm văn nghệ xung kích Phòng Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh.

Báo Phụ Nữ cũng chân thành cảm ơn Công ty TNHH sản xuất Duy Lợi (Võng xếp Duy Lợi), Công ty TNHH sản xuất & thương mại Mebipha, Ngân hàng Agribank chi nhánh Phan Đình Phùng (TP.HCM), Công ty TNHH sản xuất & thương mại Đắc Nhẫn (Tây Ninh) và nhiều nhà hảo tâm đã tài trợ cho chương trình.

 BÁO PHỤ NỮ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI