Khởi đầu cho sự đổi mới ở bậc mầm non

15/02/2025 - 06:36

PNO - Với 22 chuẩn, 70 chỉ số thuộc 6 lĩnh vực, bộ chuẩn mới về phát triển trẻ em 5 tuổi đáp ứng được mong đợi của các bậc phụ huynh và thầy cô trong việc định hướng về sự phát triển toàn diện của trẻ 5 tuổi. Trẻ 5 tuổi phải biết và có thể làm được các phần việc theo những chỉ số được nêu để tiếp cận với bậc tiểu học.

Tôi cho rằng, bộ chuẩn mới được cụ thể hóa với những tiêu chí rõ ràng hơn. Trong chương trình giáo dục mầm non hiện hành, những hoạt động lồng ghép kiến thức và kỹ năng được thiết kế theo tâm sinh lý lứa tuổi và được giáo viên tổ chức sao cho thật sống động và lan tỏa tính tích cực đến trẻ. Trong giai đoạn từ 3 đến 5 tuổi, trẻ con cần đùa vui, chia sẻ và khám phá để hình thành những nền móng nhân cách của chính mình.

Những hoạt động như “chú mực tinh nghịch” (học đếm từ 1 đến 10), “những chong chóng xoay” (tìm hình logic nhau), “cửa hàng kem” (thêm, bớt, tách, gộp), “ngôi nhà hình học” (nhận dạng hình học), “tìm chữ tương ứng” (nhận dạng chữ in và chữ thường)… là những hoạt động giúp trẻ có những nhận biết cơ bản, từ đó vận dụng để giải quyết một số vấn đề trong cuộc sống hằng ngày.

Học sinh lớp Lá 2, Trường mầm non Tân Phong, quận 7, TPHCM học cách đọc giờ trên đồng hồ kim
Học sinh lớp Lá 2, Trường mầm non Tân Phong, quận 7, TPHCM học cách đọc giờ trên đồng hồ kim

Xã hội phát triển, việc giáo dục con cái cũng phải thay đổi để phù hợp với xu hướng chung của các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến. Kiến thức và kỹ năng chính là những việc làm bình thường hằng ngày và phải được người lớn dạy bảo theo phương châm “kiến tạo hạnh phúc” chứ không phải để trẻ hành động tự phát theo bản năng. Việc phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường là rất quan trọng để giúp trẻ thẩm thấu dần những hoạt động “vừa học vừa chơi” cũng như cảm nhận thế giới quanh mình qua lăng kính lứa tuổi. Quan trọng hơn hết là người lớn phải thể hiện sự quan tâm tích cực, thương yêu và hướng dẫn trẻ trong hành trình lớn lên.

Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu với quan điểm xuyên suốt là con người làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, là nguồn lực và động lực cho sự phát triển. Giáo dục mầm non có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, phát triển con người Việt Nam. Xây dựng, phát triển con người cần phải đặt nền móng từ những năm đầu đời.

Khi chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 hoàn thành chu trình đầu tiên (phủ khắp 12 khối lớp) là lúc chương trình giáo dục mầm non mới được triển khai thí điểm ở 20 tỉnh, thành phố trong cả nước. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nói: “Năm 2025 đánh dấu bước khởi đầu của đổi mới giáo dục mầm non - cấp học nền tảng nhưng còn nhiều khó khăn nhất hiện nay”.

Vì vậy, trong 15 nhiệm vụ, giải pháp của Bộ GD-ĐT nhằm thực hiện kế hoạch của Chính phủ năm 2025, có cả việc nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, thực hiện việc đổi mới chương trình giáo dục mầm non. Có thể nói, bộ chuẩn mới là sự khởi đầu cho sự đổi mới ở bậc mầm non. Điều quan trọng là cần tích cực tháo gỡ những khó khăn để phát triển giáo dục mầm non, gồm những khó khăn về nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, khả năng tiếp cận giáo dục mầm non bình đẳng.

Đất nước đang bước vào “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” với các chiến lược đột phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Muốn thành công, mọi đột phá đều phải bắt đầu từ con người, từ nguồn nhân lực. Giáo dục mầm non chính là nền tảng vững chắc cho tương lai của mỗi công dân.

Lê Tấn Thời - giáo viên Trường THCS
Nguyễn Đăng Sơn, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI