Khỏi COVID-19 lại vướng rối loạn tâm lý

22/10/2021 - 06:24

PNO - Khi biết mình là F0, đa số bệnh nhân lo lắng, hoang mang. Sự căng thẳng đó đôi khi không thuyên giảm mà tiếp tục kéo dài và trở nên trầm trọng hơn dù họ đã khỏi COVID-19.

 

Anh P.V.H., 40 tuổi, ngụ quận 4, TPHCM, đã may mắn vượt qua căn bệnh COVID-19. Từ khi xuất viện về nhà, anh tự cách ly thêm 14 ngày. Hết thời gian này, sợ mình vẫn còn khả năng lây bệnh cho người thân, anh H. lại tự cách ly trong phòng riêng thêm 14 ngày nữa. Quan sát qua camera, vợ anh H. thấy chồng mình luôn đeo khẩu trang dù ở trong phòng một mình, thường xuyên rửa tay, xịt khuẩn quá mức cần thiết, quần áo anh tự giặt tay rồi phơi ở toilet trong phòng. Anh cũng ở trong phòng ăn mì ly chế nước sôi.

Bác sĩ Lâm Hiếu Minh, Phòng khám Tâm lý Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, đang điều trị tâm lý cho bệnh nhân
Bác sĩ Lâm Hiếu Minh, Phòng khám Tâm lý Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, đang điều trị tâm lý cho bệnh nhân

Một tháng trôi qua, vợ con ra sức khuyên bảo, anh H. mới chịu ra ngoài. Thế nhưng, anh chỉ đi thang bộ vì sợ lây cho người khác, trong khi nhà ở tận tầng 10 của chung cư. Sự cẩn thận thái quá khiến cuộc sống của anh H. và cả gia đình đều rất mệt mỏi. 

Trường hợp F0 đã khỏi bệnh nhưng vẫn sợ lây bệnh cho người khác như anh H. là một trong những kiểu rối loạn tâm lý mà bác sĩ Lâm Hiếu Minh, Phòng khám Tâm lý Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, thường gặp ở bệnh nhân hậu COVID-19. 50% bệnh nhân ông tiếp nhận thời gian gần đây là các trường hợp đã khỏi COVID-19. Họ bị chướng ngại tâm lý lớn, có xu hướng tiêu cực, thậm chí tự hủy hoại bản thân. Những người F0 khỏi bệnh đến khám tâm lý được ông chia làm hai nhóm. Thứ nhất là các bệnh nhân có tiền sử tâm lý tâm thần nhưng đã điều trị ổn định, nay vì mắc COVID-19 làm bệnh tình tái phát. Thứ hai là các trường hợp mắc COVID-19 làm khởi phát các cơn rối loạn lo âu, ám ảnh cưỡng chế và trầm cảm. 

Cuối tuần qua, bác sĩ Minh gặp lại bệnh nhân cũ. Đó là bà N.T.M.T., 56 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TPHCM. Cách đây bảy năm, bà T. bị trầm cảm và đã điều trị ổn định. Tuy nhiên, tháng 7/2021, bà mắc COVID-19 khá nặng. Từ đó, bệnh nhân luôn nói rằng mình nhất định sẽ chết. Tới khi đã khỏi bệnh, bà T. lại liên tục nói về chuyện mình sẽ bị tái nhiễm. Cứ vào buổi chiều, bà có những cơn buồn chán, chẳng muốn làm gì, không thiết đến tương lai. Bà T. còn xuất hiện các triệu chứng mất ngủ, hồi hộp, tim đập nhanh. Vì đã từng bị trầm cảm nên bà biết mình bệnh cũ tái phát. 

Bác sĩ Minh cũng vừa tiếp nhận một đôi nam nữ tới khám tâm lý. Cả hai bạn trẻ này ở chung và cùng bị COVID-19. Rất may, cặp đôi đã khỏi bệnh nhưng sau đó lại không kiểm soát được cảm xúc của mình. Nam bệnh nhân khi gặp bác sĩ đã khóc thút thít, có dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Còn nữ bệnh nhân thì bị rối loạn cảm xúc nên không thể kiềm chế được mỗi khi giận dữ, tới mức đánh bạn trai, la hét và tự cào cấu mình…

Theo bác sĩ Minh, khi mắc COVID-19, bệnh nhân thường bị hoảng loạn. Một số trường hợp không vượt qua được thì sẽ có các triệu chứng của trầm cảm. Nếu chậm trễ điều trị thì bệnh sẽ ngày càng trầm trọng khiến bệnh nhân có nguy cơ trở thành trầm cảm thật. Đối với người đã có tiền sử bệnh tâm lý tâm thần thì những căng thẳng của dịch bệnh tác động sẽ tạo điều kiện cho bệnh cũ tái phát.

Do đó, bác sĩ khuyên rằng, sau khi bệnh nhân COVID-19 được xuất viện, hoàn thành cách 14 ngày ở nhà mà cảm thấy mình có các biểu hiện như: Chán ăn, rối loạn giấc ngủ, hồi hộp, tim đập nhanh, không kiềm chế được cảm xúc… thì hãy liên hệ đường dây nóng của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM để đặt hẹn tư vấn tâm lý online miễn phí. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ yêu cầu tới bệnh viện để được khám và điều trị chuyên sâu. 

 Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI