Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cùng lãnh đạo nhiều bộ, ngành đã đến dự.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đã đạt tỷ lệ đồng thuận cao |
Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu nằm trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đây là tuyến đường quan trọng trong mạng lưới giao thông của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, hình thành kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược liên vùng, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của cả khu vực, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại...
"Xác định giao thông vận tải là huyết mạch, là động lực đi trước một bước để tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Những năm qua, tỉnh Đồng Tháp được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm đầu tư nhiều dự án, công trình trọng điểm đi qua và đã phát huy hiệu quả cao, đã đưa Đồng Tháp từ một địa phương "khuất nẻo" trở thành địa phương có lợi thế, kết nối 3 trung tâm lớn: TPHCM, TP Cần Thơ và TP Phnôm Pênh - Vương quốc Campuchia", ông Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh.
Cụ thể, dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1, có tổng chiều dài tuyến là 27,43km. Phạm vi thực hiện dự án trải dài qua 2 tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang. Trong đó, Đồng Tháp được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan chủ quản thực hiện Dự án thành phần 1, với chiều dài tuyến là 16km, tổng mức đầu tư 3.640 tỉ đồng.
Điểm đầu tuyến cao tốc này giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh; điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Đây là dự án nhóm A, có vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước với tổng vốn khoảng 5.886 tỉ đồng.
Quy mô giai đoạn hoàn thiện có mặt cắt ngang 4 làn xe hoàn chỉnh, vận tốc khai thác đạt 100km/h. Dự án xây 19 cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu (17 cầu trên tuyến và 2 cầu nhánh nút giao). Cạnh đó, dự án còn thực hiện xây dựng trên 7km đường gom.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, đây là lần đầu tiên, tỉnh Đồng Tháp được giao thực hiện dự án có quy mô đầu tư lớn, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao và thời gian triển khai cấp bách; tỉnh Đồng Tháp đã khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo do Bí thư Tỉnh uỷ làm Trưởng ban, Chủ tịch UBND Tỉnh làm Phó trưởng ban, để chỉ đạo triển khai thực hiện dự án; cùng với sự quyết tâm, khẩn trương của các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong quá trình phối hợp triển khai thực hiện nên công tác chuẩn bị đầu tư Dự án thành phần 1 đã hoàn thành đúng kế hoạch đề ra.
|
Gia đình anh Nguyễn Văn Vũ (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) phải di dời nhà cửa, vườn tược để bàn giao đất phục vụ dự án |
Dự án thành phần 1 có 533 hộ nằm trong vùng dự án, với diện tích đất thu hồi hơn 89ha.
Về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã đạt tỉ lệ đồng thuận cao. Tính đến nay, số hộ dân bị ảnh hưởng đã nhận tiền bồi thường 511/533 hộ (96%); diện tích đã bàn giao 84,34/89,3ha, đạt đến 94,5%.
Nằm trong vùng dự án, gia đình ông Nguyễn Văn Vũ (45 tuổi, ngụ tại xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) phải di dời khoảng 2.000m2 gồm nhà ở và đất vườn. Đến nay, gia đình đã hoàn thành thực hiện di dời và sắp vào ở căn nhà mới vừa xây xong.
Chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM, ông Vũ nhấn mạnh rằng, đã từ lâu, người dân địa phương luôn mong muốn các tuyến đường kết nối tỉnh Đồng Tháp với các địa phương khác trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngày được nhiều hơn, rộng rãi, thuận tiện hơn. Khi có những con đường mới, nông sản của nông dân Đồng Tháp và các tỉnh sẽ đi xa hơn, cơ hội để đi lại, trao đổi, buôn bán, giao lưu văn hóa trong vùng và với TPHCM sẽ thuận tiện hơn. Và khi những con đường kết nối hình thành, Đồng Tháp và miền Tây; người dân Đồng Tháp, người dân miền Tây sẽ có nhiều điều kiện để phát triển, có cuộc sống tốt hơn.
"Vì công trình chung của tỉnh và cũng vì chính sự phát triển của bà con, quê hương, tôi đã tự nguyện và cùng vận động bà con nhân dân trong vùng dự án di dời cây trồng, vật kiến trúc ra khỏi phạm vi giải phóng mặt bằng, bàn giao sớm cho chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án", ông Vũ nói.
|
Các phương tiện xe cơ giới chuẩn bị bước vào thi công xây dựng cao tốc Cao Lãnh - An Hữu |
Đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thuộc tuyến cao tốc Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) - tỉnh Trà Vinh (CT.36), đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tháng 9/2021, quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thuộc tuyến Hồng Ngự - Trà Vinh, là tuyến cao tốc trục ngang có điểm đầu tại cửa khẩu Dinh Bà (tỉnh Đồng Tháp), điểm cuối tại tỉnh Trà Vinh, với tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 188km. Đây là tuyến đường quan trọng trong mạng lưới giao thông của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đi qua các địa phương: Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long và Trà Vinh, hình thành kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược liên vùng, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của cả miền Tây Nam bộ. |
Đông Phong