Khởi công sân bay Long Thành: Kỳ vọng và thách thức

26/08/2023 - 05:55

PNO - Dự kiến cuối tháng 8/2023, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sẽ khởi công xây nhà ga hành khách của dự án sân bay Long Thành, đánh dấu bước chuyển động quan trọng đối với dự án lớn này. Cùng thời điểm, ACV cũng sẽ khởi công xây nhà ga hành khách T3 của sân bay Tân Sơn Nhất.

Hạ tầng kết nối phải hoàn thành trước 

Theo ACV, ban đầu, dự kiến khởi công xây nhà ga hành khách của dự án sân bay Long Thành vào ngày 26/8 nhưng sau đó lùi ngày, có thể vào ngày 31/8.

Mặt bằng để xây sân bay Long Thành đang được san lấp - Ảnh: Phạm Luận
Mặt bằng để xây sân bay Long Thành đang được san lấp - Ảnh: Phạm Luận

Ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị ACV - nhận xét, với dự án sân bay Long Thành, phần quan trọng nhất là nhà ga hành khách và khu bay. Trong đó, công trình nhà ga hành khách trị giá hơn 35.000 tỉ đồng, thời gian thi công 39 tháng, được đánh giá là gói thầu có giá trị lớn và có tính chất phức tạp nhất. Mục tiêu của dự án là đưa sân bay này vào khai thác giai đoạn 1 vào cuối năm 2026 với công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Dự kiến sau khi hoàn thành cả 3 giai đoạn với tổng đầu tư hơn 16 tỉ USD, sân bay có thể phục vụ 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Theo ông Lại Xuân Thanh, sân bay sẽ được tích hợp các công nghệ tiên tiến nhất của thế giới như làm thủ tục tự động, nhận diện khuôn mặt. Sân bay cũng được xây dựng theo tiêu chuẩn 4F - mức cao nhất trong tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), có khả năng tiếp nhận máy bay loại to nhất, máy bay 2 tầng.

Ông nói: “Sân bay Long Thành có đủ diện tích đất cần thiết để phát triển theo mô hình thành phố sân bay. Đây là mô hình đô thị đặc biệt lấy dịch vụ vận chuyển hàng không làm trung tâm để hình thành và phát triển các trung tâm công nghiệp, dịch vụ thương mại, vận tải, hội nghị, văn phòng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, giao thông công cộng… Hành khách đến sân bay có thể dự hội nghị, gặp gỡ, mua sắm, nghỉ dưỡng mà không cần vào thành phố”.

Để kết nối giao thông cho sân bay Long Thành, đồng thời phục vụ quá trình thi công sân bay, ngày 14/7 vừa qua, ACV cũng đã khởi công 2 tuyến đường T1, T2 với tổng kinh phí 2.630 tỉ đồng. Trong đó, tuyến đường T1 dài 4,3km nối sân bay Long Thành với Quốc lộ 51 và tuyến đường T2 dài 3,5km nối sân bay với đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. 

Ông Khương Văn Cương - Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, thuộc liên danh nhà thầu - cho biết, một trong những khâu then chốt quyết định tiến độ của dự án là công tác giải phóng mặt bằng và nguồn vật liệu. Đến nay, tuyến T1 đã bàn giao được khoảng 70% mặt bằng, tuyến T2 chưa có mặt bằng. Bên cạnh đó, đến nay, vẫn chưa có phương án cụ thể giải quyết nhu cầu vật liệu gồm khoảng hơn 1 triệu m3 đất, khoảng 10.000m3 cát, khoảng 214.000m3 đá. Ông đề nghị các địa phương sớm bàn giao đủ mặt bằng, nhất là ở các vị trí quan trọng như cầu lớn, nút giao.

Đại tá, phi công Nguyễn Thành Trung - nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) - cho rằng, để sân bay Long Thành phát huy được vai trò thì phải thúc đẩy các dự án hạ tầng kết nối với sân bay ngay từ bây giờ. Để phục vụ được 100 triệu hành khách/năm như thiết kế, sân bay Long Thành phải có hệ thống giao thông kết nối vùng mạnh mẽ, như các đường hướng tâm, vành đai 1, 2, 3, 4, đặc biệt là các tuyến đường cao tốc kết nối trực tiếp gồm TPHCM - Long Thành, Biên Hòa - Long Thành, Vũng Tàu - Long Thành, Bến Lức - Long Thành... Các hạ tầng này phải đi trước, mới giúp thu hút hành khách của các tỉnh, thành vào sân bay, còn không thì Long Thành sẽ chỉ là sân bay nội vùng.

Sân bay Tân Sơn Nhất vẫn đóng vai trò quan trọng

Cũng vào cuối tháng 8/2023, ACV dự kiến khởi công nhà ga hành khách T3 của sân bay Tân Sơn Nhất với tổng mức đầu tư 10.990 tỉ đồng, quy mô 1 tầng hầm và 4 tầng nổi, diện tích 112.500m2, gồm các hạng mục như nhà ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không, hệ thống cầu cạn. Thời gian thi công dự kiến 20 tháng, đưa vào khai thác từ quý III/2025. 

Phối cảnh sân bay Long Thành - Ảnh do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cung cấp
Phối cảnh sân bay Long Thành - Ảnh do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cung cấp

Theo tính toán, nhà ga T3 được thiết kế với công suất 20 triệu hành khách/năm, giúp nâng công suất của sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu hành khách/năm. Việc cùng lúc vừa xây sân bay Long Thành, vừa mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất nằm cách nhau chỉ hơn 40km gây nên mối băn khoăn rằng, liệu có lãng phí không; vai trò của sân bay Tân Sơn Nhất sẽ ra sao khi có sân bay Long Thành?

Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, hoạt động của 2 sân bay này sẽ hỗ trợ, phối hợp nhau để phục vụ nhu cầu vận tải hàng không của cả vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Sân bay Long Thành sẽ không mâu thuẫn mà giúp chia sẻ hiệu quả cho sân bay Tân Sơn Nhất hiện đang quá tải.
Bộ Giao thông Vận tải dự tính, sau khi xây xong sân bay Long Thành, sẽ chuyển 80% chuyến bay quốc tế và 20% chuyến bay quốc nội từ sân bay Tân Sơn Nhất về đây.

Tuy nhiên, ông Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, việc bố trí các chuyến bay với tỉ lệ như thế nào cần căn cứ trên nhu cầu thực tế chứ không nên duy ý chí. Theo ông, sân bay Long Thành dự kiến vận hành giai đoạn 1 vào năm 2026. Khi đó, chưa chắc hạ tầng giao thông kết nối vùng đủ hoàn thiện để tạo thuận lợi cho hành khách. Cho nên, trước mắt, cứ để nhu cầu của người dân tự điều tiết.

Giai đoạn đầu, sân bay Long Thành cũng chỉ khai thác 25 triệu hành khách/năm. Khi đó, vai trò của nó chỉ là chia tải cho sân bay Tân Sơn Nhất. Còn để hoàn thiện cả 3 giai đoạn với công suất 100 triệu hành khách/năm thì còn rất lâu và đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn. Do đó, ông Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, trong vài năm tới, sân bay Tân Sơn Nhất vẫn đóng vai trò chính về vận tải hàng không của khu vực. Về lâu dài, khi sân bay Long Thành hoàn thiện, có thể chuyển toàn bộ ga hàng hóa về đây. Khi đó, sân bay Tân Sơn Nhất chỉ phục vụ vận chuyển hành khách và có điều kiện để cải thiện chất lượng phục vụ.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không, Trường đại học Bách khoa TPHCM - nhận xét, cho dù sân bay Long Thành sắp khởi công các hạng mục quan trọng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn về giải phóng mặt bằng và tài chính. Để đảm bảo kinh phí hơn 4,7 tỉ USD cho giai đoạn 1 và 16 tỉ USD cho cả 3 giai đoạn là một thách thức cho chủ đầu tư. Do đó, ông cho rằng, trước mắt, vẫn nên đầu tư cho sân bay Tân Sơn Nhất, bằng cách ưu tiên bố trí vốn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ga T3 và tổ chức kết nối giao thông hiệu quả ở bên ngoài sân bay. 

Nên phân kỳ đầu tư cho sân bay Long Thành

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống cho rằng, cần đầu tư cho sân bay Long Thành hiệu quả hơn theo từng giai đoạn. Chẳng hạn, hiện nay, việc thiết kế 4 đường cất hạ cánh cho 100 triệu khách/năm là rất lãng phí. Thực tế, các sân bay hoạt động hiệu quả trên thế giới như sân bay Heathrow (Anh) chỉ cần 2 đường băng cho gần 80 triệu khách/năm; sân bay Western Sydney Airport (Úc) cũng chỉ có 2 đường băng nhưng công suất tương đương sân bay Long Thành, khoảng 90-100 triệu khách/năm. 

Bên cạnh đó, sân bay Western Sydney Airport không xây ngay một lúc nhà ga hành khách hoành tráng mà họ đầu tư phân kỳ, chỉ xây nhà ga có diện tích vừa phải trong giai đoạn đầu (còn ít khách), sau đó mới mở rộng dần. Trong khi đó, sân bay Long Thành giai đoạn 1 đã xây nhà ga rộng hơn 376.000m2 dù chưa biết lượng hành khách thế nào. 

“Tổng 3 giai đoạn dự định xây đến 4 nhà ga hành khách (mỗi nhà ga rộng 376.000m2) với tổng diện tích hơn 1,5 triệu m2, bình quân 15.000 m2/1 triệu khách, gấp nhiều lần những sân bay hiện hữu. Nếu làm rộng rãi như các sân bay các nước trên thế giới thì cũng chỉ cần khoảng 7.500 m2/1 triệu khách. Do đó, nên phân kỳ đầu tư sân bay Long Thành hợp lý hơn để tránh lãng phí trong giai đoạn đầu” - ông đề xuất.

Minh Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI