Khói cháy rừng làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ

24/08/2023 - 22:55

PNO - Khi một số vụ cháy rừng tồi tệ đang diễn ra thì các nhà khoa học đã tìm ra tác động của khói cháy rừng đối với sức khỏe con người.

 

Một chiếc trực thăng chở xô nước khi đám cháy rừng bùng cháy ở Canakkale, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 22 tháng 8 năm 2023
Đám cháy rừng đang bùng cháy ở Canakkale, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 22/8 

Mới đây, một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho thấy những người sống ở những khu vực thường xuyên tiếp xúc với khói cháy rừng có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao hơn trong cuộc sống sau này.

"Ở miền Tây Mỹ, có những khu vực mà một nửa số người dân tiếp xúc với ô nhiễm hạt mịn hàng năm là do khói từ cháy rừng gây ra" - Sara Adar (Đại học Michigan, Mỹ) - một trong những tác giả của nghiên cứu - cho biết. 

Nhà nghiên cứu Boya Zhang (Đại học Michigan) - là người đứng đầu của nhóm - cho biết thêm: "Cháy rừng thiêu rụi mọi thứ và nó thải ra một hỗn hợp các hạt mịn (PM2.5) có thể gây độc thần kinh hơn các hạt mịn có nguồn gốc khác".

Trước đây, khoa học đã chứng minh rằng hít phải các hạt siêu nhỏ trôi nổi trong không khí có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Các nhà khoa học lo ngại rằng những hạt nhỏ này sẽ vượt qua hệ thống phòng thủ của hệ hô hấp, xâm nhập vào máu và di chuyển đến các cơ quan quan trọng, bao gồm cả não.

Các nhà nghiên cứu ước tính rằng gần 188.000 trường hợp mắc chứng mất trí nhớ mới ở Mỹ mỗi năm là do phơi nhiễm PM2.5. Trong đó, nhóm nghiên cứu phát hiện khói cháy rừng và khí thải nông nghiệp có liên quan đến căn bệnh này.

Các nhà khoa học ước tính hơn 7 triệu người ở Mỹ mắc chứng mất trí nhớ vào năm 2020. Khi phần lớn dân số già đi, số người mắc chứng mất trí nhớ dự kiến ​​sẽ tăng lên gần 12 triệu vào năm 2040.

Nghiên cứu mới cũng cho thấy việc hạn chế tiếp xúc với khói cháy rừng và khí thải nông nghiệp có thể giúp giảm nguy cơ phát triển căn bệnh này cho từng cá nhân. "Đối với cháy rừng, cần có hành động và chính sách toàn cầu để làm chậm tốc độ biến đổi khí hậu. Nhưng ở cấp độ cá nhân, trong những ngày chất lượng không khí kém, tốt hơn hết là nên ở nhà và không tập thể dục bên ngoài. Ngoài ra, có thể lắp đặt máy lọc không khí trong nhà và đóng cửa sổ lại. Nếu phải đi làm, đeo khẩu trang là điều tốt hơn để bảo vệ bản thân" - nhà nghiên cứu Boya Zhang nói.

Thảo Nguyễn (theo Japan News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI