Khơi cảm xúc cho con

09/12/2014 - 11:32

PNO - PN - Con gái tôi hay kể về chuyện của bạn Thảo cùng lớp. Thảo sống với ba và mẹ kế. Ba thì ít quan tâm đến Thảo, mẹ kế tìm đủ cách bắt Thảo làm việc nhà, giữ em, còn muốn Thảo nghỉ học.

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhiều lúc Thảo phản ứng lại, liền bị mẹ kế mắng. Bà còn lên trường báo với giáo viên chủ nhiệm. Ở lớp, nhiều bạn thông cảm hoàn cảnh của Thảo, nên thường động viên, chia sẻ, nhưng cũng không ít bạn lại tỏ ra thờ ơ trước khó khăn của bạn mình, chẳng những không một lời động viên, lại còn cười cợt lúc Thảo khóc. Có lần con bức xúc khi bạn Q. nhất định đuổi bắt bằng được con chim bay lạc vào lớp học, rồi vọc con chim cho đến chết, dọa các bạn gái. Con băn khoăn “sao các bạn ấy vô tình đến vậy?”… Tôi rất mừng khi thấy con gái biết rung động và có cảm xúc trước những gì diễn ra xung quanh.

Theo GS-TS Vũ Gia Hiền (Hội Khoa học tâm lý và giáo dục TP.HCM), cần giáo dục cảm xúc ngay khi con còn bé. Tôi nghĩ, không khó để nhận biết cảm xúc của con ra sao. Chẳng hạn, có thể xem thái độ con trẻ khi thấy mẹ làm việc nhà (dù con không tham gia phụ việc, nhưng chỉ cần nhìn ánh mắt, hay lời nói để nhận biết cảm xúc của con lúc đó). Khi các thành viên trong gia đình gặp khó khăn, hoặc khi chứng kiến nhiều trường hợp cần được giúp đỡ, hãy quan sát thái độ của trẻ.

Khoi cam xuc cho con

Nhà chị tôi có nuôi con mèo. Con gái lớn thì luôn thương yêu và biết chăm sóc mèo, ngược lại, con trai chị thì rất ghét vật nuôi ấy. Hễ mèo đến gần là bị cháu đánh. Chị đang lo sợ con mình vô cảm, sợ lớn lên bé sẽ không biết yêu thương những người xung quanh. Tôi không nghĩ vậy. Một đứa trẻ không yêu thương động vật, không hẳn là bé vô cảm, mà có khi bé sợ bị cắn, sợ mất vệ sinh… Một số trẻ còn được ba mẹ dạy dỗ phải biết tránh xa những nguy hiểm, nên khi thấy bạn bè đánh nhau đã không dám can ngăn, nhưng trong lòng lại lo lắng… Trong trường hợp đó, cũng không thể kết luận trẻ vô cảm.

Con gái tôi thích những món đồ chơi theo ý của bé, nhưng chồng tôi bảo “mình phải mua theo ý của mình, phải điều khiển con, đâu phải con muốn gì cũng được”. Biết là vậy, nhưng chọn quà mà không theo sở thích của con thì liệu có hợp lý? Có khi không vừa ý, con lại không sử dụng. Tôi nghĩ, để con tự chọn đồ chơi theo sở thích (tất nhiên phải dưới sự giám sát của bố mẹ) là tập cho con phát triển cảm xúc, bởi con có yêu món đồ chơi đó, thì mới có cảm xúc với nó. Trẻ sẽ khó hứng thú khi chơi theo áp đặt của người lớn.

Tôi cũng từng bảo với con rằng, đừng nghĩ bạn học kém là chuyện của bạn, hay xả rác đã có người quét, để rồi vô tư xả rác hoặc vô tâm với bạn. Tôi không ngại khuyên chị tôi giáo dục con trai biết yêu thú vật bằng cách đưa con đi sở thú, đặt những câu hỏi về động vật, hoặc bảo với trẻ “con mèo, con chó cũng như con người, biết đau khi bị đánh, cũng muốn được yêu thương, vỗ về”… Mỗi khi xem phim cùng con, tôi thường dừng lại trước những tình huống mà các nhân vật biểu lộ cảm xúc để nhận xét vài câu, cốt cho con nghe và cảm nhận, dù đôi lúc con gái tôi cau có mặt mày, rằng “con đang xem phim mà mẹ cứ làm phiền”.

GS-TS Vũ Gia Hiền cho rằng, “có thể xem vô cảm là loại bệnh cần điều trị”. Nếu trẻ tỏ ra vô cảm, bố mẹ hãy bằng nhiều cách giúp con khơi cảm xúc, biết yêu thương, chia sẻ. Không ít phụ huynh ngay từ giai đoạn con nằm trong bụng mẹ, đã “nói chuyện” với con, truyền cảm xúc cho con. Tôi nghĩ, ở mỗi giai đoạn của trẻ, bố mẹ luôn là người đồng hành bồi đắp cảm xúc, để con được sống trong sự yêu thương, tôn trọng của mọi người.

 ÁI NGHĨA

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI