Khói bụi tăng dần sau tết Nguyên đán

24/02/2019 - 09:52

PNO - Sau những ngày tết âm lịch thoáng đãng, Sài Gòn, Hà Nội trở lại guồng máy “công nghiệp đang phát triển” của mình. Kẹt xe, khói bụi dưới nhiệt độ không khí dần tăng cao cho đến tận tháng Năm hằng năm.

Trước khi bị “bức tử” vì nắng cháy da như lời các bác sĩ cảnh báo trên các phương tiện truyền thông, có thể nhận thấy hệ hô hấp của chúng ta đang vào “cao điểm” hứng chịu ô nhiễm không khí.

Khoi bui tang dan sau tet Nguyen dan
Ảnh: Phùng Huy

Những hạt bụi siêu mịn (ultrafine dust) có trong khí thải các phương tiện giao thông, nhà máy sản xuất công nghiệp, các công trình xây dựng và đốt rơm rạ, luôn hiển hiện ở những đô thị lớn. Xem ra chưa cần bàn đến tác hại khi cơ thể hít phải loại bụi này, tuy nhiên, nguy hiểm hơn, quả là đang có một sự thờ ơ, hay nói cách khác là vô cảm, từ cả phía người dân lẫn cơ quan nhà nước.

“Ước gì Sài Gòn cứ như mấy hôm tết, chạy xe thích ghê” - là suy nghĩ mà bạn bè thường rỉ tai nhau trong cái nắng chang chang của tháng Giêng. Lại giật mình giữa thành phố đông đúc, trước thông tin xe máy đã vượt ngưỡng quy hoạch vào năm 2020 gần 3 triệu chiếc. Mặc dù đã có chủ trương hạn chế xe máy của Chính phủ, nhưng xem ra chưa hiệu quả.

Nếu như tháng 10/2014, cả nước có khoảng 39 triệu xe máy. Và quy hoạch phát triển giao thông đường bộ đến năm 2020 chỉ dừng ở con số 36 triệu chiếc, thì vừa bước vào năm 2019, con số ấy hiện đã lên đến 39 triệu chiếc. Tình trạng gia tăng xe máy nói riêng và phương tiện giao thông cá nhân nói chung, kéo theo không ít hệ lụy. Lớn nhất vẫn là ô nhiễm không khí ở đô thị với những hạt bụi siêu mịn gốc mangan.

Thử nhìn sang các nước có “chung số phận” với chúng ta xem mức độ quan tâm và hành động của họ ra sao. Tình trạng ô nhiễm không khí, khiến chính phủ Thái Lan phải đóng cửa hơn 400 trường học tại Bangkok trong năm qua.

Chính quyền cũng đang áp dụng nhiều biện pháp để giảm ô nhiễm như phun vòi rồng, dội nước ra đường phố, phun hóa chất vào mây, tạo mưa nhân tạo để giảm khói bụi, thậm chí, sử dụng thiết bị không người lái phun nước vào không khí nhằm giảm ô nhiễm.

Hiện số xe cơ giới đăng ký ở Bangkok lên đến hơn 10 triệu chiếc, dẫn đến lượng khí thải cực lớn. Các chuyên gia khuyến nghị chính phủ cần hạn chế giao thông cho các xe theo biển số chẵn - lẻ. Người dân cũng phải tích cực đóng góp vào việc điều tiết bằng cách ý thức hơn trong sử dụng phương tiện giao thông công cộng được trợ giá.

Tại Ấn Độ, giữa tháng 2/2019, cuộc chiến chống ô nhiễm không khí sang một bước ngoặt mới. Trong một nỗ lực ở cấp quốc gia, Bộ Môi trường - Rừng và Biến đổi khí hậu đã đưa ra chương trình Không khí sạch quốc gia với các kế hoạch hành động dành riêng cho 102 thành phố. Các hành động bao gồm tăng cường mạng lưới giám sát không khí, áp dụng xe điện để giảm ô nhiễm từ ngành giao thông, tăng cường tuân thủ quy định và kiểm soát khí thải công nghiệp tốt hơn.

Riêng thủ đô Delhi đã thành lập 52 đội liên chính phủ nhằm bảo đảm thực hiện kế hoạch hành động ứng phó đã được phân loại trong mùa ô nhiễm cao điểm. Cơ quan kiểm soát và bảo vệ môi trường thuộc tòa án tối cao cũng tạm dừng tất cả công trình xây dựng từ tháng 10 đến tháng 11/2018 và ra lệnh đóng cửa nhà máy nhiệt điện Badarpur gây ô nhiễm, đồng thời cấm sử dụng máy phát điện diesel toàn thành phố.

Tại Việt Nam, vừa qua có đề án do TP.HCM đưa ra nhằm hạn chế và tiến tới ngưng hoạt động xe mô-tô, xe máy 2-3 bánh tại một số khu vực trung tâm (Q.1, Q.3, Q.5, Q.10...) vào năm 2030. Nếu tích cực nhìn về tương lai, không ít người trong chúng ta khấp khởi hy vọng.

Tuy  nhiên, đề án chỉ có thể khả thi khi giải quyết tốt các vấn đề hạ tầng giao thông và phương tiện vận tải công cộng hiện đại, hiệu quả… Có lẽ, còn rất nhiều điều phải làm nếu muốn giảm ô nhiễm không khí cho thành phố đông dân nhất nước, để ngày nào đường phố của Sài Gòn cũng đẹp như ngày tết.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI