Khoe thưởng tết của chồng, kẻ vui người buồn

15/01/2022 - 17:11

PNO - Từ khi cưới nhau đến giờ, Minh chưa khi nào được hưởng cái cảnh cuối năm chồng mang tiền thưởng tết về cho vợ...

Những năm trước, khi hội bạn thân hẹn nhau cà phê tổng kết cuối năm, các cô bạn nói chuyện rôm rả về chuyện thưởng tết của các đấng lang quân.

Linh khoe chồng cô cuối năm tổng kết công trình điện làm bên ngoài - nghề tay trái bên cạnh công việc ở cơ quan - nên vừa chuyển vào tài khoản của Linh 100 triệu đồng. Cả đám la toáng chúc mừng và bắt Linh khao chầu cà phê đang uống.

Hiền cười tươi như hoa nói: “Chồng tớ làm cơ quan nhà nước chỉ thưởng thêm tháng lương 13. Nhưng anh lanh lợi, kiếm thêm vài dự án bên ngoài nên cũng ổn, tài khoản thêm vài chục triệu”.

Còn Minh chỉ còn biết im lặng và chúc mừng hai cô bạn thân. Bởi chồng cô buôn bán vừa và nhỏ, lấy đâu ra tiền thưởng này nọ. Ánh mắt cô trở nên xa xăm và buồn bã.

Minh thầm gào thét và than trách trong lòng, chúng bạn sướng quá, đâu phải như cô đầy chật vật mưu sinh. Đối với những gia đình buôn bán, cuối năm là lúc phải thanh toán hết công nợ cho nhà phân phối, không bao giờ được khất sang năm mới. Công ty nhà Minh phải gấp rút, đôn đáo thu nợ hết từ khách hàng để trả cho xong nợ nần. Nhưng đâu phải việc thu tiền từ khách hàng về thuận lợi. Có người nhanh, người chậm, người chây lỳ than khó khăn, hết tiền mà khất lại...

Cô nhớ năm ngoái, ngày cuối cùng làm việc của ngân hàng, cô phải ngồi lê lết đợi tiền về tài khoản và ủy nhiệm chi chuyển xong nợ cho các doanh nghiệp. Chụp được giấy chuyển tiền xong tại ngân hàng gửi cho kế toán bên họ cho nhẹ nhàng, để đầu óc khỏi suy nghĩ và lo lắng nữa.

Và từ khi cưới nhau đến giờ, Minh chưa khi nào biết cảnh cuối năm chồng mang tiền thưởng về là như thế nào. Trong kí ức cô, cuối năm là dịp tất bật, áp lực xoay tiền, thu nợ, chi trả nợ hàng, lương thưởng nhân viên, quà cáp ngân hàng… Người ta nói nghề đi đôi với nghiệp là vậy. Thế mà mấy cô bạn bao giờ cũng nghĩ buôn bán sướng lắm, “phi thương bất phú”.

Những năm đầu lấy Tuấn, cứ độ tết là cô và anh lại cãi nhau. Cả một năm làm việc vợ chồng không thấy được số tiền dư và thêm việc căng thẳng về xoay tiền trả nợ. Minh từng tâm sự: “Biết thế ngày xưa không bao lấy chồng buôn bán, kinh doanh”.

Nhưng sống với nhau vài năm, có chung hai mặt con, cô dần hiểu thêm công việc của chồng và thương anh hơn. Áp lực là vậy nhưng anh chưa bao giờ để vợ con thiếu thốn. Anh luôn chu cấp đầy đủ cho nhu cầu của gia đình và đặc biệt là của ba mẹ con Minh. Rồi mãi cô cũng quen dần với chuyện không có tiền thưởng để khoe khi tết về.

Năm nay chúng bạn không còn nói về tiền thưởng như mọi năm. Tình hình dịch bệnh làm mọi thứ thay đổi. Chồng Linh bị giảm lương và cũng không có công trình gì bên ngoài, tài chính gia đình có vẻ chật vật hơn. Linh nói “Chương còn giữ được công việc làm bao nhiêu năm qua đã may mắn lắm rồi”. Còn chồng Hiền thì loay hoay tìm công việc mới vì cơ quan vừa tinh giản biên chế.

Minh nghĩ mình còn may quá. Chồng Minh làm kinh doanh buôn bán nên tự lực cánh sinh. Anh lanh lợi hoạt bát nên vẫn đảm bảo nguồn thu cơ bản để chi tiêu gia đình. Minh thầm cảm ơn đời. Sau những lần như thế, cô dần hiểu ra cuộc sống mỗi người mỗi khác, không ai giống ai và nghề nghiệp nào cũng vậy, có mặt ưu và khuyết.

Ví như chồng cô không có thưởng tết, nhưng công việc anh luôn chủ động. Tuấn có thể đón con, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa cùng cô mà không bao giờ có lý do anh bận họp hay vì anh chưa tan sở. Và vì đã quen rồi nên tết nay Minh thấy lòng nhẹ bâng khi nghe mọi người huyên thuyên về tiền thưởng.

Cô tự nhủ, đừng mãi chạy theo người khác, đừng so sánh lăn tăn, mà quay về chăm sóc, tưới tắm cho tổ ấm của mình. Còn nhiều điều tốt đẹp sau mỗi cánh cổng gia đình đang chờ ta.         

Huỳnh Kim Hoa

                                                                                                            

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI