Khóc vì thương bà

28/10/2023 - 10:03

PNO - “Bây giờ bà đã lớn tuổi, lại mắc chứng hay quên nên tôi rất thương bà. Bà thường nói 1 câu chuyện nhiều lần và không nhớ những gì mình đã làm, nhưng bà vẫn luôn nhớ cho tôi kẹo khi về chơi...

Cách đây hơn 1 tuần, Minh Khoa - cậu con trai học lớp Bốn của tôi - về nhà, hơi căng thẳng chuyện cô giáo giao viết bài về người phụ nữ em yêu quý nhân ngày 20/10 mà chưa tìm được đề tài thích hợp.

Con nói: “Viết về mẹ và cô giáo nhiều rồi, giờ chẳng biết viết về ai”. Tôi gợi ý: “Con có thể viết về bà ngoại mà”. Vậy là con bắt đầu viết, thỉnh thoảng lại xin mẹ gợi ý, nhưng tôi nói: “Con tự viết đi, viết bằng cảm xúc của mình mới hay được”. 

Con im lặng không hỏi nữa, nhưng một lúc sau tôi nghe thấy tiếng khóc thút thít. Tưởng con lười làm bài, tôi định mắng nhưng vẫn nhẹ nhàng hỏi con: “Sao con lại khóc?”. Con òa lên nức nở: “Con thương bà ngoại quá!”. Đọc những dòng con viết về bà ngoại, tôi rất đỗi ngạc nhiên khi cậu con trai ít nói lại sống tình cảm như thế. 

Bài viết về bà ngoại của Minh Khoa -  con trai của tác giả
Bài viết về bà ngoại của Minh Khoa - con trai của tác giả

Con mở đầu bài viết thế này: “Nếu ai hỏi: Cuối tuần bạn thích làm gì? Tôi sẽ không do dự trả lời: “Tôi thích về thăm bà ngoại nhất”. Bà ngoại tôi năm nay đã hơn 70 tuổi. Vì mẹ là con út nên khi tôi sinh ra, bà đã già rồi. Gia đình tôi ở cùng nhà ngoại đến năm tôi 4 tuổi mới ra riêng. Từ đó, tôi chỉ được về thăm bà vào ngày cuối tuần”. Con nhớ hết tất cả những gì bà đã chăm sóc cho mình khi còn nhỏ: “Bà tắm rửa, cho ăn và vỗ về mỗi lúc tôi ngủ”. Con còn cảm nhận được hơi ấm của bà ngoại: “Bà thích ăn trầu nên mỗi lần ôm bà, tôi cảm nhận được thứ mùi thơm ấm áp rất đặc biệt”.

Những dòng con viết làm tôi nhớ lại ngày thơ ấu, rất thích được sà vào lòng mẹ vì thứ mùi ấm áp đó, nhưng tôi không thể gọi thành tên. Điều khiến tôi bất ngờ hơn cả là con trai còn để ý đến căn bệnh của bà ngoại.

“Bây giờ bà đã lớn tuổi, lại mắc chứng hay quên nên tôi rất thương bà. Bà thường nói 1 câu chuyện nhiều lần và không nhớ những gì mình đã làm, nhưng bà vẫn luôn nhớ cho tôi kẹo khi về chơi, dù tôi đã lớn”. 

Đọc những dòng này, tôi rơi nước mắt, bởi con đã thực sự lớn khi có những cảm xúc riêng, dù ít khi bộc lộ ra ngoài. Con mong muốn sẽ tặng bà ngoại một bó hoa cẩm chướng nhân ngày 20/10 và chúc bà luôn khỏe mạnh. Con kết thúc bài viết với lời tự nhắc nhở mình: “Tôi sẽ dành nhiều thời gian ở bên bà và sẽ nói câu: “Cháu yêu bà” để bà không bao giờ quên tôi”.

Minh Khoa đang đọc bài viết về bà ngoại trước trường
Minh Khoa đang đọc bài viết về bà ngoại trước trường

Qua bài viết của con, tôi mới để ý đến cuối tuần con luôn xin về nhà bà ngoại chơi, không phải vì ham vui mà vì nhớ bà. Thậm chí trong con luôn canh cánh nỗi sợ bà sẽ quên cháu ngoại khi bệnh tiến triển nặng hơn. Thứ tình cảm thiêng liêng con dành cho bà ngoại được hình thành một cách tự nhiên qua năm tháng mà không bài học đạo đức nào tạo ra khuôn mẫu được.

Chiều đó, đi học về, con vui mừng báo tin bài viết của mình được chọn để chia sẻ với các bạn trước trường. Rồi con lại lo lắng: “Con sợ mình sẽ khóc”. Tôi động viên: “Con cứ khóc thoải mái, sẽ chẳng ai cười một người khóc vì thương bà đâu. Điều gì xuất phát từ trái tim sẽ đến được trái tim con à”. Tôi mong sau này con lớn lên sẽ luôn ấm áp và tình cảm như thế.

Và đúng là lúc đọc bài viết về ngoại trước thầy cô và các bạn, cậu con của tôi đã khóc, nhưng “khóc nhẹ thôi, chỉ rưng rưng thôi, chứ không nức nở như ở nhà”. 

Hà Lam
 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(4)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI