“Tôi cũng là con người mà. Vợ chồng gì ngủ xoay mặt vô vách, không ai nói với ai tiếng nào. Từ ngày tôi cưới bà về, tôi chưa bao giờ thấy bà nở với tôi nụ cười. Gương mặt lúc nào cũng trầm tư, u uất, nặng nề, âm trì, địa ngục”… Giọt nước mắt của ông Hội đồng Thăng tàn nhẫn trong vở Đời cô Lựu rơi xuống trước bi kịch rất thật của một tình yêu sở hữu nhưng đơn phương với vợ mình, theo mỗi tiếng gằn giọng, ngắt nhịp, nhả chữ… Khán giả bất chợt khóc theo ông. Cũng như đã từng rơi nước mắt trước nỗi đau của gã Phê độc ác trong vở Khi người điên biết yêu, lúc gã trút cạn hơi thở trên tay người mà mình ôm lòng thù hận đến cuối đời.
|
Nghệ sĩ nhân dân Diệp Lang là hình tượng của những nỗ lực không ngừng với nghiệp hát |
Những giọt nước mắt của ông trên sân khấu là những xúc cảm có thật, thật đến nỗi người ta cảm giác Diệp Lang và những nhân vật của ông là một, là không thể tách rời.
Cứ nhắc đến Diệp Lang, người ta lại nhớ đến Hội đồng Thăng, dù trước đó, nghệ sĩ Hai Tiền đã thể hiện thật xuất sắc vai diễn này, cùng với nghệ sĩ Phùng Há trong vai cô Lựu. Diệp Lang khi ấy hãy còn là một cậu bé 8 tuổi lon ton theo cha - ông thầy đờn Ba Diệp - đi diễn ở gánh hát Tam Phụng, để rồi mê đắm mê đuối cái mùi sân khấu, để rồi ngồi một góc cánh gà nhìn cha gảy đờn kìm, nhìn các cô các chú ca những câu lòng bản, chắc nhịp, nảy giòn mà không hề nghĩ sẽ có một ngày chính mình cũng có thể trở thành một Hội đồng Thăng trứ danh, nức tiếng.
Nhưng đó là những giọt nước mắt của anh kép độc Diệp Lang trên sân khấu, là của Hội đồng Thăng (Đời cô Lựu), là Phê (Khi người điên biết yêu), là ông Hương Cả (Tô Ánh Nguyệt)… Giọt nước mắt của Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Diệp Lang ngoài đời - khi những nhân vật của ông đã ngủ yên cùng với giai đoạn thoái trào của cải lương, với những đêm nhà hát không còn sáng đèn, tấm màn nhung rũ bụi vì thiếu tay người kéo - mới thật nhiều xót xa, trăn trở.
Còn nhớ có lần, ai đó vô tình gán 2 từ “cải lương” với những thứ được cho là sến súa, lòe loẹt, ông giận run lên: “Cải lương có tội tình gì?”. |
Thấy một cái áo sặc sỡ đính đầy kim sa, người ta mỉa mai: sao mà “cải lương” quá! Nghe một câu nói ngôn tình diễm lệ, người ta xỉa xói: “cải lương” vừa thôi! Khi một bộ môn nghệ thuật mang tính bản sắc văn hóa của một dân tộc, lại trở thành khái niệm của những thứ phi thẩm mỹ, xấu xí, hổ lốn, nó thực sự là một gáo nước lạnh tạt vào tình yêu cải lương của ông. Và người ta đã thấy ông khóc, không phải cho những nhân vật trên sân khấu, ông khóc cho chính mình. Cho cải lương những ngày buồn thật buồn.
Những năm tháng cuối đời, cũng là lúc ông mang nhiều bệnh tật, để tiện đường cho con cái chăm sóc, NSND Diệp Lang đoàn tụ cùng gia đình của mình nơi xứ xa, nhưng cứ có ai nhắc đến cải lương ở quê nhà là ông lại ngậm ngùi rơi nước mắt. Trong một lần điện thoại đường dài thăm ông, tôi được vợ ông căn dặn: “Chú quên nhiều lắm rồi, chú cũng không nói chuyện được lâu, lại thêm căn bệnh parkinson nên tay chân chú cứ run lẩy bẩy. Cô đang phải cầm máy cho chú, khi nào chú mệt, cô sẽ dừng hội thoại luôn nghen”.
Nhưng ông đã không cho cô dừng. Cuộc hội thoại hôm đó, cũng là lần cuối tôi được trò chuyện cùng ông, dài gần 2 giờ đồng hồ, trong sự nhấp nhổm lo lắng của gia đình về sức khỏe của ông. Ông không còn thuộc câu vọng cổ ngọt như mía lùi của anh kép độc Diệp Lang ngày trước, nhưng có thể kể vanh vách những cái tên đồng nghiệp, những người đã cùng ông làm nên cải lương lừng lẫy một thời. Những anh Hà Triều, anh Hoa Phượng, anh Trường Xuân, Thanh Sang, Thanh Tòng, Thanh Tú, Phương Lan, Thoại Miêu, Quỳnh Nga, Thanh Nguyệt, Quốc Nhĩ, Minh Vương, Lệ Thủy, vợ chồng Hoài Thanh, Đỗ Quyên, Thanh Ngân, Thoại Mỹ, Châu Thanh… và từng kỷ niệm gắn bó với họ. Có những người còn sống, có người đã khuất. Ông nhắc hết, không muốn phải sót một ai, vì sợ họ buồn.
|
Nghệ sĩ nhân dân Diệp Lang những năm cuối đời bên người vợ - bà Phạm Thu Phong - rất mực thương yêu ông - Ảnh: gia đình cung cấp |
Ông nói, ước mơ của ông bấy giờ là mắt được nhìn thấy đường, là trái tim đỡ mệt để có thể ngồi máy bay về lại Việt Nam. Ông sẽ đi thăm hết thảy anh em, bạn bè, đồng nghiệp. Lần duy nhất về thăm quê hương, ông hãy còn khỏe mạnh, còn có thể chạy được xe máy. Ông đã chạy một mạch đến rạp Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân, quận 1, TPHCM), cũng là cái rạp đầu tiên ông diễn hồi còn theo ba đi ca cải lương. Ông nhớ ngày xưa, bên hông rạp là một bãi rác thiệt lớn, chứ đâu có nhà cửa đẹp đẽ như bây giờ. Ông cứ đứng đó, đằng sau lưng nhà hát, một mình, thật lâu. Nỗi nhớ sân khấu bủa vây như một lớp sương mù thật dày mà không thể nào thoát ra được.
Trong nỗi nhớ đặc quánh đó, có tiếng đờn kìm văng vẳng bên tai, có tiếng ba dạy: “Cái nghiệp đờn cực khổ trăm bề, con đừng theo. Con học hát đi, đặng khán giả còn biết mặt mình, chớ người đánh đờn suốt đời chỉ ngồi trong cánh gà”. Ông nhớ lần cha con ông may mắn thoát chết trong vụ ném bom đầu thập niên 1950 khiến 2 người trong đoàn cải lương Kim Thoa thiệt mạng. Cũng tại ngôi rạp này, những lần ông cùng ba uống cà phê vỉa hè sau mỗi đêm diễn. Thói quen rót một ly cà phê đặt lên bàn thờ ba khi ông đã rời xa cõi tạm vẫn còn được Diệp Lang giữ mãi. Những ký ức này, một lần nữa, lại khiến nước mắt ông rơi…
Hôm nay, Diệp Lang đã không còn khóc vì bất cứ nỗi buồn nào. Nhưng những người yêu mến ông sẽ khóc vì một tượng đài của cải lương Việt Nam vừa nằm xuống. Khóc Diệp Lang, không giọt nước mắt nào là tình cờ…
NSND Diệp Lang mất tại Mỹ vào khoảng 22g30 (theo giờ Việt Nam) ngày 11/3, hưởng thọ 82 tuổi. Ông tên thật là Dương Công Thuấn, sinh năm 1941 tại làng Bình Tiên, Châu Thành, tỉnh Sa Đéc (nay là Đồng Tháp). Từ nhỏ ông đã theo cha là thầy đờn Ba Diệp đi theo các đoàn cải lương. Nhưng cha ông không muốn con trở thành thầy đờn như mình nên đã cho ông đi học ca. 12 tuổi Diệp Lang bắt đầu bước lên sân khấu với những vai diễn phụ ở các đoàn hát Kim Thoa, Việt Hùng - Minh Chí, Phụng Hảo… Cậu bé Thuấn chính thức trở thành nghệ sĩ Diệp Lang khi gia nhập đoàn Hoài Dung - Hoài Mỹ (Long An). Người đặt nghệ danh cho ông là soạn giả Nguyễn Huỳnh - ông bầu của đoàn hát, vốn là bạn cũ của cha ông. Sau một thời gian đóng vai phụ, một lần anh kép chính có việc đột xuất, ông được cho lên hát chính. Từ vai diễn đóng thế trong vở Chiếc nhẫn kim cương, tên tuổi anh kép trẻ Diệp Lang bắt đầu được công chúng biết đến. Sinh thời, NSND Diệp Lang vẫn thường nhắc biến cố khiến ông rẽ lối sang chuyên trị kép độc, kép lão. Khi sự nghiệp bắt đầu chạm mốc thành công, nhiều đoàn hát mời anh kép Diệp Lang về cộng tác thì ông bị bể tiếng. Con đường trở thành kép chính đã vướng rào cản không thể vượt qua. Không bi quan với biến cố có thể nói là lớn nhất đời nghệ sĩ, Diệp Lang nỗ lực không ngừng cho các vai kép lão, kép độc và đã thành công. Năm 1962, anh kép Diệp Lang về đoàn Kim Chưởng và đảm nhận vai độc đầu tiên trong đời làm nghề: vai Thống tướng Bát Kỳ Lộ (vở Hai chiều ly biệt). Cũng năm đó, ông mới 21 tuổi, nhưng đã đóng kép lão hơn 70 tuổi trong vở Người anh khác mẹ và đoạt giải thưởng Thanh Tâm năm 1963. Kể từ đó, tên tuổi NSND Diệp Lang gắn liền với những vai kép độc, kép lão, được xem là mẫu mực để các thế hệ nghệ sĩ đi sau học hỏi: trung sĩ Tám (vở Tìm lại cuộc đời), Hội đồng Dư (Tiếng hò sông Hậu), Hội đồng Thăng (Đời cô Lựu), Lê Quý (Tâm sự Ngọc Hân), Lê Xuân Giác (Tiếng sóng Rạch Gầm)… Không chỉ cải lương, NSND Diệp Lang còn cộng tác với sân khấu kịch Hồng Vân khi sân khấu này mới thành lập. Nhắc về NSND Diệp Lang, ngoài tài năng và những nỗ lực không ngơi nghỉ của một người nghệ sĩ, “bà bầu” Hồng Vân còn khẳng định vai trò của ông trong việc xây dựng thương hiệu sân khấu kịch Hồng Vân. Hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghệ thuật, NSND Diệp Lang đã đoạt nhiều thành tích đáng nể: - Huy chương Vàng giải Thanh Tâm (năm 1963). - Bằng Danh dự giải Thanh Tâm (năm 1964). - Huy chương Vì sự nghiệp sân khấu (năm 2000). - Giải Mai vàng (năm 2000-2001). - Năm 1993 ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. - Năm 2003 được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. PV |
Hồng Hạnh