Cả Ngọc Hà bây giờ chỉ còn hai gia đình kiên định giữ nghề và tự hào là nông dân… Hà Nội gốc. Nhưng một nhà phải tha hương thuê đất trồng hoa, chỉ còn lại cha con lão nông “gàn” Trần Bộ, Trần Thắng lắt lay níu giữ chút hương tàn.
|
Làng hoa Ngọc Hà xưa |
Vàng son một thuở
Ngõ 158 phố Ngọc Hà bây giờ chính là đầu làng Ngọc Hà năm xưa, các con ngõ, ngách nhỏ hẹp, vòng vèo như bất cứ đường làng ngõ xóm nông thôn nào. Thời buổi “tấc đất” đã là mấy “tấc vàng” theo đúng nghĩa đen, người dân bất kể nông thôn hay thành thị đều đua nhau xắn mảnh đất dù là hương hỏa nhà mình ra bán.
|
Làng hoa Ngọc Hà xưa. |
Nhưng giữa trung tâm Hà Nội, cha con ông Trần Bộ vẫn nặng lòng với đất đai, vườn tược, ngày đêm tỉ mẩn bắt từng con sâu, chăm từng nách lá. Vẫn biết chẳng thể giàu được với nghề này, nhưng bao nhiêu năm nay gia đình ông vẫn cặm cụi trồng hoa, chỉ bởi họ yêu cái nghề đã bao đời thấm vào huyết quản, làm nên thương hiệu “hoa Ngọc Hà” của làng mình.
|
Cái ao giữa làng Ngọc Hà xưa (ảnh tư liệu)… |
Đúng lối chia đất ruộng của hợp tác xã xưa, nhà ông Bộ có mấy mảnh rải rác khắp làng. Đến khi Ngọc Hà không còn lấy một mảnh đất trống thì gia đình ông vẫn giữ gần như vẹn nguyên những mảnh vườn ấy, đặc biệt là vườn nào cũng trồng hoa hệt như cái ngày hợp tác xã hoa Ngọc Hà chưa giải thể.
Ngọc Hà và Hữu Tiệp là hai làng cổ, nghìn năm trước người dân từ Ninh Bình, Thanh Hóa theo vua Lý Thái Tổ ra đất Thăng Long. Nhà Lý lập Thập tam trại ở phía Tây kinh thành để các trại trồng lúa, trồng rau làm nguồn cung cấp nhu yếu phẩm; riêng Ngọc Hà và Hữu Tiệp là Trại Hàng hoa chuyên cung cấp những loại hoa ngát hương như: huệ, ngâu, hồng, cúc vạn thọ…
|
Cái ao giữa làng Ngọc Hà xưa (ảnh tư liệu)... |
Nơi giao thương của Trại Hàng hoa là làng Ngọc Hà nên hoa Ngọc Hà vang danh từ ấy: “Sớm mai ra/ Gánh hàng hoa/ Xuống chợ/ Hoa Ngọc Hà/ Trên đường rực nở/ Hương bay xa/ Thơm ngát/ Đường ta” (bài Tiếng chổi tre, Tố Hữu), “Ngày rằm đi chợ mua hoa/ Phải chờ thấy gánh Ngọc Hà mới mua”… Lão nông Trần Bộ nhắm khẽ đôi mắt, những sợi lông mày đã bạc màu quá nửa khẽ rung rung như đang vói mãi ký ức về cái hồn Trại Hàng hoa đẫm đầy lịch sử quê mình.
|
… |
Bà Liên - vợ ông loẹt xoẹt dép lê, cái dáng gầy gầy, liêu xiêu càng thêm lọt thỏm giữa tứ bề nhà cao chót vót. Một tay bà xách túi lá bắp cải xin được ngoài chợ mang về nuôi đàn gà, tay kia cầm một bó rơm bé xíu, bà ngồi xuống cái ghế gỗ con con dưới bếp, nói với lên nhà: “Tôi xin được ít rơm cho thằng Thắng bó cây giống. Rơm óng thế này, bây giờ đến ở quê cũng hiếm lắm ông ạ”.
Bà Liên người huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, về làm dâu làng Ngọc Hà rồi học trồng hoa. Khi hoa cắm bình còn chưa thịnh hành, người Hà Nội vẫn giữ thói quen bày hoa lên đĩa để thờ cúng mỗi ngày lễ Tết, hay ngày Rằm, mồng Một; bà Liên đã đi khắp các chợ ở Hà Nội bán hoa gói phục vụ thói quen của người Tràng An.
Lắt lay giữ nghề
Sáu – bảy năm trước, vợ chồng ông Bộ và hai người con trai vẫn đều đặn ươm cây, vỡ đất, bắt sâu... cho những luống cúc dài xanh ngắt. Bà Liên đều đặn thức dậy từ 10 giờ đêm, xếp từng bó cúc để sáng sớm hôm sau mang lên chợ hoa Quảng Bá bán cho người dân từ khắp các làng trồng hoa khác tìm về mua cây giống.
Mấy tháng cuối năm, khi thời tiết đã bớt khắc nghiệt, các loại cúc trắng, vàng, hồng, tím, đỏ, ngũ sắc được ươm rất nhiều, khách quen từ khắp các tỉnh xa gọi điện đặt hàng.
Những chồi non từ nách lá cây cúc mẹ được cắt rồi ươm đại trà, song đến khi bứng lên đóng gói, hai anh con trai Trần Thành và Trần Thắng phân loại đâu vào đấy, sáu sắc hoa không loại nào lẫn lộn.
|
Những gánh hoa trên phố tạo nên nét đẹp ngày xuân cho phố phường. |
Còn bây giờ, bà Liên tuổi đã 75, già yếu; ông Bộ cũng xấp xỉ 80, xương khớp hoành hành đau lên nhức xuống. Mấy năm nay chỉ còn anh Thắng tiếp tục ươm hoa. Nhưng cái nghề nông ấy chỉ là công việc làm thêm, sau khi anh đã hết giờ làm công việc khác.
Nhìn anh cặm cụi ngoài vườn từ tối đến đêm, chứng kiến anh tỉ mẩn với từng cái chồi, từng cây con đang kỳ bén rễ; tôi mới hiểu tình yêu làng, cái tự hào “làng tôi” của anh, của ông Bộ, bà Liên không chỉ là thứ tình cảm cá nhân; mà đó là “chất” văn hoá đặc sệt làng xã, nông thôn Bắc bộ.
Tôi cũng vốn con nhà nông dân, thạo mọi việc đồng áng, thế nhưng chỉ đến khi gặp cha con ông Bộ, tôi mới thực sự thấm thía câu: “Đất đai là điều duy nhất có giá trị, là thứ duy nhất tồn tại mãi, là nơi cho con sức mạnh..." (Lời ông O’hara nói với cô con gái Scarlett trong tác phẩm Cuốn theo chiều gió)”.
Nhắc đến các loại hoa của Ngọc Hà trong quá khứ, bà Liên nắc nỏm: “Ngày xưa ra đầu ruộng hoa hồng đã thấy ngát hương thơm, chứ không “vô cảm” như các loại hồng bây giờ”.
Ông Bộ thì nhớ: “Ngày trước, các cô chít khăn mỏ quạ gánh hàng hoa là hình ảnh đặc biệt chỉ có ở Hà Nội. Ngày Tết, khách đến mua hoa là chủ vườn đưa cho con dao để tự đi chọn và cắt. Giờ nhà tôi không trồng hoa nữa, nhưng dù sao vẫn còn đất để ươm cúc giống, chứ các con của ông Lùn bên làng Hữu Tiệp phải đi tận Bắc Giang thuê đất trồng hoa cho đỡ nhớ nghề”. Rồi ông thở dài: “Nhiều làng nổi tiếng của Hà Nội đã “chết”: Làng húng Láng, làng hoa Ngọc Hà, làng hoa Nghi Tàm, Quảng Bá… Bây giờ làng đào Nhật Tân cũng đã dành hết đất cho quy hoạch đô thị, xây dựng biệt thự, chung cư, nay mai cũng “chết một làng hoa” như cái làng Ngọc Hà nhà tôi thôi”.
Giữa Ngọc Hà, cái ao làng vẫn đây, xác máy bay B52 chứng tích cho tinh thần quật cường chiến đấu vì hòa bình của người Hà Nội cũng vẫn còn đây. Nhưng mỏi mắt tìm chỉ thấy nhà sát nhà, chẳng còn đâu cô gái Ngọc Hà gánh nước tưới hoa hay gánh hoa đi chợ, chẳng còn đâu hương sắc đua chen mỗi dịp tết đến xuân về.
Câu ca “Giếng Ngọc Hà vừa trong vừa mát /Vườn Ngọc Hà thơm ngát gần xa /Hỏi người xách nước tưới hoa /Có cho ai được vào ra chốn này” đã thực sự chìm vào quá vãng.
Ngọc Minh Tâm
Ảnh: tư liệu