Khốc liệt ngòi bút tha hương

05/06/2014 - 21:52

PNO - PN - Trong trang viết của những nhà văn Việt Nam xa xứ luôn tìm thấy những câu chuyện về thân phận con người; không khổ ải vì cuộc mưu sinh cũng đau đớn khắc khoải về sự mất mát hụt hẫng. Nhưng, chính những ngòi bút tha hương ấy...

edf40wrjww2tblPage:Content

Ngày 24/5 vừa qua, tác giả Trần Quốc Quân từ Ba Lan đã có chuyến về thăm Việt Nam, cũng là dịp ra mắt độc giả trong nước tác phẩm đầu tay Tuyết hoang (NXB Trẻ). Tên tuổi tác giả còn quá mới nhưng có lẽ ai đọc Tuyết hoang đều phải công nhận đây là một tiểu thuyết đồ sộ thật sự cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Gần 800 trang sách khổ lớn là câu chuyện về một thế hệ người Việt trong những hành trình tha hương, từ những biến động ở Hà Nội thời bao cấp cho đến những thay đổi ở Đông Âu trong suốt hàng thập kỷ.

Tiểu thuyết mở đầu với hình ảnh nhân vật chính Nguyên - một du học sinh Việt Nam sang Ba Lan dò dẫm trong tuyết đi “nhận hàng” thuốc lậu, dẫn dắt đến thân phận những người Việt tha hương khác trong cuộc mưu sinh, phải đánh đổi cả sinh mệnh để có thể tồn tại ở xứ người. Trần Quốc Quân viết với giọng văn tả thực, không lên gân, chỉ có chi tiết, hình ảnh sống động như những thước phim được kể lại bằng một giọng chậm rãi, trầm tĩnh nhưng đầy ám ảnh. “Cuộc sống ở xứ người nghiệt ngã, nhưng có lẽ không ai hình dung ra sự nghiệt ngã đó như thế nào. Nhất là với thế hệ người Việt sống ở Đông Âu trong thời đại chuyển giao từ chủ nghĩa xã hội sang xã hội mới, con người như sống trong thời hoang dã khi luật pháp không có một hệ thống trật tự nào. Cộng đồng người Việt tha hương đã hình thành và phát triển trên cái nền hoang dã đó” - tác giả Trần Quốc Quân bộc bạch lý do anh muốn kể câu chuyện đầy những biến động khốc liệt về thân phận con người này.

Khoc liet ngoi but tha huong

Tác giả Trần Quốc Quân ký tặng độc giả tại buổi ra mắt sách ở TP.HCM

Trần Quốc Quân viết Tuyết hoang ròng rã hơn hai năm với tinh thần “kỷ luật thép cho văn chương”, có lúc tưởng chừng không thể hoàn thành nổi cuốn sách. “Bút pháp kể tả với vốn sống ngồn ngộn và một thứ ngôn ngữ nhuần nhuyễn đi sâu vào tâm lý nhân vật, khai thác đến tận cùng những cảnh huống, những bi kịch lột tả đến tận đáy đời sống của những người tha hương” - nhà văn, nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến nhận định.

Tiểu thuyết Tuyết hoang một lần nữa cho độc giả thấy xứ người không hề là thiên đường. Tiểu thuyết Quyên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ trước đó cũng vậy. Hàng vạn người sang Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu lao động trong thập niên 80 là hàng vạn cuộc trôi giạt, mà Quyên là một cuộc trôi giạt khốn cùng của người phụ nữ.

Có lẽ, nỗi niềm hoài hương đã khiến những tác phẩm của nhà văn xa xứ luôn thấm đẫm sự bi thương, tìm kiếm, lạc loài. Đọc tác phẩm của Thuận, Đoàn Minh Phượng hay cả Phan Việt - nhà văn trẻ sống giữa nước Mỹ hiện đại, vẫn thấy đâu đó sự đổ vỡ, hẫng hụt trên những bước đi của con người. Mới đây, Phan Việt in cuốn Xuyên Mỹ (NXB Trẻ) - một câu chuyện có thật về chính nỗi niềm của tác giả trong khoảng hai năm biến động của cuộc đời: từ châu Âu về bờ Đông nước Mỹ, rồi lại về Chicago, ly hôn và sang bờ Tây làm việc... “Hai năm băng ngang nước Mỹ này có lẽ là hai năm khó khăn nhất trong cuộc đời của tôi. Có những thời điểm tôi sợ tỉnh dậy vào buổi sáng vì không muốn phải đối mặt với những ý nghĩ và cảm giác mà tôi gần như không còn khả năng điều khiển” - Phan Việt chia sẻ. Xuyên Mỹ của chị cũng là câu chuyện về thân phận của người phụ nữ tha hương, để thấy “bất hạnh là một tài sản” của người cầm bút.

 TIỂU QUYÊN

Chất liệu làm phim

Nhà biên kịch Trần Hoài Văn nuối tiếc, giá như Tuyết hoang ra mắt lúc ông viết kịch bản phim Hai phía chân trời thì ông đã có nhiều chất liệu sống, đầy đặn và hấp dẫn hơn cho bộ phim. NSƯT Ngọc Hiệp nói, rất khó tìm được kịch bản điện ảnh hay ở thời điểm này, nhưng có những tác phẩm của các nhà văn xa xứ ngồn ngộn chất liệu sống, cần cho điện ảnh. Quyên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ chính là một tác phẩm như thế. Tác phẩm đã được chuyển thể thành kịch bản phim, dự án của Hãng phim Việt, đang xúc tiến tìm bối cảnh tại Đức và sẽ được khởi quay trong thời gian tới.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI