Khóc cười với dạy tiếng Anh tiểu học

05/11/2018 - 08:35

PNO - Dạy tiếng Anh tiểu học đang được triển khai trên diện rộng nhưng khó có thể hình dung nhiều giáo viên vẫn còn dạy theo lối cũ - đọc tiếng Anh kiểu Việt, điểm yếu bao lâu nay khiến học sinh nói người nước ngoài không thể hiểu.

Phương pháp lỗi thời 

Năm học này, Thư vào lớp Hai Trường tiểu học Thiện Nghiệp 1 - TP.Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) và bắt đầu làm quen với chương trình tiếng Anh. Thấy cô giáo liên tục mắng vốn vì Thư không thuộc bài, cha Thư phải khổ sở cầu cứu tôi vì vợ chồng em không biết tiếng Anh. Cả ngày học bán trú, tối đến còn phải è cổ ra làm bài tập về nhà rồi chép phạt từ vựng tiếng Anh, giờ học của Thư nhanh chóng biến thành cuộc chiến. Cha từ dụ dỗ chuyển sang bực mình dọa nạt, còn Thư từ chỗ mè nheo trả giá sang nước mắt ngắn dài.

Tôi mở điện thoại, gọi video call để có thể biết chính xác từ mà Thư, cháu mình đang hỏi, bởi những gì cháu phát âm tôi không thể nhận ra đó là từ gì. Tôi bắt cháu đọc những chữ ghi trong vở. Thư cầm vở, đọc một cách khó khăn và không có từ nào phát âm đúng, ví dụ: “What’s your name” thì đọc thành: “Wát du en”…

Khoc cuoi voi day tieng Anh tieu hoc
Giáo viên không chuẩn về mặt ngữ âm sẽ khiến học sinh khó sửa được khi lên các lớp trên

Tôi mở từ điển, cho cháu nghe lại tất cả những từ đó rồi bắt đọc lại. Thư lặp lại vài lần rồi xin khất hôm sau vì bận chép phạt. Nghịch lý ở chỗ, chưa biết phát âm, nhưng cô bé phải viết một trang vở dày đặc những chữ “alligator - con cá sấu” để nhớ mặt chữ vì buổi sáng cô giáo kiểm tra từ vựng mà cháu không viết được.

Hỏi một số phụ huynh có con đang học ở các trường ngay tại trung tâm thành phố thì thật đáng lo ngại về cách dạy và học tiếng Anh ở bậc tiểu học. Trong cuộc họp với giáo viên (GV), nhiều phụ huynh tại Trường tiểu học Phú Thủy 2 (TP.Phan Thiết) cũng bức xúc về phương pháp dạy của GV tiếng Anh.

Cụ thể, cô dạy học sinh (HS) chữ “hello” thì phiên âm luôn thành “hé lưu = hi (hai): xin chào”. Mặc dù kiểm tra tập HS thường xuyên, nhưng dấu tích mực đỏ của cô chỉ là những dòng nhắc nhở “chưa có vở”, “chưa học thuộc bài”, còn lỗi cơ bản nhất là HS viết sai chính tả và phát âm sai, không thấy cô sửa. Phụ huynh có ý kiến thì cô nói không có thời gian.

Sai rồi khó sửa

Với đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân”, bằng việc thí điểm tiếng Anh 10 năm, những năm gần đây, hầu hết các trường tiểu học đã dạy tiếng Anh, kể cả từ lớp Một, Hai. Thế nhưng, khi đưa vào giảng dạy, không biết các cơ sở giáo dục có ngồi lại để nghiên cứu mục tiêu cần đạt, từ đó lựa chọn phương pháp dạy cho hiệu quả hay không.

Bởi theo quan điểm của thầy Cao Huy Thảo, nguyên Hiệu trưởng Trường Quốc tế Việt Úc, “đối với độ tuổi mới làm quen với tiếng Anh, yêu cầu quan trọng nhất là làm sao để các em yêu thích môn học này. Điều đó có nghĩa là đừng bao giờ xác định rằng, ở độ tuổi này là phải thu nạp kiến thức, vì các em chưa biết lý luận, mà học mọi thứ bằng cách bắt chước”.

Thế nhưng, GV lên lớp dường như quên mất điều quan trọng đó. HS tiểu học đang tập đọc và viết tiếng mẹ đẻ, thì chương trình tiếng Anh lại dồn ép HS vào việc học thuộc lòng từ vựng và ngữ pháp, theo một phương pháp không thể nào lỗi thời hơn. 

Khi đưa ra lộ trình cho việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận cũng nhìn nhận đó không phải là chuyện một sớm một chiều. Một trong những khó khăn là HS thiếu môi trường giao tiếp ngoại ngữ, thiếu cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Đặc biệt là một số GV tiếng Anh vẫn chưa đạt chuẩn, mặc dù có bằng cấp theo trình độ đào tạo. 

Theo ông Cao Huy Thảo, về lý thuyết, GV tiếng Anh tiểu học phải đảm bảo rất nhiều yêu cầu, chứ không như quan niệm xưa nay của xã hội, dạy lớp thấp thì trình độ thấp hơn cũng được. HS độ tuổi này như tờ giấy trắng, tiếp thu mọi thứ như đứa trẻ sinh ra là tự học, tự biết tiếng bản ngữ thông qua các hoạt động. Do đó, người lớn nói như thế nào, đúng hay sai sẽ ăn sâu vào nhận thức của đứa trẻ.

Nếu GV không chuẩn về mặt ngữ âm sẽ để lại dấu ấn rất sâu sắc mà sau này khi lên những lớp trên không cách nào sửa được. Thêm vào đó, phương pháp dạy học cứng nhắc, thiên về ngữ pháp mà không tạo được môi trường giao tiếp không chỉ gây cho HS chán ghét, mà con làm cho các cháu e sợ.

Trong tình hình dạy và học ngoại ngữ không mang lại hiệu quả như lâu nay, với dự thảo chương trình phổ thông mới, môn tiếng Anh được xác định năng lực giao tiếp là mục tiêu của quá trình dạy học. Tuy nhiên, với nhân lực trước mắt, dù nội dung sách có thay đổi cũng khó mang lại thành công. 

Cả nước thiếu 5.610 giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học

Tình trạng thiếu GV tiếng Anh, đặc biệt là cấp tiểu học hầu như báo động ở tất cả các địa phương. Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, cả nước đang thiếu khoảng 5.610 GV dạy tiếng Anh bậc tiểu học. Riêng tại TP.HCM, đầu năm học này, nhu cầu tuyển dụng GV tiếng Anh chiếm tỷ lệ cao nhất. 

Nguyên nhân chủ yếu là do GV tiếng Anh chưa đáp ứng đủ điều kiện về khung năng lực ngoại ngữ. Điều này sẽ gây ra rất nhiều khó khăn khi áp dụng chương trình phổ thông mới, trong đó, yêu cầu GV ngoài việc đáp ứng đủ bốn kỹ năng nghe-nói-đọc-viết, còn phải có khả năng tổ chức lớp học, linh hoạt tạo môi trường giao tiếp cho HS.

Thu Lê 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI