Liều chết trước dòng nước chảy xiết
18 ngày của hành trình giải cứu, không một ngày nào là ngày bình yên với tất cả hàng ngàn người góp công sức cho nhiệm vụ tưởng chừng bất khả thi. Trong đó, căng thẳng nhất là 2.000 người thuộc quân đội Thái Lan, 200 thợ lặn cùng 100 cơ quan chính phủ.
|
Video ghi lại cảnh các em được đưa ra ngoài trên cán bằng cao su. |
Khi cả thế giới vui mừng, thở phào nhẹ nhõm vì chiến dịch giải cứu thành công, thuận lợi ngoài mong đợi thì những người trong cuộc vẫn chưa hết bàng hoàng. Họ nhớ như in hành trình gian nan, cùng nhau mò mẫm trong bóng tối, cố ghì chặt đế giày gắng gượng với mặt đá trơn trợt.
Thợ lặn Kaew thuộc đặc nhiệm SEAL của hải quân Thái Lan kể: “Cả thế giới đang dõi theo, chúng tôi buộc phải hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Phải hết mình”. Anh Kaew kể có những lúc giơ bàn tay lên phía trước mặt mà cũng chẳng thể thấy được.
13 lượt đưa người ra khỏi hang là 13 lần tất cả đánh cược vào nỗ lực, ý chí cùng một niềm tin mạnh mẽ rằng khó khăn sẽ ở lại. Bên ngoài, mọi người không có thông tin gì ngoài thông tin cập nhật con số nạn nhân được giải cứu. Nhưng bên trong hang, đó là một cuộc chiến đầy cam go.
Charles Hodges thuộc lực lượng không quân Mỹ còn nhớ ở lượt đưa người thứ 11 ra ngoài, cả ê-kíp quan sát từng chuyển động, từng dấu hiệu để cùng phối hợp cứu nạn nhân. Bất ngờ họ thấy sợi dây thừng giật mạnh, dấu hiệu nạn nhân đã chạm gần đến vị trí của Charles Hodges.
Nhưng 15 phút, rồi 60 phút, và 90 phút, mọi thứ im ắng đến đáng sợ. Tất cả sốt ruột chờ đợi, cố gắng xua tan ý nghĩ về điều chẳng lành. Thật may mắn, thợ lặn bên cạnh nạn nhân thứ 11 đã “chiến đấu” với bóng tối, xoay xở đến cùng để đưa được nạn nhân đến vị trí chuyển tiếp.
Có lẽ không một nỗ lực giải cứu nào phức tạp như giải cứu đội bóng “Lợn Hoang” trong hang Tham Luang. Các em được đánh thuốc mê, được đưa đi trên cáng cao su chuyên biệt kết hợp dây thừng và ròng rọc để tiện vận chuyển. Giữa cái lạnh thấu xương trong hang, các nạn nhân thỉnh thoảng phải được nhúng xuống nước để giữ ấm.
Ông Chalongchai Chaiyakham, một lãnh đạo quân đội Thái Lan thừa nhận: “Yếu tố quan trọng nhất trong nhiệm vụ là sự may mắn. Rất nhiều thứ đã trục trặc nhưng cuối cùng, chúng tôi đã đưa được các chàng trai ra ngoài. Đến giờ tôi vẫn chẳng thể tin nổi chúng tôi đã làm được”.
Các thợ lặn, kể cả những nhóm quá mệt tranh thủ nghỉ ngơi, cũng cố gắng gồng mình để vượt qua giá lạnh. Răng họ đánh vào nhau lập cập nhưng vẫn không đầu hàng.
Không ai, kể cả những thợ lặn chuyên nghiệp có thể lường hết được mức độ khó khăn của nhiệm vụ. Thợ lặn chuyên nghiệp Saman Gunan đã bỏ mạng trong hang vì cạn kiệt dưỡng khí. Ít nhất ba thợ lặn khác phải nhập viện sau khi thiếu dưỡng khí. Họ mất tích trong 23 giờ và khi được tìm thấy, họ dường như đã cạn kiệt gần hết sức lực.
Ông Wichai Gunan, cha của anh Saman Gunan chia sẻ: “Tôi tự vào về con trai tôi”. Ông không trách vì ông hiểu con mình đã chọn con đường này mà chẳng mảy may trông chờ danh xưng anh hùng.
Tất cả vì sứ mạng cứu người
Những gì đội cứu hộ đã làm không khác nào hành động liều chết. Họ làm vì một niềm tin vào sứ mạng lớn lao: cứu người.
Họ không đơn độc. Lực lượng quân đội quốc tế cùng hợp sức. Phía Mỹ thì chuyển đến lực lượng hậu cần, thợ lặn Anh thì tìm phương hướng tiếp cận nạn nhân. Vua Thái Lan hỗ trợ thiết bị. Hàng trăm người dân Thái tình nguyện tập hợp trật tự bên ngoài khu vực hang Tham Luang, người nấu ăn, người nhặt rác… Họ cho nhau nguồn độc lực quý giá, tạo và cùng duy trì vòng tròn đầy ắp năng lượng tích cực.
Nhiều người trách móc đội bóng “Lợn Hoang” vào hang sâu trong điều kiện nguy hiểm nhưng sự thật họ không xem thường tính mạng đến mức đáng trách như thế. Thời tiết được dự báo rất xấu trong ngày 23/6, nhưng cả đội đã vào hang trước khi có dự báo.
Ngay sau khi hay tin đội bóng có thể mắc kẹt trong hang, SEAL Thái Lan đã có mặt ngay vào 4 giờ sáng hôm sau.
Ngày 25/6, anh Ruengrit Changkwanyuen, một quản lý vùng của General Motors tại Thái Lan là một trong những tình nguyện viên đầu tiên vào hang với tư cách một thợ lặn chuyên nghiệp. Hành động dũng cảm của anh đã tạo hiệu ứng tốt và lần lượt thợ lặn Phần Lan, Anh, Trung Quốc, Australia, Mỹ đổ về hợp sức.
Anh Ruengrit Changkwanyuen không hình dung hết được thách thức lần này. Anh mô tả: “Nó như một thác nước mạnh và tất cả luôn trong tình trạng cố giữ thăng bằng chống chọi lại dòng nước khủng khiếp ấy”.
Dòng nước chảy xiết đã đẩy các thợ lặn ra khỏi cung đường trong hàng giờ, có khi đánh bật cả mặt nạ dưỡng khí của họ.
Anh Kaew đã tham gia từ đầu đến cuối nhiệm vụ. Khi đưa toàn bộ 13 thành viên đội bóng ra ngoài, anh tranh thủ cắn miếng bánh lót dạ thì bất ngờ nghe tiếng la thất thanh vọng ra: “Nước dâng cao quá. Ra ngoài mau!”.
Máy bơm thoát nước từ hang ra ngoài bất ngờ ngưng hoạt động. Mức nước tăng nhanh đột ngột. May mắn là các thợ lặn đã xoay xở trong tích tắc trong tình huống này. Nếu không, có lẽ chuyện đáng tiếc không ai mong muốn sẽ ập đến.
Kaew từ chối tiết lộ tên đầy đủ. Lời anh nói thật xúc động: “Các cậu bé an toàn và những người bạn của tôi cũng đã an toàn. Cuối cùng, chiến dịch đã thành công”.
Anh Thông (Theo NYTimes)