Khoảnh khắc mẹ và con

26/05/2016 - 13:50

PNO - Lũ trẻ đã dần rời khỏi vòng tay mẹ, đang có một tập thể be bé để thuộc về. Con cái chúng ta rồi dần lớn lên...

Trên đường đến chỗ làm mỗi ngày, tôi đi bộ băng ngang một trường mầm non nhỏ. Trường trông giống một điểm giữ trẻ hơn. Có mấy cô giáo trẻ mặc đồng phục đứng đón các em buổi sáng. Hôm nào, tôi cũng thấy cảnh mắt mũi lem nhem của đám con nít lau nhau lên bốn lên ba ở đó. Tự dưng vô cớ thấy thương lũ trẻ, thương bố mẹ chúng, rồi chạnh nhớ con mình.

Bọn nhóc òa khóc khi bị “giật” ra khỏi vòng tay ba mẹ, cả ngày lủi thủi ở một môi trường còn ít nhiều xa lạ. Những ngày đầu năm học quả là khó khăn nhất cho cả hai bên. Con khóc, mẹ âm thầm rơi nước mắt hoặc tu tu như một đứa trẻ bị đòn. Có những người đàn bà sợ khoảnh khắc yếu đuối ấy, đến mức không dám nhận lãnh nhiệm vụ đưa con đi học.

Thà đón con, mừng vui hớn hở, hạnh phúc đến ngập lòng. Dẫu thâm tâm hiểu rằng, con cần phải mang gửi để mẹ còn đến chỗ làm, thì nỗi bứt rứt khi phải rời khỏi chỗ đó cũng đủ khiến cho đàn bà bao lần rưng rưng. Bịn rịn. Lo lắng. Con còn nhỏ, sợ con đói, con lạnh, con sốt, con té ngã ở cầu thang hay trong căn bếp có những cái nồi to đang sôi sùng sục. Chỉ nghĩ tới đó thôi cũng đủ lạnh cả người.

Con lớn hơn chút, thì lo sang chuyện khác. Kẻ xấu xài đủ mọi chiêu trò dụ dỗ, hãm hại bất kỳ lúc nào. Mà con mình thì còn quá thơ ngây nhỏ dại. Gần đây, nghe những chuyện lạm dụng, xâm hại ngay trong môi trường học đường. Mỗi ngày, thả con ở cổng trường, lòng đầy lo âu. Muốn dặn dò, muốn dạy con nhiều thứ đề phòng, nhưng lòng lại phân vân chẳng biết có vô tình làm tâm hồn con bị già đi quá sớm hay không vì sự phòng xa ấy…

Khoanh khac me va con
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Con trai nhỏ xíu nhưng lại thích chơi trò đánh nhau cùng bạn bè. Trầy xước, tóe máu, con lì lợm bảo chuyện nhỏ thôi mà mẹ, mẹ đừng sợ. Nhưng nhìn thân thể của đứa con bé bỏng, vẫn xót xa đau như chính mình bị tổn thương vậy. Lo con nghịch ngợm, lo đám con trai hiếu động xô đẩy nhau, lo bồn nước trên cao, lo cánh cửa nặng nề rời khỏi bản lề, lo cái hố ga sửa chữa gì đó quên đậy lại… Những câu chuyện nhan nhản trên báo và mạng xã hội làm rùng mình, liên tưởng và bất an hàng ngày. Tai bay vạ gió hoặc bất cẩn, vốn nghe thấy đã nhiều…

Trong năm, có một hai lần lũ trẻ nài nỉ được đi chơi với nhau, nhà trường tổ chức. Ngày con háo hức xúng xính áo quần để tham quan, chia tay con ở cổng trường, nhìn những chiếc xe to tướng lừ lừ đậu trong sân, lòng người làm mẹ đã thấy sợ sệt. Rồi cả ngày hôm đó thấp thỏm. Nơm nớp. Không dám rời cái điện thoại. Sợ nhất là hì nh dung có cuộc gọi đến, số của cô giáo con. Hoặc là số lạ, nếu câu đầu tiên là “Chị phải mẹ của bé A hay không?” thì... có thể bị nghẹt thở đau tim.

Bỗng nhớ tới những mùa hè, thuở sinh viên mỗi năm hai bận đi về. Mẹ thường đưa tôi ra quốc lộ đón xe trở lại thành phố, với lủ khủ nào chuối nào đồ khô nào bánh trái. Tôi hớn hở vì sắp gặp lại bạn bè cùng cuộc sống tấp nập phố thị. Mẹ cứ tần ngần dúi cho tôi cái này, nhắc cái kia, mãi đến khi xe đò trờ tới vẫn còn cuống quýt. Rồi khi xe đi xa, bóng mẹ đã khuất hẳn phía sau, tôi mới sực ngoái lại, chẳng còn kịp nhìn thấy mẹ mình đâu đó bên đường nữa rồi…

Tôi bây giờ làm mẹ, vẫn hiểu bọn trẻ chẳng thể nào quanh quẩn núp bên mình mãi, nhưng sao cái cảm giác mỗi sáng rời khỏi con ở cổng trường vẫn khiến mình mủi lòng nhiều đến vậy. Đã có lần, tôi đứng nán lại bên ngoài cổng trường tiểu học của con, ngắm con gái con trai mình đang ngay hàng thẳng lối ở kia, tập bài thể dục buổi sáng trong tiếng nhạc rộn ràng. Trái tim người mẹ vang lên nỗi xúc động, dịu dàng và êm ả, yêu thương ngập tràn. Tôi nghĩ về mẹ tôi, về những bà mẹ trên thế gian này. Lũ trẻ đã dần rời khỏi vòng tay mẹ, đang có một tập thể be bé để thuộc về. Con cái chúng ta rồi dần lớn lên, hạnh phúc bình an khi luôn được che chở. Hẳn bọn nhóc sẽ yên tâm khi biết rằng, lớn bé thế nào, đi đâu về đâu, thì chúng cũng chẳng bao giờ rời khỏi trái tim của mẹ…

Hoàng My

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI