Nụ hôn không chỉ là cách thể hiện tình cảm, đánh dấu sự khởi đầu của một tình yêu, mà còn tiếp thêm động lực và sức mạnh cho người trong cuộc ở những giai đoạn khó khăn nhất. Có những nụ hôn khiến tình yêu thăng hoa, hạnh phúc nhưng cũng có những nụ hôn khiến người ta khắc khoải, tiếc nuối không nguôi, đặc biệt trong thời khắc sinh tử.
Nụ hôn hồi sức để cứu chồng
Đại dịch COVID-19 đã tạo nên thảm cảnh khủng khiếp ở Ấn Độ với hàng ngàn thi thể chất chồng, người dân gào khóc tuyệt vọng cầu xin máy thở, xin cứu sống. Nhưng cũng chính trong nghịch cảnh, không thiếu những khoảnh khắc khiến công chúng động lòng khi chứng kiến giá trị đích thực của tình yêu thương.
Những ngày qua, truyền thông Ấn đưa hình ảnh chị Renu Singhal nỗ lực cứu sống chồng Ravi Singhal (47 tuổi) trên đường tìm bệnh viện. Các bệnh viện Ấn Độ quá tải và thiếu máy thở nên đã từ chối tiếp nhận thêm bệnh nhân, chị Renu rơi vào tuyệt vọng.
|
Hình ảnh Renu bất lực, tìm mọi cách cứu sống chồng nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội. |
Nỗ lực hồi sức cho chồng của Renu không thành, anh Ravi sau đó vài tiếng đã trút hơi thở cuối trên tay vợ, trong chiếc ô tô bên ngoài một bệnh viện ở Agra.
Khoảnh khắc Renu hô hấp nhân tạo cho chồng, cũng chính khoảnh khắc của nụ hôn cuối cùng, khiến người xem ảnh nghẹn ngào. Một hình ảnh tuyệt đẹp về tình yêu và sự biệt ly.
Nụ hôn vĩnh biệt của người vợ trước khi hiến tạng chồng
Cuối năm 2018, giây phút chị Thanh Phương nén đau đặt lên môi anh Hồng Quý (chồng chị Phương) nụ hôn cuối cùng trước khi đưa chồng sang phòng mổ lấy tạng tại bệnh viện Việt Đức, Hà Nội gây xúc động cộng đồng trong thời gian dài.
Sau nụ hôn tiễn biệt của chị Phương, anh Quý được rút ống thở và trở thành người đầu tiên ở Việt Nam cùng lúc hiến tim, gan, hai phổi, hai thận để cấy ghép cho 5 người khác.
|
Chị Phương nắm chặt tay chồng, trao cho anh nụ hôn từ biệt. Ảnh do Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia cung cấp. |
Những ngày đầu nhập viện vì bị tai biến mạch máu não, anh Quý luôn lạc quan, hy vọng. Nhưng đến khi biết mình không thể qua khỏi, anh đã gọi các thành viên trong gia đình và đề nghị được hiến tặng mô, tạng để cứu sống nhiều người khác. Ban đầu vì quá thương anh và hy vọng còn nước còn tát, chị Phương không đồng ý.
Cho đến khi anh Quý rơi vào tình trạng chết não, chị Phương mới thực hiện lời dặn dò của chồng, nén đau thương liên hệ với Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia để thực hiện di nguyện của anh. Nghĩa cử của anh Quý đã cứu sống được 5 người khác.
Nụ hôn sinh tử của cụ ông 88 tuổi
Lời tạm biệt có thể có rất nhiều ý nghĩa tùy thuộc vào hoàn cảnh. Một số người cho rằng những lời chia tay chỉ là sự khởi đầu của một chương mới nhưng trong hầu hết các trường hợp, nó là sự kết thúc. Hơn nữa, nói lời chia tay với một người thân yêu chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là trong thời khắc bạn sắp lìa xa cõi đời.
Đến giờ đoạn video về một người chồng 88 tuổi chào tạm biệt người vợ mắc bệnh Alzheimer lần cuối, 3 ngày trước khi ông qua đời, vẫn khiến khán giả xúc động.
|
Cụ ông hôn vợ lần cuối khi sắp qua đời |
Cận kề cái chết nhưng ông muốn dành những giây phút ngắn ngủi cuối cùng bên người vợ thân yêu, trao cho bà một nụ hôn và không quên hẹn gặp nhau ở thế giới bên kia. Thật kỳ diệu, trong giây phút lãng mạn ấy người vợ bị mất trí nhớ đã có thể nhận ra chồng mình và thì thầm: "Ồ, tôi hiểu rồi!"
Cụ ông đã cho thấy, mặc dù cái chết là một lời tạm biệt đau đớn, nhưng có thể biến thành một khoảnh khắc lãng mạn. Nụ hôn của ông nhắc nhở mọi người nên dành nhiều thời gian hơn cho những người thân yêu, vì bạn sẽ không bao giờ biết khi nào họ sẽ rời xa mình mãi mãi.
Hôn nhau lần cuối
Cuối cùng, ông David đã được đoàn tụ với bà Sylvia đúng như ước nguyện. David và Sylvia Mason đã kết hôn được 66 năm nhưng cặp đôi đã không sống cạnh nhau 6 tháng, kể từ lúc cả hai được gửi đến các đơn vị chăm sóc sức khỏe khác nhau.
Ông David, 90 tuổi, được chẩn đoán mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, trong khi bà Sylvia sống trong một khu chăm sóc chuyên biệt dành cho những người mắc chứng sa sút trí tuệ.
|
Khoảnh khắc đoàn tụ của cặp vợ chồng |
Cảm nhận sự khó khăn khi không có Sylvia bên cạnh, ông David nói với nhân viên ở Charlotte House (Wirral, Anh quốc) rằng tâm nguyện trước khi chết của mình là được trao nụ hôn cuối cho vợ. Để giúp ông toại nguyện, các nhân viên đơn vị chăm sóc sức khỏe đã tổ chức cuộc hội ngộ bất ngờ cho cặp đôi.
Khoảnh khắc ông David ngồi chờ vợ bên trong cánh cửa, tay ôm những trái bóng bay hình trái tim khiến người chứng kiến nghẹn ngào xúc động.
Natalie Fitch, nhân viên tại Charlotte House, người tổ chức cuộc hội ngộ, cho biết ông David rất hạnh phúc: “Ông ấy trao cho bà một nụ hôn. Họ nói với nhau rằng họ yêu và nhớ nhau nhiều như thế nào, sau đó ông tặng những quả bóng bay hình trái tim cho vợ. Họ liên tục nói chuyện với nhau và hôn nhau. Ông ấy thật là một người đàn ông đáng yêu. Ông ấy liên tục nói với tôi rằng ông rất yêu vợ”.
Chung Thu Hương (tổng hợp)