Khoảnh khắc dài nhất

15/12/2024 - 17:58

PNO - Giây phút mẹ rời đi là khoảnh khắc dài nhất, dài mãi mãi và con sẽ luôn trống vắng trong những năm tháng còn lại của cuộc đời.

Hàng trăm lần nhìn mẹ vật vã trên giường với căn bệnh hiểm nghèo, chị ao ước giá như mẹ có thể được trút hơi thở cuối cùng. Chỉ cần cơ thể và tâm trí mẹ được giải thoát khỏi mọi đớn đau, chị sẽ mạnh mẽ, nhẹ lòng khi đối diện mất mát. Chị nghĩ chị sẽ nhớ mẹ nhưng chắc chắn sẽ không buồn lâu.

Hình ảnh gói tiêu người bạn tác giả chia sẻ trên trang cá nhân kèm nhiều cảm nhận xúc động về mẹ
Hình ảnh gói tiêu người bạn tác giả chia sẻ trên trang cá nhân kèm nhiều cảm nhận xúc động về mẹ

Thế mà, đêm qua, sau gần 1 tháng kể từ ngày mẹ chị mất, tôi thấy chị đăng lên Facebook hình chụp một cái bao ni lông cũ mèm cột túm tụm. Chị viết: “Gói tiêu này, lúc còn mạnh khỏe, mẹ đi mua được từ nhà người ta. Mẹ gói lại cất riêng cho mình, lúc mình về thăm thì trao lại. Sợi dây này cũng chỉ có mẹ mới tận dụng. Cách buộc cái túi 1 thành 2 cũng chỉ mẹ mình làm, cũng 4 hay 5 năm rồi. Mẹ cho, mình mang về nhà cất vào ngăn mát tủ lạnh để khỏi mốc. Tiêu của mẹ từng được hong nắng vàng. Nhà có trẻ con nên ít dùng, gói tiêu to cũng chưa vơi đi mấy. Nay mẹ đã đi xa, mình không biết gọi mẹ nơi đâu. Bao nhiêu vụn vỡ trong lòng chạm vào gói tiêu của mẹ cứ thế vỡ òa. Mình từng không biết sự cô đơn tột cùng là thế nào cho tới lúc mất mẹ. Mẹ ơi!”.

Chị sinh ra và lớn lên ở Quảng Trị, sau này theo chồng đến TP Đồng Hới, Quảng Bình sinh sống. Ở tuổi gần 40, đời sống hôn nhân có lúc cơm không lành canh không ngọt, thỉnh thoảng, chị ùa về nhà với mẹ để “sạc pin”. Chị kể cho mẹ nghe về những cự cãi lứa đôi, về sự nín nhịn, chịu thương chịu khó, về những thiệt thòi, về những lần chồng hư, về những trận con ốm... Lần nào, mẹ cũng ôm chị vào lòng nói: “Đã lựa chọn thì ráng lên”.

Sau này, khi mẹ phát bệnh, chị thường xuyên về nhà hơn nhưng không phải để kể khổ, kể nghèo, để được mẹ vuốt tóc, xoa lưng mà chị về để đổi vai, chăm sóc cho mẹ. Chị chưng cho mẹ chén yến thơm, nấu cho mẹ tô cháo mềm nhừ, nắn bàn chân, sờ những ngón tay ngày càng khô gầy của mẹ. Chị không kể chuyện buồn nữa nhưng mẹ chị vẫn nhìn ra trên đường đời con gái, sóng gió vẫn chưa tan. Tay mẹ đặt gần tay chị, tỏa ra hơi ấm đều đều.

Tôi nhớ, tháng Chín năm ngoái, một người bạn rất thân của tôi đã đau buồn đến điên dại vì mẹ bạn qua đời do tai nạn giao thông. Bạn kể, sau khi sự việc xảy ra, trong vòng mười mấy ngày liên tục, bạn cứ lặp đi lặp lại một hành động: chạy xe qua đúng tuyến đường mẹ bạn đã chạy, dừng ngay cột đèn mẹ bạn từng qua. Sâu thẳm, bạn tôi không chấp nhận hiện thực là mình đã không còn mẹ.

Bạn nhắn cho tôi: “Mình chưa báo hiếu mẹ được ngày nào. Mình cứ nghĩ mẹ sẽ mãi mãi ở đây, bên mình. Nhưng, mẹ đã bỏ mình đi. Nếu có một điều ước, mình chỉ ước được một lần gặp lại mẹ, ôm mẹ trong vòng tay”.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Những người mẹ dù ở đâu, bao giờ cũng sẽ luôn xem việc bảo bọc, che chở cho những đứa con là bản năng, là thiên chức. Và những đứa con dù ở tuổi nào, từng trải bao nhiêu, mỗi khi về nhà vẫn náo nức cất tiếng gọi mẹ. Bếp của mẹ vẫn là nơi ấm nhất, cơm mẹ nấu ngon nhất, những tiếng nói, những nụ cười, những lời càm ràm của mẹ là những điều thân thuộc. Mẹ là suối nguồn cho mọi bình yên. Chỉ cần gặp mẹ, được ngồi gần mẹ, mọi chênh chao, chơi vơi, xáo trộn đều được lắng xuống, chữa lành.

Mẹ tôi năm nay ngoài 60. Bà vui tươi, khỏe mạnh. Mỗi năm vài chục bận, tôi tìm đến bên để nghe mẹ, để làm phiền. Lúc thì tôi nghe mẹ càm ràm, lo lắng; lúc thì tôi nghe mẹ dặn dò, nâng đỡ, yêu thương…

Tôi cũng như mọi đứa con khác trên đời: luôn cố chấp, non nớt, ước mọi chuyện sẽ như cũ mãi mãi, ước luôn có mẹ, còn mẹ...

Diệu Thông

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI