Khoảnh khắc “chớp tắt” đe dọa hôn nhân

13/08/2024 - 07:43

PNO - Bạn được quyền hạnh phúc là quyển sách mới nhất của nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú (Nhà xuất bản Hội Nhà văn), phát hành năm 2024.

Hoàng Anh Tú nguyên là Trưởng ban Biên tập báo Sinh viên Việt Nam - Hoa Học Trò. Bút danh Chánh Văn của anh rất được bạn đọc yêu mến. Hiện nay, anh là người dẫn - cố vấn nội dung chương trình Bạn được quyền hạnh phúc - kênh truyền hình VTV2. Cuốn sách Bạn được quyền hạnh phúc gồm 62 bài viết ngắn của anh về hôn nhân - gia đình, chính là những thông điệp, kinh nghiệm xử lý các tình huống, “triệu chứng bệnh” của hôn nhân trong suốt thời gian qua.

Làm sao để hôn nhân hạnh phúc và làm sao để mỗi người vợ, người chồng đều được hạnh phúc trong cuộc hôn nhân của mình luôn là vấn đề mọi cặp vợ chồng đều quan tâm. Vấn đề này càng được chú ý hơn trong cuộc sống hiện đại với đời sống đầy rẫy cám dỗ, tỉ lệ ly hôn ngày càng nhiều hơn và trẻ hóa. Không cuộc hôn nhân nào trôi qua êm đềm theo thời gian mà không có lúc trục trặc, hỏng chỗ này, trầy xước, cũ kỹ hoặc hao mòn chỗ kia.


62 bài viết súc tích, gãy gọn nhưng soi rọi được rất nhiều vấn đề của đời sống hôn nhân giúp người đọc dễ nắm bắt và áp dụng với chính cuộc sống của mình. Hoàng Anh Tú dẫn người đọc đi qua 3 chương, cũng là 3 trạng huống chung của hôn nhân: đi qua chớp tắt, sửa mình chữa lại hôn nhân, trò chuyện cùng hôn nhân.

Đi qua chớp tắt chính là lúc ngồi “khám” lại cuộc hôn nhân của mình, xem nó từng có lúc “chớp tắt” ra sao. Khoảnh khắc “chớp tắt” đe dọa hôn nhân có khi chỉ là bỗng dưng vợ chồng chán nhau, say nắng bên ngoài; là một hôm “bóng ma” mang dáng hình người cũ quay trở lại hoặc những cơn bão bất ngờ ập đến mà 2 người chỉ vô tình trú tạm ở mái hiên chứ không ở cùng một mái ấm. Rồi cả khi 2 linh hồn chung một nhà nhưng lại trôi lạc đâu đó trong suy nghĩ riêng, không thể cùng nhau được nữa…

Sửa mình chữa lại hôn nhân chính là sửa mình để chữa nhau. Chữa nhau để trở thành phiên bản tốt đẹp hơn chứ không phải chỉ muốn sửa chồng hoặc sửa vợ mà quên nhìn lại chính mình, biết đâu mình còn tệ hơn cả đối phương. Trong hành trình sửa mình đó, ta nhất định phải học cách “giặt giũ tâm trí cho hôn nhân”, giã từ những cảm xúc tiêu cực có thể thiêu rụi hôn nhân. Hoặc hôm nào đó rảnh rỗi, ta đem hôn nhân ra… biên tập: “Hãy biên tập ngay những cảm xúc tiêu cực của mình, hãy cắt gọt tí xíu những rìa vỉa của nỗi bực dọc, đóng hộp nỗi bực dọc ấy lại và hãy vui cho chính bản thân mình trước hết”. Đây cũng chính là chìa khóa để mỗi người tìm thấy hạnh phúc của chính mình trong hôn nhân mà không phải đợi đối phương mang hạnh phúc đến cho mình bởi càng mong cầu, càng hy vọng càng đồng nghĩa với tham lam. Trong hôn nhân, càng hy vọng nhiều, càng thất vọng sâu.

Trò chuyện cùng hôn nhân: hôn nhân luôn là của 2 người. 2 người nghĩa là có những cuộc chuyện trò, có kẻ nói, có người nghe, có thấu hiểu, có sẻ chia, có chân thành dành cho nhau thì mới có thể đi cùng nhau đến cuối chặng đường. Mỗi cuộc hôn nhân đều mang sắc thái riêng, hạnh phúc hay đau khổ cũng muôn hình vạn trạng. Chỉ người trong cuộc mới có thể biết được “khẩu vị hôn nhân” của chính mình, để điều chỉnh cho vừa vặn, để giữ gìn nó không trượt khỏi những ranh giới, những chuẩn mực.

Hoàng Anh Tú tâm sự với bạn đọc bằng giọng văn hóm hỉnh, bỏ ngoài rìa những cực đoan. Với anh, sửa chữa hôn nhân chỉ nên làm khi nó còn có thể sửa. Với những cuộc hôn nhân đã nát, đã dập cho bạn đau tơi tả, khác nào liều thuốc độc… thì dứt khoát phải buông. Bởi trong hôn nhân, bạn được quyền hạnh phúc; nếu không hạnh phúc thì đừng!

“Bạn làm được điều gì hạnh phúc hơn, hãy làm nó!”.

Trần Huyền Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI