Khoảng trống tư vấn tâm lý học đường

06/04/2022 - 06:27

PNO - Người trẻ đang phải đối diện với nhiều áp lực trong cuộc sống dẫn đến những trở ngại về tâm lý, đưa đến những hành động tự hủy hoại bản thân. Thế nhưng, ở hầu hết trường học, khâu tư vấn tâm lý cho học sinh gần như bỏ trống.

Từ kiêm nhiệm đến thuê người

Cách đây vài năm, Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.11, TPHCM) từng có nhân viên tư vấn tâm lý học đường chuyên trách. Nhưng vì không có quy định về chức danh nghề nghiệp cho vị trí này trong trường học, thu nhập lại thấp nên nhân viên đã xin nghỉ. Hiện tại, công việc tư vấn tâm lý cho hơn 1.600 học sinh (HS) đang được giáo viên (GV) Tổng phụ trách Đội kiêm nhiệm. 

Học sinh Trường tiểu học Tô Vĩnh Diện (Q.Tân Phú, TP.HCM) đọc sách tại thư viện của trường trong giờ ra chơi (Ả NH TƯ LIỆU: PHÙNG HUY)
Học sinh Trường tiểu học Tô Vĩnh Diện (Q.Tân Phú, TPHCM) đọc sách tại thư viện của trường trong giờ ra chơi (Ảnh tư liệu: Phùng Huy)

Việc không có nhân viên tư vấn tâm lý chuyên trách đã đặt ra cho Trường THCS Lê Quý Đôn nhiều thách thức. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Linh Trang chia sẻ, dù vẫn hỗ trợ những khó khăn mà HS mắc phải, song vì nhân sự chỉ kiêm nhiệm nên công tác tư vấn tâm lý chưa được chuyên sâu, bài bản, đa phần mới chỉ dừng lại ở lắng nghe mà không có hướng tháo gỡ cụ thể trong từng trường hợp. Chưa kể, khối lượng công việc Tổng phụ trách Đội khá nhiều, chi phối phần nào thời gian dành cho hoạt động tư vấn tâm lý. 

Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TPHCM) Nguyễn Đoan Trang đánh giá, “sức đề kháng” của HS hiện nay rất yếu. Chỉ gặp một vấn đề nhỏ như điểm kiểm tra kém hơn bạn, bị ba mẹ rầy la, ba mẹ chưa đáp ứng đòi hỏi về vật chất… là các em đã có thể phát sinh trầm cảm, lo âu, buồn bực, có suy nghĩ và hành động thiếu suy nghĩ. Trong rất nhiều trường hợp, GV chủ nhiệm không thể giải quyết trọn vẹn được, chỉ có thể là người bạn, người lắng nghe vì không có chuyên môn về tâm lý.

Để “nâng chất” tư vấn cho gần 1.000 HS, trường đã hợp đồng với giảng viên tâm lý theo giờ. Nhân viên tâm lý này túc trực ở trường vào ngày cố định, còn lại công tác lắng nghe, nắm bắt sẽ luôn được ghi nhận qua email, điện thoại. Khó nói việc tư vấn tâm lý từ xa có hiệu quả, nhất là 1.000 HS mà lại chỉ có một người hỗ trợ.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), công tác tư vấn tâm lý học đường trong trường học chỉ thực hiện qua việc bố trí GV kiêm nhiệm, chưa quy định chức danh rõ ràng. Nếu bố trí cũng không được làm tăng biên chế trong nhà trường. Trong khi đó, thách thức hỗ trợ tâm lý HS hiện nay, nhất là sau dịch COVID-19 rất lớn, việc kiêm nhiệm không thể đảm bảo, gần như chỉ “hớt váng dầu”.

Tìm cách tháo gỡ

Cô Hồ Ngọc Linh, nhân viên tư vấn tâm lý học đường Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5, TPHCM), chia sẻ, khó khăn lớn nhất là nhiều phụ huynh, HS vẫn chưa nhận thức đúng đắn về vai trò của sức khỏe tinh thần. Nhiều em rõ ràng đang gặp vấn đề tâm lý, có nhu cầu được chia sẻ, tháo gỡ nhưng lại e ngại bạn bè biết nên chịu đựng hoặc tìm đến mạng xã hội để chia sẻ. Việc các em chịu đựng lâu dần sẽ tích tụ thành lo âu, trầm cảm - là nguyên nhân dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm. Còn nếu các em tìm đến không đúng nơi để chia sẻ thì có thể bị lôi kéo, dụ dỗ… 

Kết quả khảo sát mới đây về sức khỏe tinh thần khi trở lại trường sau thời gian học trực tuyến với 2.162 HS Trường THPT Trần Khai Nguyên cho thấy, khoảng 30% HS gặp các vấn đề về tâm lý như lo âu, trầm cảm ở các mức độ từ nhẹ cho đến nặng. Nhiều em có sức học rất tốt, không có biểu hiện gì về tâm lý, song khảo sát lại cho thấy tâm lý các em cần được hỗ trợ. Do đó, trường đã triển khai mô hình câu lạc bộ Tư vấn tâm lý, tổ chức nhiều chuyên đề gắn với lứa tuổi HS. Câu lạc bộ với sự hỗ trợ, điều hành của chính những HS từng gặp vấn đề tâm lý đã dần xóa bỏ tâm lý ngại ngần của HS - nối dài hiệu quả tư vấn tâm lý trong nhà trường. 

Để bù lấp những thiếu hụt của công tác kiêm nhiệm, Trường THCS Lê Quý Đôn đặt ra cho mỗi GV phải lắng nghe, nắm bắt tâm lý HS, nhằm tháo gỡ kịp thời, hạn chế tình huống xấu xảy ra… Dù vậy, hiệu trưởng trường này thừa nhận, đó cũng chỉ là tạm thời, không đạt hiệu quả cao vì GV chủ nhiệm không có chuyên môn về tâm lý, khối lượng công việc lại nhiều.

Nhận định về vai trò của tư vấn tâm lý học đường, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng khẳng định vô cùng quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng như trước thách thức của mạng xã hội. Thế nhưng, nhân viên tâm lý học đường trong trường học đang rất thiếu và yếu do quy định của Bộ GD-ĐT chưa có chức danh nghề nghiệp riêng biệt cho vị trí này mà chỉ là kiêm nhiệm.

Sở đã đề xuất UBND, HĐND TPHCM có chính sách đặc thù cho vị trí nhân viên tâm lý và nhân viên y tế học đường nhằm hỗ trợ các trường thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần HS. 

Bà Nguyễn Thị Tuyết Xuân, nguyên tham vấn viên tâm lý Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TPHCM): Gốc vấn đề nằm ở hệ giá trị sống mà người lớn chọn lựa

Chỉ trong vòng khoảng một tuần đã liên tiếp xảy ra mấy vụ HS tự tử. Chúng ta băn khoăn trước nhiều câu hỏi, vì sao xảy ra những cảnh đau thương này, cách giải quyết thế nào…? Theo tôi, gốc rễ vấn đề nằm ở hệ giá trị sống mà những người liên quan chọn lựa. Người liên quan ở đây là phụ huynh, thầy cô của các em. Khi những người có trách nhiệm với cuộc sống của các em chọn hệ các giá trị sống thế nào, họ sẽ có cách hành xử và dẫn các em theo định hướng đó.

Tùy hệ giá trị người lớn chọn, trẻ có thể nhận được những định hướng, sự quan tâm phù hợp cho sự phát triển, giúp trẻ trưởng thành nhân cách và hình thành hệ giá trị sống của các em. Hoặc ngược lại, chọn lựa của người lớn có thể sẽ là một sự áp đặt nặng nề lên trẻ.

Khi trẻ gặp áp lực nặng nề, nơi nào để trẻ có thể tin và tìm đến? Tôi cho rằng tại trường học, phòng tham vấn tâm lý với tham vấn viên được đào tạo bài bản, cùng tình thương thật sự đối với trẻ, sẽ là một trong những giải pháp. Ngày tôi phụ trách phòng tham vấn ở Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, có những lúc tôi tìm thấy vài HS cần được quan tâm qua hình thức đi thăm các lớp. Cũng có khi GV chủ nhiệm, GV bộ môn, giám thị báo cho biết trường hợp cần thiết để tìm cách tiếp cận.

Tôi còn nhớ trong tiết đi thăm lớp, tôi thấy một nam sinh có thái độ là lạ. Em có vẻ tách biệt, không tập trung. Tôi nhờ GV chủ nhiệm để có được thông tin về người đang nuôi dưỡng, giám hộ em. Sau khi tìm hiểu, được biết vì hoàn cảnh gia đình, em không ở với cha, mẹ mà sống với ông nội. Tìm gặp ông nội, tôi biết thêm em có vẻ rất thích màu đen. Ở nhà thường chỉ có hai ông cháu nhưng em khá khép kín với ông.

Từ đó, mỗi tuần, ông vào gặp tôi một lần, rồi hai tuần một lần. Được chừng 3 - 4 lần thì ông không cần vào nữa vì em nam sinh ấy đã bắt đầu chịu nói chuyện. Em đã có thể kể chuyện về bản thân mình với ông nội. Nhắc lại để chúng ta thấy vai trò của tham vấn tâm lý học đường rất quan trọng đối với tâm sinh lý của một đứa trẻ.

Quốc Ngọc (ghi)

Thạc sĩ Nguyễn Nguyên Thủy Trúc, phụ trách Phòng Tham vấn tâm lý Trường quốc tế Hoàng Gia (Q.7, TPHCM): Trường học cần có nhiều phòng học “quản lý cảm xúc”

Phòng tham vấn tâm lý học đường của Trường quốc tế Hoàng Gia góp phần giải quyết nhiều vấn đề cho học sinh  - ẢNH: PHÚC TRẦN
Phòng tham vấn tâm lý học đường của Trường quốc tế Hoàng Gia góp phần giải quyết nhiều vấn đề cho học sinh - Ảnh: Phúc Trần

Cùng với sự quan tâm đúng mức của gia đình, tham vấn học đường cũng góp phần chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ. Nhưng vì quy định chưa có chức danh mà phần lớn các trường, nhất là trường công lập không có nhân sự phụ trách công việc này. Vì thế HS khi gặp vấn đề không thể chia sẻ với cha mẹ, bạn bè, cũng không biết gửi gắm vào đâu, dễ dẫn đến áp lực vượt ngưỡng chịu đựng và hành động nông nổi. Do đó, trường học ở nhiều nước phát triển rất chú trọng công tác này. Tại Việt Nam, một số trường ngoài công lập, trường quốc tế đã làm được và kết quả khá khả quan. 

HS cần được dạy bài học về quản lý cảm xúc để điều chỉnh cảm xúc, suy nghĩ và hành vi phù hợp trong các tình huống. Các em cần được trang bị kỹ năng ngay từ đầu, trước khi gặp phải vấn đề. Đó là học cách quản lý căng thẳng, kiểm soát sự nóng vội, cách thiết lập, làm việc để đạt được mục tiêu cá nhân và học tập để không rơi vào thất vọng về bản thân, khủng hoảng, bế tắc. Các em học cách giao tiếp, hợp tác, đàm phán để giải quyết xung đột một cách xây dựng, tìm kiếm và yêu cầu trợ giúp khi cần… Ngoài ra, GV quan sát thấy em nào có nhu cầu sẽ hướng dẫn đến phòng tham vấn để được “gỡ rối”. 

Như tại nơi tôi công tác, thầy cô phải nằm lòng quan điểm mỗi đứa trẻ là một bản thể độc lập với sở trường và sở đoản khác nhau. Cha mẹ cũng nên học điều đó, học cách điều tiết cảm xúc, thừa nhận mặt được, chưa được của trẻ, chỉnh sửa cái chưa được và khuyến khích động viên con… 

Phúc Trần (ghi)

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI