Khoảng trống trong thành phố

19/10/2021 - 06:01

PNO - Họ đi, bỏ lại khoảng trống trong thành phố. Tôi và không ít người mong ngày người lao động dần dần trở lại. Bởi quê nhà cũng đầy khó khăn khi lâu dài không có đủ việc làm.

Mùa dịch, có một cuộc di dân ồ ạt lên mạng, để mua sắm, học tập, học hành… Dưới đất, cũng có cuộc di dân từ phố về quê. 

Có người thành phố trách người nhập cư “bạc tình”, khi Sài Gòn phồn thịnh thì đến, lúc Sài Gòn hoạn nạn lại bỏ đi. Tuy nhiên, phần lớn mọi người thương cảm họ. Ai cũng hiểu, ngoài cái ăn, người nhập cư còn đối diện với biết bao chi phí: tiền nhà trọ, tiền điện, tiền nước, tiền học hành của con cái…

Trở về quê nhà, trong vòng tay mẹ cha là phương án an toàn trong lúc này.

Sài Gòn vắng buồn tênh
Sài Gòn vắng buồn tênh

Trong cuốn Sài Gòn đi và nhớ, xuất bản năm 2010, tôi có viết về sự quan trọng của người nhập cư ở đất Sài Gòn. Không kể công nhân và những người làm văn phòng, cứ mỗi lần sau tết, tôi lại trông ngóng người nhập cư quay lại Sài Gòn. Tại sao? Muốn bơm bánh xe, ông Tư ở Gò Công chưa lên. Muốn sửa cái lò điện, chú Bảy ở Bình Định chưa vào. Đồ đạc dư trong nhà nhiều quá, đội quân thu gom ve chai từ Quảng Ngãi chưa thấy tăm hơi…

Những lúc như vậy, người Sài Gòn mới “ngộ” ra sự quan trọng của những người nhập cư từ tỉnh khác đến như thế nào.

Năm 2017, tôi ra mắt cuốn Saigon In My Memories (Sài Gòn trong ký ức của tôi) tại Đường Sách TP.HCM, bán được khá nhiều cho du khách nước ngoài. Mua sách xong họ cũng nấn ná trò chuyện với tôi, tìm hiểu những nét văn hóa và con người Sài Gòn.

Lúc đó dân Anh đã bỏ phiếu ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), tôi hỏi du khách Anh họ nghĩ thế nào về Brexit. Phần lớn họ thở dài và chia sẻ: Người Anh sau khi đi làm về, họ cần người giúp công việc làm vườn, vệ sinh nhà cửa để họ bớt mệt và đỡ bận rộn. Công việc này dành cho những người nhập cư trong khối EU từ các nước Đông Âu sang. Sau Brexit, người nhập cư Đông Âu sẽ không còn tự do làm việc tại Anh nữa. Như vậy, người Anh sẽ phải “nhọc nhằn” hơn.

Khi dịch COVID-19 dần được đẩy lùi, dân Anh nói chung và dân London nói riêng “xất bất xang bang” vì nạn thiếu hụt nhân lực, do “không có đội ngũ tài xế nước ngoài mà trước đây dân Đông Âu đảm trách”, chưa kể nước Anh thiếu cả lực lượng lao động nông nghiệp trên các cánh đồng mênh mông.

Đành rằng nông nghiệp đã được cơ giới hóa, cũng phải có người ngồi điều khiển. Một bài toán không dễ cho nước Anh khi đóng cửa với người nhập cư.

Ảnh: Phùng Huy
Ảnh: Phùng Huy

Trở lại TP.HCM, ai cũng biết người nhập cư quan trọng trong từng đời sống của người dân. Một số cửa hàng ăn uống khu vực tôi ở thuộc quận 3 đăng bảng cần “nhân viên bán hàng, nhân viên vệ sinh, nhân viên phục vụ…”. Chủ quán không thể mở cửa kinh doanh khi thiếu lực lượng lao động mà hôm nay tất cả đã “bỏ về quê”.

Chỉ là một mặt “cộng sinh” giữa người Sài Gòn và người nhập cư. Một mặt khác, người nhập cư cũng “nuôi” người Sài Gòn đó chứ. Bạn bè tôi nghỉ hưu xây lại căn nhà để cho thuê. Có vài ba phòng cho thuê có thể đủ trang trải cuộc sống. Người xây được vài chục phòng là có cuộc sống phong lưu tự do tự tại, du lịch nước ngoài…

Đùng một cái! Tất cả trả phòng về quê… Những căn phòng trọ trống trơn đồng nghĩa với gia chủ “mất thu nhập” hằng tháng.

Có những trang bán hàng may mặc giá rẻ online, hoặc cửa hàng đồ may sẵn dành cho những người nhập cư với túi tiền khiêm tốn. Chủ nhân các cửa hàng này mua vải lỗi mốt từ những tiệm vải lớn, mang về cắt may và bán cho người thu nhập thấp. Đối tượng tiêu thụ sản phẩm may mặc rẻ tiền nhưng khá đẹp này là người nhập cư.

Một bộ đồ vải đẹp, may khéo chỉ vài chục ngàn đồng. Người công nhân nhập cư mua về cho con, cho ba mẹ, cho chính mình và còn gửi về quê làm quà cho bạn bè, họ hàng… cũng mát mặt lắm chứ! Và họ tạo nên một thị trường tiêu thụ quần áo may sẵn không nhỏ của dân thành phố. Hôm nay, họ bỏ về quê, thị trường béo bở đó đìu hiu thấy thương!

Chợ dành cho công nhân ở khu vực khu công nhiệp Tân Tạo - Ảnh: Phùng Huy
Chợ dành cho công nhân ở khu vực khu công nhiệp Tân Tạo - Ảnh: Phùng Huy

Có không ít người đến các chợ đầu mối mua cá, thịt, rau củ… dư dôi lại vào buổi chiều với giá rẻ để bán cho công nhân kiếm chút đồng lời. Công nhân cũng mua được hàng rẻ đỡ đần cho bữa cơm gia đình.

Hôm nay, hàng hàng lớp lớp người bỏ thành phố về quê, những người buôn thúng ở chợ chiều còn đâu khách hàng?

Quê nhà dang tay đón người trở về “có gì ăn nấy”, nhưng quê nhà cũng đầy khó khăn khi lâu dài không có đủ việc làm. Lâu nay, những trụ cột gia đình đều phải ly hương, đi làm xa dành dụm tiền gửi về cho cha mẹ, con cái… đấy thôi!

Tôi và không ít người mong ngày người lao động dần dần trở lại. Từ đây tới ngày đó, người Sài Gòn sẽ buồn và nhớ họ khi nhìn vào những khoảng trống trong lòng thành phố. 

Nguyễn Ngọc Hà  

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI