Khoảng trống sách về đô thị thông minh: Không thể tuỳ tiện lấp đầy

13/10/2020 - 18:26

PNO - Nếu muốn lấp đầy khoảng trống sách về đô thị thông minh, điều này không hẳn khó nhưng thực hiện như thế nào để không mang tính nhất thời mới là quan trọng.

Mảng trắng sách về đô thị thông minh

Trong khoảng vài năm trở lại, khái niệm đô thị thông minh được nhắc nhiều trên khắp các diễn đàn. Đặc biệt, khi các đề án như Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025 hay đề án Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh... được phê duyệt, mọi công tác chuẩn bị cho việc thực hiện đề án lại càng ráo riết.

Tuy nhiên, trái ngược với không khí khẩn trương thực hiện đó, trên thị trường sách hiện tại, không có nhiều đầu sách viết về đô thị thông minh để bạn đọc cũng như những đơn vị liên quan có thêm cơ sở, dữ liệu hiểu rõ hơn khái niệm.

Thực trạng thiếu sách viết về đô thị thông minh đã được nhìn nhận tại Toạ đàm Sách về đô thị thông minh. Các chuyên gia, diễn giả, những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xuất bản đồng ý với quan điểm thị trường sách hiện tại có các đầu sách viết về đô thị thông minh nhưng số lượng này không nhiều, và sách dịch đang chiếm phần lớn.

TS.
TS.KTS Ngô Minh Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Di sản Văn hoá và Phát triển Trường Đại học Văn Lang cho rằng vấn đề đô thị thông minh cần được nhận diện một cách rõ ràng.

“Nhà nước ta chủ trương xây dựng đô thị thông minh nhưng sách về chủ đề này tại Việt Nam chưa nhiều, vì sao lại có tình trạng này? Trong thời gian qua, trên thị trường đã có sách ở mảng đề tài về đô thị thông minh nhưng không nhiều và cần xem lại mức độ hiệu quả”, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh – Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Books nói.

Theo ông Tuấn Quỳnh, trên thị trường sách quốc tế có khoảng 1.000 đầu sách viết về đô thị thông minh và một số chủ đề liên quan bằng tiếng Anh. Nếu tìm sách viết bằng tiếng Đức, Trung Quốc... con số này sẽ tăng hơn. Tuy nhiên, ngành xuất bản Việt Nam không thể tập trung vào sách dịch, cần có những cuốn sách viết về các vấn đề trong nước, dành riêng cho độc giả Việt.

TS.KTS Ngô Minh Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Di sản Văn hoá và Phát triển Trường Đại học Văn Lang cho biết tại Việt Nam, chỉ có vài chục đầu sách viết về đô thị thông minh đáng đọc. Con số này còn khá khiêm tốn so với các đề án xây dựng đô thị thông minh mà thành phố chủ trương thực hiện. Tương đương với sự phát triển của đô thị, đơn cử như TPHCM, cần có sự gia tăng tỉ lệ thuận của các đầu sách viết về đề tài đô thị thông minh để những người cần đọc có đủ nguồn tư liệu chính thống.

TS.KTS Ngô Minh Hùng mạnh dạn đề xuất các đầu sách nên thực hiện trong thời gian tới như Thành phố thông minh – Sáng tạo: Nhận diện thương hiệu TPHCM, Sổ tay đô thị thông minh trong bối cảnh Việt Nam và TPHCM, Xu hướng thành phố thông minh – sáng tạo và mô hình thành công trên thế giới... Ông cho rằng tuỳ vào từng đầu sách, thời gian thực hiện có thể kéo dài trong khoảng 3 – 4 tháng hoặc 6 - 12 tháng nhưng tóm lại, cần nhanh chóng thực hiện.

Không thể tuỳ tiện lấp đầy

Việc xuất bản một cuốn sách không quá khó, khó ở chỗ làm sao để cuốn sách đó đến được tay bạn đọc. Ông Tuấn Quỳnh khẳng định ở góc độ của một đơn vị xuất bản, ông quan tâm việc sách có bán được hay không, còn chuyện thiếu sách viết về đô thị thông minh, điều này không bàn cãi.

“Một cuốn sách chỉ có giá trị khi nằm trên tay độc giả, nếu sách vẫn còn trên kệ, giá trị chỉ bằng không. Như vậy, làm sao xuất bản sách về đô thị thông minh, trí tuệ nhân tạo, công nghệ 4.0 mà người dân, đặc biệt giới trẻ phải mua. Ở đây, cần đáp ứng nhu cầu của bạn đọc vì họ chỉ mua khi cần”, ông Tuấn Quỳnh nói.

Quan điểm của đơn vị Saigon Books quay trở lại vấn đề viết gì và viết như thế nào trong các đầu sách về chủ đề đô thị thông minh. Ngành xuất bản không thể thấy thiếu các đầu sách ở mảng này mà ồ ạt thực hiện vì nếu nhanh chóng “lấp đầy” nhưng không chọn lọc nội dung, không có tầm nhìn thì cũng không giải quyết được vấn đề.

Cuốn sách về đô thị thông minh vừa được NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản khá nặng ký cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Cuốn sách về đô thị thông minh vừa được NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản khá nặng ký cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Theo Alphabooks, các đơn vị xuất bản ngày nay thuận lợi vì có điều kiện tiếp cận nhiều nguồn bản quyền phong phú từ nước ngoài nên việc xuất bản sách về chủ đề này không khó. Nhưng hạn chế ở chỗ, họ phải thật sự chọn lọc để mua được bản quyền sách phù hợp với khung cảnh xã hội Việt Nam hiện nay.

Để có những đầu sách chất lượng, lấp đầy mảng sách viết về đô thị thông minh, cần thiết phải có những đơn đặt hàng cho các đơn vị/cá nhân chuyên nghiên cứu lĩnh vực, không thể nôn nóng thực hiện. Điều này được Phó Giám đốc NXB Tổng hợp TPHCM, bà Nguyễn Tư Tường Minh khẳng định: “Ngành xuất bản trước hết phải có một tầm nhìn cho công tác nghiên cứu như việc đặt hàng các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực chuyên môn. Nếu không có sự chuẩn bị chu đáo, chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn cũng như rơi vào một số bị động khi những vấn đề mới, thách thức mới xuất hiện trong quá trình xây dựng đô thị thông minh”.

Ngoài các vấn đề liên quan đến khái niệm đô thị thông minh bề nổi, một số diễn giả cho biết để một đô thị thật sự văn minh, cần có những công dân văn minh và một cộng đồng văn hoá – văn minh. Do đó, các đầu sách ra mắt trong tương lai cần tập trung nói về yếu tố con người trong thời hiện đại và sự phát triển của một cộng đồng thức thời - không đánh mất bản sắc văn hoá nhưng cũng không phải là những người bị tụt lại phía sau.

Nhìn trên thị trường, đa số các đầu sách thuộc chủ đề đô thị thông minh ra mắt trong thời gian qua chưa thật đa dạng. Các đầu sách vẫn thiên về nguồn sách dịch, cũng như tổng hợp các thông số thô đề cập đến vấn đề đô thị thông minh. Thị trường thiếu sách về mảng đề tài này nhưng nếu trong thời gian tới, ngành xuất bản vẫn ồ ạt ra mắt các ấn phẩm "nặng" kiến thức thì có lẽ, bạn đọc vẫn khó tiếp cận. Lúc thiếu sách cũng là lúc cần cẩn trọng nhất trong việc chọn lọc nội dung, ấn hành.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI