PNO - Mặc dù Việt Nam có không ít nghệ sĩ nổi bật trong lĩnh vực âm nhạc đương đại ở các thể loại nhạc pop, rock, jazz…, nhưng khá hiếm tác phẩm viết về họ, hay quá trình hình thành của những dòng nhạc đó tại Việt Nam, dưới góc nhìn nghiên cứu.
Đầu tháng Mười một, đơn vị xuất bản Omega+ vừa giới thiệu đến độc giả yêu jazz quyển Chơi jazz ở Việt Nam: Quyền Văn Minh và nhạc jazz Hà Nội của Stan BH Tan-Tangbau - tiến sĩ chuyên nghiên cứu các câu chuyện văn hóa, giảng viên âm nhạc người Hồng Kông (Trung Quốc), từng có thời gian sinh sống, làm việc tại Việt Nam. “Bố già” jazz Quyền Văn Minh - giảng viên đầu tiên của bộ môn saxophone tại Học viện Âm nhạc quốc gia - là đồng tác giả.
Quyển Chơi jazz ở Việt Nam: Quyền Văn Minh và nhạc jazz Hà Nội của Stan BH Tan-Tangbau, Quyền Văn Minh đồng tác giả
Bằng lối viết tìm kiếm tư liệu, phỏng vấn của tác giả xen lẫn những dòng tự sự của Quyền Văn Minh, quyển sách đã cung cấp kiến thức cơ bản về jazz, kiến giải các vấn đề như người chơi jazz ở Việt Nam là những ai, họ học chơi jazz ở đâu, giữ lửa nghề thế nào… Từ câu chuyện của Quyền Văn Minh, cuốn sách đã phác thảo chân thật và sống động về một thế hệ, về hành trình jazz ở Việt Nam.
Năm 2008, một quyển sách khác về nhạc Việt là Rock Hà Nội và rumba Cửu Long của nhà soạn nhạc, nhà nghiên cứu người Mỹ Jason Gibbs, được giới thiệu đến độc giả Việt cũng qua một bản dịch. Từ những “bài ta theo điệu Tây”, nhạc tiền chiến cho đến nhạc đỏ, boléro hay hiện tượng nhạc vàng bùng nổ tại các phòng trà Sài Gòn những năm 1960, 1970 đều được Jason Gibbs tái hiện rõ ràng, chi tiết, với những phân tích chuẩn xác về bối cảnh văn hóa, chính trị đã ảnh hưởng đến âm nhạc thế nào. Cuốn sách này sau đó được tái bản vào năm 2019 với tên gọi Rock Hà Nội, bolero Sài Gòn, bổ sung thêm một số thông tin, nhận định của tác giả.
Câu hỏi lớn nhất được đặt ra: Vì sao một nhân vật đương đại hay ho, thú vị như thế, vì sao một đề tài hấp dẫn như thế, tư liệu đầy ắp như thế, lại không có nhà nghiên cứu âm nhạc Việt Nam nào quan tâm? Vì sao độc giả Việt chỉ có thể tiếp cận, tìm hiểu lịch sử âm nhạc hiện đại và đương đại qua góc nhìn của các nhà nghiên cứu người nước ngoài?
Khoảng trống khó lấp đầy
So với dòng nhạc cổ điển hay cổ nhạc Việt Nam, nhạc đương đại đã và đang tồn tại cùng đời sống, có nhiều tác động đến lịch sử âm nhạc Việt Nam. Song thực tế cho thấy, rất ít các bài viết hay tác phẩm liên quan đến sự thành hình, phát triển về các dòng nhạc này, dù đây là đề tài vô cùng hấp dẫn và thú vị.
Rock Hà Nội Và Rumba Cửu Long của Jason Gibbs (Mỹ)
Theo một số dịch giả chuyên dịch mảng sách âm nhạc, lý do nằm ở cách khái quát trong tư duy, phương thức nghiên cứu của học giả người Việt. “Nhìn chung, học giả Việt Nam ít người thích nghiên cứu từ sự phát triển của một/vài cá nhân tiêu biểu thành dòng chảy lịch sử của dòng nhạc đó” - một dịch giả chia sẻ. Chẳng hạn, với quyển Chơi jazz ở Việt Nam, từ câu chuyện của Quyền Văn Minh, BH Tan-Tangbau đã dựng lên được hành trình của nhạc jazz tại Việt Nam, du nhập, tồn tại, phát triển ra sao, và từng bước trở thành bộ môn được đào tạo trong các học viện âm nhạc thế nào. Cuốn sách không chỉ là câu chuyện về cuộc đời Quyền Văn Minh - một người tận hiến cho jazz - mà đã trở thành tư liệu tham khảo cho dòng nhạc này.
“Và nếu có tư duy nghiên cứu khái quát, thì các học giả lại không mặn mà với thể loại nhạc đương đại, vì cốt lõi của nó không chỉ đòi hỏi tư duy phản biện, kỹ năng nghiên cứu, mà còn cần đến kiến thức chuyên môn về âm nhạc, văn hóa và nhiều yếu tố bổ sung khác. Tức là, muốn nghiên cứu hay viết về điều gì đó, trước tiên bạn phải yêu nó. Có yêu rồi mới tìm hiểu và dấn thân” - một dịch giả khác cho biết.
Thị trường đang có không ít đầu sách về dân ca, nhạc cổ truyền hay tân nhạc Việt do các nhà nghiên cứu Việt viết. Có thể kể đến: Hò - Lý trong dân ca người Việt, Hát ru Việt Nam (Lưu Nhất Vũ - Lê Giang), Đặc khảo về dân nhạc ở Việt Nam, Tân nhạc Việt Nam thuở ban đầu (nhạc sĩ Phạm Duy), hay 9 thập kỷ ca khúc tân nhạc Việt Nam (Lê Thiên Minh Khoa), Gìn giữ âm xưa - tản văn - sơ khảo nhạc Việt (Trần Danh Thủy - Bùi Lệ Cơ)… Tuy nhiên, rất hiếm sách về âm nhạc đương đại.
Lý do thứ hai, việc tìm kiếm tư liệu tại nước ngoài được thực hiện dễ dàng hơn với hệ thống tư liệu phong phú, lưu trữ tại các thư viện hiện đại, trên cái nôi của các dòng nhạc đương đại. Trong điều kiện thư viện Việt Nam vẫn chưa có nhiều thông tin lưu trữ về các nhân vật chơi nhạc, thể loại nhạc; rõ ràng, học giả nước ngoài có ưu thế hơn.
Yếu tố cuối cùng, quan trọng không kém là tài chính. Việc tìm kiếm tư liệu, phỏng vấn nhân vật để viết một cuốn sách theo phương pháp nghiên cứu đòi hỏi không chỉ thời gian, công sức, sự kiên trì, mà còn liên quan đến yếu tố tài chính. Mặt bằng chung của thị trường xuất bản Việt Nam hiện nay vẫn còn rất thấp. Số sách phổ thông phân bổ trên mỗi đầu người chỉ dừng ở mức hơn 1 cuốn. Sách nghiên cứu hay sách chuyên biệt càng khó được người đọc đón nhận hơn. Hiếm tác giả nào sống được bằng nghề viết, việc không mấy người mặn mà cũng là điều dễ hiểu.
Việt Nam không thiếu những học giả giỏi, những nhà nghiên cứu tài năng. Làm thế nào để có thể thu hút họ trong lĩnh vực âm nhạc nói riêng, và các mảng nghệ thuật đương đại khác nói chung, câu hỏi này e sẽ còn rất lâu mới tìm được lời đáp.