Khoảng trống phía sau các trung tâm ngoại ngữ

21/03/2022 - 07:27

PNO - Các trung tâm ngoại ngữ nhiều năm qua đã góp phần rất lớn trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước.

Học ngoại ngữ là nhu cầu có thật của nhiều người, ở nhiều độ tuổi
Học ngoại ngữ là nhu cầu có thật của nhiều người, ở nhiều độ tuổi

Từ khi đất nước chuyển mình hội nhập cùng xu thế toàn cầu hóa, nhu cầu học ngoại ngữ - nhất là tiếng Anh - đã thu hút nhiều người ở nhiều độ tuổi tham gia, và phần lớn là tại các thành phố lớn.

Cách nay hơn mười năm, đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” đã được Thủ thướng Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu của đề án là nhằm cung cấp nguồn nhân lực có trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường đa ngôn ngữ, đa văn hóa. Thế nhưng, đến nay, chương trình học tiếng Anh ở trường phổ thông vẫn đạt hiệu quả thấp. Sau bảy năm học tiếng Anh liên tục trong trường phổ thông, hầu hết học sinh đều không sử dụng được ngoại ngữ để làm việc, còn yếu về kỹ năng nghe, nói. 

Theo kết quả của nhiều cuộc khảo sát, sau khi học hết trung học cơ sở, nếu không học thêm ở các trung tâm ngoại ngữ học sinh chỉ có thể nghe, nói được những thông tin cơ bản như chào hỏi, tên tuổi chứ không thể kể lại được một câu chuyện khoảng 100 từ. Thiếu giáo viên ngoại ngữ, trình độ của giáo viên còn kém, sách giáo khoa lạc hậu, cách dạy thiên về ngữ pháp, học sinh không có điều kiện thực hành… là những nguyên nhân lớn khiến “đề án ngoại ngữ quốc gia” dù được đầu tư tiền tỷ vẫn không thành công. 

Với thực tế này, phụ huynh học sinh buộc phải đưa con đến với các trung tâm ngoại ngữ. Trên cả nước, tồn tại một hệ thống giảng dạy tiếng Anh dân lập hùng hậu, đáp ứng nhu cầu không chỉ cho học sinh, mà cho cả sinh viên, người đi làm, công chức, viên chức nhà nước, thậm chí cả những nghiên cứu sinh tiến sĩ. 

Các trung tâm ngoại ngữ nhiều năm qua đã góp phần rất lớn trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước. Chỉ riêng ở TPHCM, số trung tâm ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ được cấp phép chính thức của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã trên 1.000. Tỉnh, thành nào cũng có hệ thống trung tâm ngoại ngữ được đầu tư từ các nguồn lực xã hội, kể cả đầu tư nước ngoài. 

Tuy nhiên, bên cạnh những trung tâm có chất lượng, vẫn còn rất nhiều dạng trung tâm “chui”, những trung tâm chỉ hoạt động online, khó thống kê và quản lý hết được. Các trung tâm này luôn có những lời mời chào hấp dẫn như: đạt chuẩn quốc tế, giáo viên người bản ngữ, giáo án thường xuyên được cập nhật, học viên được dự thi cấp chứng chỉ có giá trị vĩnh viễn…

Không vơ đũa cả nắm, nhưng có một tỷ lệ không nhỏ những “trung tâm” chỉ "treo đầu dê, bán thịt chó" Người không có bằng cấp chuyên môn vẫn ngang nhiên mở lớp, công khai thu tiền; “Tây ba lô”, sinh viên vẫn được gắn mác giáo viên để đứng lớp giảng dạy. 

Giáo trình ở các trung tâm hiện nay cũng từ đủ nguồn, nhiều nơi đang sử dụng các giáo trình được biên soạn rất nghiệp dư, thiếu khoa học, có nhiều lỗi nghiêm trọng. Ở một số trung tâm, tài liệu và phương pháp học ngoại ngữ chỉ tập trung vào việc luyện thi để vượt qua các kỳ thi chứng chỉ quốc gia, TOEIC, IELTS… Có trung tâm dạy ngoại ngữ cho người lớn, người đi du học theo kiểu “mẹo giải đề” để người học đạt được mục tiêu trong thời gian ngắn, bất chấp phương pháp không chuẩn.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã đề nghị các Sở GD-ĐT, trường đại học, cao đẳng thực hiện nghiêm túc việc công bố công khai thông tin về danh sách học viên được cấp chứng chỉ trên trang thông tin điện tử của đơn vị; thông tin phải được cập nhật và lưu trữ, đồng thời phải tổng hợp tình hình hoạt động hằng năm của các trung tâm và báo cáo về Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, những giải pháp này cũng chỉ hạn chế chứ chưa thực sự ngăn chặn hoàn toàn tiêu cực bởi nhu cầu học ngoại ngữ và nhanh có chứng chỉ để nộp hồ sơ xin việc, du học, bổ nhiệm… ngày càng nhiều hơn.

Tâm lý muốn nhanh giỏi tiếng Anh, muốn mau có chứng chỉ của một số người đã tạo cơ hội cho không ít trung tâm ngoại ngữ khai thác cách đào tạo, bồi dưỡng sai phương pháp, sai mục tiêu. Câu chuyện học ngoại ngữ hiện nay là của mọi tầng lớp. Mục tiêu khác nhau, xuất phát điểm khác nhau nên không thể nhốt chung vào một rọ.

Để tránh tiền mất tật mang trong việc chọn trung tâm ngoại ngữ, người đi học và các bậc phụ huynh cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia, của những người từng đi học. Sở GD-ĐT TPHCM cũng có website cung cấp cụ thể thông tin các trung tâm “chính thống” với thời hạn giấy phép, những địa chỉ đã đăng ký hoạt động cùng với người chịu trách nhiệm pháp lý. 

Người học cần được tư vấn và tự tìm hiểu kỹ để chọn được địa chỉ học tiếng Anh đáng tin cậy, giáo trình đạt tiêu chuẩn cao, phương pháp giảng dạy hiện đại, giảng viên có trình độ sư phạm và chuyên môn cao, chất lượng được đánh giá từ kết quả của mỗi học viên khi học xong và ứng dụng vào thực tế chứ không chạy theo những lời quảng cáo ồn ào trên mạng.

Phan Văn Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI