Thiếu nhân sự ở khâu chuyên môn sâu
Phóng viên: Bà đánh giá thế nào về vấn đề nhân sự của các bảo tàng ở thời điểm hiện tại?
Bà Huỳnh Ngọc Vân: Nói ngắn gọn là chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của bảo tàng hiện tại. Công tác đào tạo, tuyển dụng, sử dụng vẫn còn nhiều bất cập. Nhân sự bảo tàng vẫn thiếu ở những khâu cần chuyên môn sâu, trong đó điển hình là khâu bảo quản hiện vật. Trong khi đó, một số khâu lại thừa nhân sự nhưng không lấp vào được.
Những năm gần đây, khi cán bộ cấp cao của một số bảo tàng về hưu thì khó tìm người thay, có khi mất đến vài năm. Hiện theo yêu cầu, đội ngũ này vừa phải có chuyên môn, vừa phải có năng lực quản lý lãnh đạo. Nếu chỉ có 1 trong 2 kỹ năng này đều gặp khó.
Các thế hệ đi sau lứa chúng tôi (thế hệ 6X) hiện rất khá, có kiến thức chuyên môn về sử học, bảo tàng học, văn hóa học; có thêm trình độ tin học, tiếp cận công nghệ thông tin tốt hơn. Nhưng có những điểm yếu không nên yếu là trình độ ngoại ngữ. Khi đào tạo chuyên môn thì ngoại ngữ hầu như chưa được xem trọng. Điều này tạo ra rào cản rất lớn khi cán bộ có cơ hội được đào tạo ở nước ngoài. Các bạn đi sau chưa có nhiều động lực để cải thiện điều này. Tinh thần chịu đựng, vượt khó của thế hệ sau có vẻ ít hơn thế hệ trước, khi điều kiện thuận lợi hơn, có nhiều lựa chọn hơn.
* Theo bà, điều gì khiến chất lượng nguồn nhân sự của bảo tàng vẫn thấp, mà theo bà từng nhận định là phải đi sau những nước tiên tiến ít nhất từ 30-40 năm?
- Khâu đào tạo của chúng ta chưa tốt. Đầu tiên, việc đào tạo cơ bản từ trường đại học vẫn chưa bắt kịp trình độ thế giới về sử học, bảo tàng học, văn hóa học. Chương trình học của chúng ta khá lạc hậu. Điều này dẫn tới khi sinh viên tốt nghiệp thì bảo tàng phải đào tạo lại cho phù hợp với đặc điểm của từng đơn vị. Việc đào tạo không chỉ dừng ở chương trình, mà còn ở cách đào tạo, nhằm rèn luyện tư duy, kỹ năng cho con người tốt hơn, hướng đến việc năng động, sáng tạo, có tầm nhìn hơn. Cách học, cách làm của chúng ta vẫn thiên về sách vở nhiều quá.
Trong các nhiệm vụ phát triển sắp tới của các bảo tàng tại TPHCM, ông Trần Thế Thuận - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao cho biết có việc tăng cường, đổi mới đội ngũ làm công tác quản lý. Đội ngũ này cần tập huấn và nghiên cứu học tập nhiều hơn, có những chuyến tham quan để mở rộng kiến thức. Bên cạnh nỗ lực của các bảo tàng thì cơ chế, chính sách từ cơ quan quản lý nhà nước cũng phải có những thay đổi phù hợp tình hình thực tế, để thúc đẩy sự phát triển. |
Đơn cử như khái niệm chính sách công chúng, nhằm mang người dân đến với bảo tàng, thì chúng ta vẫn còn học trên lý thuyết, ứng dụng rất dè dặt. Việc trưng bày trong bảo tàng là sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm kiến thức, kỹ thuật, mỹ thuật… nhưng chúng ta không làm được những giải pháp hiện đại, sinh động. Kỹ năng tư duy, đón đầu công chúng vẫn còn hạn chế. Bảo tàng kể chuyện quá khứ, nhưng phải đi trước công chúng.
Ngay trong cán bộ cũng thường chọn giải pháp an toàn, xuất phát từ việc kinh phí hạn chế, tư duy của người lãnh đạo. Chính sự an toàn này dẫn đến sản phẩm không hấp dẫn, tư duy sáng tạo của cán bộ cũng mai một theo thời gian.
* Muốn cải thiện điều này, cần tạo điều kiện để tiếp cận những môi trường, quốc gia mà ngành bảo tàng thực sự phát triển, đúng không thưa bà?
- Tôi từng được đào tạo ở một số quốc gia. Chương trình đào tạo lịch sử ở Nga vừa rộng, vừa sâu, để khai thác được nhiều khía cạnh. Họ chú trọng vào tư duy tốt, từ lý thuyết, đi đến thực tiễn, sau đó hình thành lý luận mới. Sau đó, tôi may mắn có học bổng đi học thêm ở Pháp, Úc, Mỹ, tôi nhận thấy họ đề cao tính ứng dụng. Tư duy sáng tạo của họ rất tốt và trách nhiệm với cộng đồng cũng rất lớn. Cái mới không phá vỡ cái cũ, mà kế thừa để phát triển thêm. Những lớp học này giúp tôi dám thể nghiệm những điều mới mẻ.
Tôi rất tiếc trong 30 năm vừa qua, việc đào tạo nhân sự cho ngành bảo tàng tại TPHCM chưa có chiến lược căn cơ, thường xuyên. Chúng ta có tham gia những lớp đào tạo ngắn hạn, nhưng chắc chắn chưa đủ nếu muốn lớp nền về bảo tàng học vững mạnh. Chiến lược phát triển nhân sự nên có kế hoạch 5-10 năm. Còn 30 năm là một khoảng trống quá lớn.
Ít người từng đề cập đến vấn đề này, có thể vì ngại. Hoặc có người đã từng đề cập, nhưng việc lãnh đạo theo nhiệm kỳ đôi khi gây khó. Bởi kế hoạch với người lãnh đạo trước chưa được thực hiện xong thì người mới đã lên thay thế.
|
Người dân tham quan Bảo tàng Lịch sử TPHCM - Ảnh: Thành Lâm |
Chiến lược nhân sự - lời giải phải từ cấp thành phố
* Theo bà, để giải quyết được những vấn đề nhân sự ngành bảo tàng nhìn chung tại TPHCM, chúng ta nên bắt đầu từ đâu?
- Việc đào tạo cần được đổi mới, theo các tiêu chí đã đề cập bên trên. Khi tuyển dụng nhân sự trẻ, ngoài việc đào tạo chuyên môn thì các bảo tàng cần cố gắng tạo điều kiện để các em học ngoại ngữ. Cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các em sáng tạo, đừng rập khuôn, quá an toàn. Như tôi, ngày trước cũng thường bị sếp la vì thường đưa ra những ý tưởng mới lạ, xin kinh phí để làm. Dẫu vậy, tôi vẫn kiên trì để thực hiện.
Chiến lược nhân sự này, tôi nghĩ cần được xây dựng ở cấp thành phố. Ở bước đầu tiên, tôi nghĩ kế hoạch này nên là tầm nhìn 5 năm, với số lượng cán bộ được đưa đi đào tạo là từ 2-3 người. Liên tiếp nhiều năm, chúng ta sẽ có nhiều người. Trước khi về hưu tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, tôi đã đề cập với lãnh đạo thành phố, các ban, ngành liên quan về vấn đề này. Khi nhận ra vấn đề thì lại vấp phải vấn đề ngoại ngữ của cán bộ. Ngoại ngữ phải thực sự thành tạo, chứ không thể chỉ dừng ở mức căn bản.
Chuyện tiếp theo là kinh phí. Chúng ta thường ưu tiên, chờ đợi học bổng, sau đó mới tính đến chuyện bỏ kinh phí. Trong khi đó, việc đầu tư nhìn chung lại thiên về các ngành kinh tế, khoa học tự nhiên… Câu chuyện này không thể giải quyết một sớm một chiều, nhưng phải làm, chứ không thể đứng yên một chỗ.
* Để thu hút được nguồn nhân lực giỏi, chất lượng đến với ngành bảo tàng ở hiện tại dường như vẫn rất khó. Trong đó, chính sách đãi ngộ vẫn là rào cản…
- Ngành bảo tàng có thu nhập trên mặt bằng chung rất thấp. TPHCM gần như là địa phương duy nhất có trợ cấp văn bằng cho công việc này, nhưng con số này chỉ mang tính tình cảm, động viên, chứ chưa thể góp phần căn cơ vào việc hỗ trợ đời sống của những người làm bảo tàng. Có những bảo tàng có nguồn thu tốt, thì nguồn trợ cấp này ổn. Nhưng cũng có những bảo tàng nguồn thu rất thấp, nên con số này cũng tỉ lệ thuận.
Khi cơm áo gạo tiền đè nặng lên cán bộ, sẽ làm giảm bớt sự sáng tạo. Cần tạo điều kiện thêm cho cán bộ tăng thu nhập, chẳng hạn với những ai có khả năng giảng dạy thì tạo điều kiện giảng dạy, hợp tác làm cố vấn cho bảo tàng ngoài công lập…
Việc cùng học hỏi, nâng đỡ lẫn nhau giữa cán bộ trong bảo tàng cũng là điều rất quan trọng. Có những bảo tàng lương không cao nhưng vẫn có người tình nguyện gắn bó cả đời. Vì thế, môi trường làm việc nên tạo cho họ cảm giác như
gia đình.
* Xin cảm ơn bà.
Thành Lâm (thực hiện)