Khoảng trống khó lấp đầy

15/09/2015 - 15:17

PNO - Nhạc sĩ Trần Quang Huy qua đời, tin buồn ngập tràn trên các báo. Ít ai biết, nó để lại cơn bàng hoàng, cô độc cho người bạn đời của ông.

Khoang trong kho lap day
Vợ chồng nhạc sĩ Trần Quang Huy thời ông còn sống

“Cô con gái" của chồng

Là tiểu thư mê ca hát trong một gia đình khá giả ở Bà Rịa - Vũng Tàu, từ nhỏ, lòng ngưỡng mộ nhạc sĩ (NS) Trần Quang Huy đã âm thầm dấy lên giấc mơ trong Nguyễn Thị Thùy Dung.

Năm 1992, vừa bước sang tuổi 17, từ lời giới thiệu của người quen, Dung thu xếp chuyện học hành, quyết rời gia đình lên Sài Gòn tìm “thầy Huy” học nhạc.

“Vừa gặp đã... vỡ mộng”, Dung phì cười. Hồi đó, đến gõ cửa căn hộ trên lầu hai một khu chung cư cũ ở đường Nguyễn Huệ, chị đã mường tượng một Trần Quang Huy cao ráo, tóc mây lòa xòa trước đôi kính cận.

Chẳng ngờ, cửa mở, xuất hiện trước chị là một người đàn ông... ngoài 50, điềm tĩnh, nghiêm nghị, có phần xa cách. Tự dặn mình dè dặt, giữ mồm giữ miệng, vừa vào bên trong, “cam kết” đã tan tành trước lời gợi chuyện từ tốn, bao dung của ông nhạc sĩ.

 Cô bé 17 tuổi rôm rả bao nhiêu dự định, mơ ước, cả niềm ngưỡng mộ và những... hình dung viển vông về thầy. Sau hôm đó, chị được “đặc cách” tới lui nhà NS để học nhạc. Gọi “thầy” xưng “bé”, lại nhỏ nhắn, khờ khạo, những năm theo học, Dung trở thành học trò cưng, đứa con đỡ đầu hay được NS Trần Quang Huy dắt theo gặp gỡ bè bạn.

Tình thầy trò lặng lẽ chuyển thành tình yêu. Lòng yêu quý, tin tưởng và biết ơn NS không thắng nổi mối lo sợ về khoảng cách tuổi tác giữa hai thầy trò; ba mẹ Dung tìm mọi cách kín đáo cản ngăn. Một lần, được gọi về Vũng Tàu “có việc gấp”, chị bị ba mẹ giữ lại nửa tháng chỉ để... “cho vui”.

Mỗi lần gọi điện xuống tìm, Trần Quang Huy đều được lịch sự trả lời “Dung đi vắng”. Rồi lén gọi được cho thầy, vừa nghe giọng trầm ấm, từ tốn quen thuộc; cúp máy, Dung vội vã thu dọn quần áo, rành rọt xin phép bố mẹ cho trở lên Sài Gòn.

“Ngày kết hôn, nắm lấy tay thầy, tôi cảm giác như trong gia đình vừa xây nên này, tôi vừa là vợ, vừa được là con gái”, chị bồi hồi.

Bằng sự “mai mối” của chồng, chị bắt đầu dạy nhạc ở các lớp dành cho thiếu nhi, rồi dành phần lớn thời gian còn lại chăm sóc nhà cửa. Mỗi tuần, ngoài vài lần ra chợ, hay đến lớp, Dung hầu như không ra đường một mình.

Bao nhiêu năm, chị không thuộc nổi một con đường ngoài lộ trình quen thuộc, không có thêm một mối quan hệ riêng tư, cũng không ăn bữa cơm một mình. Hồi đó, nhà ở quận 1, lại thường xuyên quay chương trình ở những địa điểm xa trung tâm, nhưng cứ giờ trưa, NS Trần Quang Huy lại vội vã chạy về ăn cơm cùng vợ.

Có những lần, quay phim ở Thủ Đức nhưng cố tình không “cắt cơm”, trưa, vừa về đến nhà đã gần đến giờ vào làm lại, ông vội vã ngồi xuống cùng Dung, ăn chưa hết bữa cơm đã tất tả quay ngược lại chỗ làm.

Ở nhà, bất kể những lần phải làm việc đến tận... sáng hôm sau, cứ đến 10g tối, ông lại “trích” ra một giờ đồng hồ để vào trò chuyện cho đến khi vợ ngủ rồi mới lặng lẽ quay lại công việc.

Khoang trong kho lap day

Ngày chị sinh đứa con đầu lòng, “thầy” vẫn đang bề bộn công việc dù đã trên 60 tuổi. Ngày đầu sau sinh, bữa trưa, đang ở bệnh viện chờ người giúp việc, chị lại thấy chồng vội vã bước vào, mang theo một chiếc cà mên.

Sốt sắng dỡ phần cơm cùng món cá kho mặn tự tay nấu, ông tuyên bố “mới sinh xong phải ăn món này”, rồi ngồi sang một bên... canh chừng. Những ngày sau, ông giành lại từ tay người giúp việc mọi áo quần, yếm tã của em bé, rồi tự tay giặt hết.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI