Thế nhưng, đã gọi là “khoảng” thì chắc chắn là nó phải có giới hạn. Vậy, giới hạn của khoảng riêng trong đời sống vợ chồng là bao nhiêu?
Nhà báo Nguyễn Minh: Chúng tôi không xem điện thoại nhau, không kết bạn facebook
Hai vợ chồng tôi từ năm lớp 10 đều đã học xa nhà, tự bươn chải, nên tính tự lập rất cao. Năm 32 tuổi gặp nhau, bản tính đó vẫn không thay đổi, mỗi người vẫn giữ nhiều “cái riêng”. Vì thế khi quen nhau chúng tôi đã thỏa thuận ngoài khoảng chung, mỗi bên đều có quyền giữ cho mình những gì riêng tư thoải mái, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, nhưng đừng đi quá giới hạn.
|
Nhà báo Nguyễn Minh |
Trước khi cưới, chúng tôi đã lập ra một số quy ước: không xem điện thoại, laptop của nhau, có quyền đi chơi với bạn bè riêng, có quyền không kết nối và tương tác với nhau trên mạng xã hội như facebook, có quyền giữ cho mình những gì không cần nói cho đối phương… Chúng tôi cam kết tôn trọng những đam mê riêng của nhau: tôi mê truyền hình, vợ mê nghề dạy học.
Tôi mải miết với các chuyến đi, các chương trình mới, còn vợ miệt mài với học sinh và công việc trường lớp. Không gian riêng của vợ chồng tôi còn bao gồm cả vấn đề tài chính: tôi không hỏi lương vợ, vợ không hỏi tiền tôi dùng làm gì, mua gì…
Sau ba năm chung sống với những thỏa thuận này, thỉnh thoảng chúng tôi cũng tranh cãi vì tôi có vẻ “tự do quá”, còn vợ lại không có nhiều thời gian tận hưởng khoảng trời riêng. Tôi thấy phụ nữ hay thích đặt nguyên tắc nhưng rồi lại phạm nguyên tắc. Tôi chưa bao giờ khó chịu vì những ràng buộc và thỏa thuận.
Nhưng vợ thì đôi lúc khổ tâm vì cảm giác không kiểm soát được tôi. Tôi phải động viên vợ: “Em cứ đi chơi với bạn cho thoải mái, thích có thể về mẹ ở vài ngày, ngủ cho đã rồi dậy cũng được”… Bên cạnh đó, tôi phải tạo niềm tin cho cô ấy và may mắn lòng tin ấy chưa bị sứt mẻ nhiều nên chúng tôi vẫn còn giữ được khoảng trời riêng của mỗi người.
Trần Giao (nhân viên văn phòng): Gia đình không phải là ngục tù
|
Chị Trần Giao |
Vợ chồng không thể “cải tạo” hay “giáo dục” nhau như ở nhà tù hay trường học, mà đó là nơi dung hòa những con người có tính cách khác biệt, sở thích riêng, sống với nhau để hưởng thụ những cái chung một cách tự nguyện, thoải mái nhất.
Khi kết hôn, các cặp vợ chồng nên chấp nhận những điểm chưa hoàn hảo của đối phương, những thói quen, sở thích khác biệt hay còn gọi là… "khoảng trời riêng". Theo tôi, nếu tôn thờ chủ nghĩa tự do thì đừng kết hôn. Chấp nhận kết hôn là phải ý thức rõ ràng mọi thứ sẽ thay đổi, ngủ một mình thành “hai mình”, đi đâu cũng có đôi có cặp, suy nghĩ cũng nghĩ cho cả hai. Mà nếu đã “lời” gấp đôi như thế thì những thời khắc hoàn toàn tự do một mình trước đây là không thể tồn tại, phải chấp nhận thôi.
Ngược lại, có những người kết hôn xong bỗng dưng hy sinh tất cả những sở thích cá nhân để làm vừa lòng vợ hoặc chồng, tự ép bản thân và đòi hỏi kè kè bên cạnh nhau 24/24 giờ và cho rằng đó mới là gia đình hạnh phúc. Lâu dần họ bắt đầu thấy áp lực, ngột ngạt, ức chế rồi tiếc nuối thời độc thân son rỗi, tiếc nuối khoảng trời riêng của mình.
Giới hạn của khoảng trời riêng theo tôi nằm ở ý thức mỗi người trong việc xây dựng lòng tin trong nhau. Đừng nhân danh khoảng trời riêng để phục vụ cho những ham muốn nhất thời. Khoảng trời riêng không phải là những gì cần giấu diếm, thậm thò thậm thụt làm chuyện bí mật không cho vợ/chồng biết. Những “khoảng trời” kiểu đó sẽ khiến đối phương khó chấp nhận, dễ nảy sinh nghi ngờ, mâu thuẫn, rạn nứt.
Ngoài vấn đề tài chính, khoảng trời riêng khá quan trọng và cần được đối phương thấu hiểu cũng như chấp nhận. Chẳng hạn mỗi tuần một lần anh đi nhậu với đám bạn hoặc đồng nghiệp; còn em cà phê, dạo phố tán gẫu hay mua sắm. Cứ thẳng thắn thỏa thuận và tìm giải pháp để đôi bên cùng thoải mái.
Khi cả hai đã thống nhất thì phải tuân thủ. Phụ nữ thường hay xét đoán mọi việc bằng sự nhạy cảm và đôi khi điều đó dẫn dắt họ đến những nghi ngờ, kiểm soát, làm trái với những nguyên tắc được đề ra.
Nhà báo Dương Thảo Quỳnh Như: Khi lệch pha quá lớn, tôi chọn đơn thân
Là hai cá thể với những bản chất và tâm tư, sở thích, nghề nghiệp khác nhau, thậm chí giờ giấc, thói quen sinh hoạt cũng có khi lệch nhau... vì vậy, mỗi người cần có khoảng trời riêng để thỏa nguyện sở thích và phát triển năng lực, đam mê... Khi cả hai không hòa hợp, không hiểu nhau, không đồng cảm và không điều chỉnh cái tôi của mình, dung hòa cái riêng với cái chung, để có thể cảm nhận đồng điệu với nhau thì tù ngục của hôn nhân bắt đầu.
Sự ngột ngạt trong hôn nhân chỉ có khi một trong hai người xem trọng cái tôi quá lớn của mình, xem mình là nhất, buộc bạn đời phải đánh mất đi khoảng trời riêng, vui vẻ mà phục vụ cho ước muốn của cá nhân. Giới hạn của khoảng trời riêng chính là sự trung thực, tự nguyện thông tin cho nhau và tạo niềm tin cho nhau.
|
Nhà báo Dương Thảo Quỳnh Như |
Trong gia đình tôi trước kia, vấn đề này đã từng được thảo luận nhiều lần. Nhưng thời gian và môi trường làm việc, những mối quan hệ phát sinh trong những tình huống và không gian đặc biệt đã dần đẩy hai cá thể đi về hai hướng.
Tôi rất tôn trọng giá trị của gia đình, hy sinh chịu đựng vì gia đình. Nhưng dù có làm gì chăng nữa, nguyên tắc nào chăng nữa thì điều quan trọng nhất cũng là phải giữ cho nhau niềm tin, sự tôn trọng. Không thể nhân danh bất cứ điều gì, kể cả là khoảng trời riêng để che giấu sự ích kỷ, cách sống chỉ nghĩ đến bản thân mình. Sự lệch pha quá lớn giữa những quan niệm, cách sống, suy nghĩ khiến vấn đề không chỉ còn đơn giản là khoảng trời riêng nữa.
Cuối cùng, tôi đã chọn gánh vác đơn thân, chịu đựng sự thị phi một giai đoạn ngắn của cuộc đời, nhưng bù lại là được sống đúng những gì mình thích và cảm thấy tự tin, bản lĩnh, được trải nghiệm, được yêu thương và cho đi yêu thương với gia đình và những người cần đến sự góp sức của mình.
Song Văn
(Thực hiện)