"Khoảng trắng" văn học về loài vật

26/12/2016 - 07:17

PNO - Bàn chuyện văn học thiếu nhi, nhất là tác phẩm viết về loài vật, không mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ. Bởi thể loại này luôn thu hút trẻ nhỏ, nhưng có một khoảng trống nhiều năm qua.

Nhà văn Hàn Quốc Hwang Sun-mi vừa có chuyến sang Việt Nam giao lưu với độc giả Hà Nội và TP.HCM, nhân dịp giới thiệu bộ tác phẩm văn học thiếu nhi về loài vật của bà (được Nhã Nam chuyển ngữ và phát hành). Cô gà mái xổng chuồng, Chó xanh lông dài và Những người bạn ở thung lũng mặt trời mọc của Hwang Sun-mi trước khi đến Việt Nam là những tác phẩm được Bộ Giáo dục Hàn Quốc khuyến đọc tại nước này. Bên cạnh những hành trình phiêu lưu của các loài vật nuôi đến thế giới muông thú, mỗi cuốn sách đều để lại những bài học ngọt ngào, ý nghĩa về tình yêu thương.

Chính những giá trị tinh thần này mới là yếu tố giúp nhà văn Hwang Sun-mi nhận được nhiều giải thưởng văn học thiếu nhi trong nước. “Loài vật luôn gần gũi, thân thuộc với trẻ nhỏ, nhưng cũng lại là một thế giới bí mật mà các em muốn khám phá. Tôi luôn đưa các nhân vật loài vật vào tác phẩm của mình với tính tượng trưng rất cao.

Đời sống của động vật ngắn hơn con người, chúng cũng không biết nói. Những cảm xúc, tình yêu thương và ứng xử trong cộng đồng loài vật luôn có những nét tương đồng với con người. Động vật nếu biết cách khai thác, luôn có thể truyền tải những cảm xúc rất mạnh mẽ. Thế giới của trẻ em là thế giới của sự tưởng tượng, những câu chuyện về loài vật lúc nào cũng có sức thu hút các em” - nhà văn Hwang Sun-mi chia sẻ.

Cùng tham gia buổi trò chuyện, nhà văn Võ Diệu Thanh ưu tư: “Trẻ nhỏ ngày nay tiếp xúc với tác phẩm văn học rất ít, các em không có riêng một gu thẩm mỹ nào cả nên khi lớn lên luôn dễ dàng đọc những cuốn sách có thể đơn giản, thiếu chiều sâu. Nếu được đọc những cuốn sách hay từ sớm thì tư duy và thẩm mỹ của trẻ sẽ rất khác khi trưởng thành. Văn học về loài vật là một trong những cách tiếp cận dễ dàng với độc giả nhỏ tuổi”.

Ngoài nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với những cuốn sách như Xin lỗi mày, Tai To!, Tôi là Bê Tô, Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ, Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng… còn có một số nhà văn chú trọng khai thác thế giới loài vật cho trẻ nhỏ như nhà văn Trần Quốc Toàn, Võ Diệu Thanh và gần đây là các cây bút trẻ Võ Thu Hương, Đoàn Phương Huyền, Lê Hữu Nam, Nguyễn Thị Kim Hòa…

“Các em nhỏ luôn tò mò về thế giới loài vật, nếu có người kể những câu chuyện hay, lý giải được những “bí mật”, nhân cách hóa loài vật bằng ngôn ngữ, tình cảm, những cuộc phiêu lưu… sẽ luôn thu hút được các em” - tác giả Vũ Thị Thu Hằng, quản trị fanpage Giờ chơi đến rồi chia sẻ.

Nhà văn Võ Diệu Thanh nói thêm: “Đó là một thế giới cực kỳ phong phú. Độc giả nhỏ tuổi, nhất là các em sống ở đô thị lại càng cần có những cuốn sách khám phá thế giới muôn loài trong bối cảnh thiên nhiên đồng ruộng, hoang dã. Nhưng trên hết mỗi tác phẩm phải luôn gắn liền với những giá trị nhân văn, tinh thần và truyền tải những bài học giản dị, ý nghĩa về tình yêu thương và cuộc sống”.

Đường đi chung của phần lớn những cuốn sách viết về loài vật - bất cứ hình tượng nhân vật nào - thường theo môtíp khởi nguồn bằng cuộc phiêu lưu. Hành trình nào cũng mạo hiểm, chông gai để từ đó khám phá những điều kỳ diệu của thế giới. Mỗi nhà văn một cách kể. Mỗi câu chuyện mở ra những không gian khác biệt, chinh phục độc giả nhí.

Cùng thời điểm những tác phẩm của nhà văn Hwang Sun-mi được giới thiệu, cây bút trẻ Lê Hữu Nam gửi đến độc giả nhỏ tuổi câu chuyện Cuộc phiêu lưu kỳ thú của Ếch Xanh phiên bản mới do Sài Gòn Books và NXB Hội Nhà văn ấn hành. Sau Mật ngữ rừng xanh - tác phẩm được trao giải Nhà văn trẻ Hội Nhà văn TP.HCM 2015, Cuộc phiêu lưu kỳ thú của Ếch Xanh là món quà ý nghĩa khác của Lê Hữu Nam dành cho thiếu nhi.

“Tôi cũng đang ấp ủ viết câu chuyện về cuộc phiêu lưu của chú chó dẫn đường cho người mù. Các tác phẩm văn học viết về loài vật hiện nay rất ít, trong khi thông qua hình ảnh nhân vật loài vật, chúng ta có thể phản ánh được rất nhiều điều tồn tại trong cuộc sống của thế giới loài người” - Lê Hữu Nam chia sẻ.

Tác phẩm về loài vật luôn được quan tâm, nhưng cũng là một thử thách với người cầm bút. Nhà văn Trần Quốc Toàn cho rằng, người viết phải có óc quan sát tinh tế, một trái tim yêu động vật và trẻ nhỏ. Bởi thế, ngoài những tác phẩm văn học có giá trị vượt thời gian, gần đây, hình tượng nhân vật về loài vật nói riêng và tác phẩm dành cho thiếu nhi gần như là một “khoảng trắng” trong văn học Việt. "Khoảng trắng" đó, dù lạc quan đến mấy cũng phải thấy rằng không dễ lấp đầy.

Song Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI