Sự bất bình đẳng được lồng ghép tinh tế
Không hẹn mà gặp những dự án phim truyền hình cho đến điện ảnh gây được tiếng vang của xứ kim chi gần đây như Ký sinh trùng, Lâu đài tham vọng hay mới đây nhất là Cuộc chiến thượng lưu… đều có điểm chung là đi sâu khai thác, phản ánh sự phân biệt giàu nghèo ngày càng sâu sắc trong nền kinh tế lớn thứ 4 của châu Á. Trong những cảnh quay, sự thật trần trụi được bóc trần khiến người xem không khỏi rùng mình.
Không phải ngẫu nhiên Ký sinh trùng lập nên kỳ tích lịch sử khi trở thành bộ phim nói tiếng nước ngoài đầu tiên thắng giải Phim hay nhất của lễ trao giải Oscar 2020. Tác phẩm đã lay động trái tim của hàng triệu khán giả trên khắp thế giới với một câu chuyện độc đáo, qua đó phê phán gay gắt về những vấn đề nhức nhối trong giáo dục và sự bất bình đẳng vẫn tồn tại trong xã hội hiện đại của Hàn Quốc.
|
Hình ảnh đối lập về sự nghèo khó và xa hoa tại thủ đô Seoul trong "Ký sinh trùng". |
Sau khi phim ra mắt, đông đảo người dân Hàn Quốc còn tự nhận mình “những chiếc thìa bẩn”, những người sinh ra trong các gia đình có thu nhập thấp, trái ngược với “những chiếc thìa vàng”, những người xuất thân từ những gia tộc trâm anh thế phiệt.
Đạo diễn Bong Joon-ho đã sử dụng nhiều phân cảnh đối lập, quen thuộc xung quanh thủ đô Seoul để làm nổi bật sự phân chia giai cấp, những mối quan hệ “ký sinh” giữa người giàu và người nghèo. Khi những khu ổ chuột đổ nát (mà ở đó một trận mưa lớn cũng đủ để san phẳng khu vực này) tương phản với cuộc sống của những căn hộ áp mái sang trọng.
Trong khi đó, Cuộc chiến thượng lưu - bộ phim gây sốt cuối năm 2020 - cũng không hề kém cạnh, thậm chí còn mô tả sâu sắc khoảng cách giàu nghèo. Căn hộ áp mái 100 tầng tráng lệ mở đầu bộ phim, có tên gọi là The Penhouse đã chứa đựng thông điệp của nữ biên kịch Kim Soon Ok. The Penhouse là hình ảnh ẩn dụ vừa đại diện cho khát vọng giàu sang, vừa thể hiện cho sự phân tầng giàu nghèo ở xứ kim chi.
Theo New York Times, trong xã hội Hàn Quốc, người ta cho rằng có những ranh giới không thể vượt qua và những ranh giới không nên vượt qua. Đó chính là khoảng cách giàu-nghèo.
|
Khu nhà ổ chuột trong "Ký sinh trùng". |
Từ “ký sinh'” là một từ tiêu cực thể hiện sự khinh miệt, nhưng nếu dùng từ “chung sống” sẽ mang đến biểu hiện tích cực hơn. Tôi đã tạo ra một bối cảnh đặc biệt, trong đó người giàu và người nghèo, những người thường không tiếp xúc với nhau lại tương tác chặt chẽ với nhau" - đạo diễn Bong Joon-ho trả lời phỏng vấn Nikkei về ý tưởng làm Ký sinh trùng.
Nhưng ngay cả khi mọi người cùng tồn tại thì gia đình Ki Taek (Song Kang Ho thủ vai) trong Ký sinh trùng hay mẹ con Oh Yoon Hee (Eugene) trong Cuộc chiến thượng lưu cũng không thể rũ bỏ lớp vỏ bọc nghèo khó. Dù diện những trang phục đắt tiền hay chen chân vào sống trong lâu đài xa hoa thì “mùi hương” của cái nghèo, một mô tuýp thường thấy trong phim, và cung cách cư xử cũng không thể nào che giấu được sự thật về xuất thân của họ.
Hiện thực nghiệt ngã
Xem Ký sinh trùng và Cuộc chiến thượng lưu không ít khán giả thảng thốt và nhăn mặt vì những bất công mà các nhân vật yếu thế trong phim phải chịu chỉ vì xuất thân “thấp kém”, đồng thời còn hoài nghi về tính chân thực của tác phẩm. Tuy nhiên với người dân Hàn Quốc thì họ lại cho rằng đó là thực tế mà họ đã trải qua trong nhiều năm.
Kim Chang-hwan (35 tuổi), một cư dân Seoul, nói với Reuters: “Bộ phim (Ký sinh trùng) đã tạo ra nhiều cảm xúc lẫn lộn khi đánh vào một điểm nhức nhối trong xã hội về sự chia rẽ giữa người giàu với người nghèo.”
|
Cái chết tức tưởi của nhân vật Min Seol Ah trong "Cuộc chiến thượng lưu". |
Theo Reuters, khảo sát năm 2019 của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc cho thấy hơn 85% người dân được hỏi cảm thấy có khoảng cách thu nhập "rất lớn" trong xã hội và để thành công thì mọi người cần phải xuất thân từ một gia đình giàu có.
Tương tự, theo thông tin từ cơ sở dữ liệu về bất bình đẳng thế giới, 1% người giàu có Hàn Quốc chiếm khoảng 25% tài sản của quốc gia, trong khi một nửa dân số dưới cùng chỉ sở hữu dưới 2%. Cụ thể, nếu Hàn Quốc là một đất nước 100 người và sự giàu có được chia thành chiếc bánh 100 lát, thì người giàu nhất sẽ nhận được tất cả 25 lát, trong khi 50 người nghèo nhất sẽ phải chia hai lát trong số đó.
Bất chấp quá trình toàn cầu hóa nhanh chóng, nhiều người dân xứ kim chi vẫn phải sống dưới lòng đất, các tầng hầm ẩm thấp giống như những nhân vật chính trong tác phẩm Ký sinh trùng.
Ngoài sự bất bình đẳng thì vấn đề giáo dục còn tạo thành một điểm tiếp xúc giữa những người giàu có và nghèo khổ trong Ký sinh trùng lẫn Cuộc chiến thượng lưu. Bộ phim đoạt giải Oscar mô tả hai anh em nghèo khó, phải làm giả bằng cấp đã trở thành gia sư cho một gia đình giàu có.
Trong khi cô bé xấu số Min Seol Ah phải khai gian tuổi dạy học cho các thiếu gia, tiểu thư con nhà giàu để kiếm tiền đi học. Nhưng chỉ vì quá giỏi, không có bệ đỡ mà vẫn thi đỗ vào trường âm nhạc hàng đầu với số điểm thủ khoa khiến những trâm anh thế phiệt tức giận, bắt nhốt và hành hạ cô một cách tàn nhẫn.
|
Hội con nhà giàu bắt nạt Min Seol Ah. |
Những thực tế trên được các biên kịch cải biên, thêm thắt một số tình tiết dựa trên vụ án gian lận tuyển sinh chấn động của gia đình cựu Bộ trưởng Tư pháp Cho Kuk bị phanh phui giữa năm 2020. Theo đó, vợ chồng ông Cho Kuk đã làm giả chứng chỉ thực tập cho con gái, khai man nữ sinh từng tham gia một hội nghị học thuật quốc tế tổ chức tại trường Luật, thuộc Đại học Quốc gia Seoul (SNU) vào tháng 5/2009, để con gái mình được nhận vào trường Y.
Sự việc đã gây nên làn sóng bức xúc trong dư luận, khi con cái của các hộ gia đình có thu nhập trung bình, phải nỗ lực ngày đêm để luyện thi ở trường, còn những gia đình giàu có lợi dụng chức quyền và quen biết để lo lót cho con đi “cửa sau”.
Chung Thu Hương