PNO - Theo thống kê chưa đầy đủ tới sáng 6/3, Đại sứ quán Việt Nam tại Romania phối hợp với Hội người Việt Nam tại Romania cùng nhiều hội đoàn khác của người Việt ở nước này đã đón và tiến hành công tác hỗ trợ cho khoảng 800 người Việt Nam sơ tán từ Ukraine sang Romania.
Người Việt sơ tán từ Ukraine tới Nhà ga chính ở thủ đô Bucarest, Romania. Ảnh: TTXVN
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Ukraine, dòng người chạy sang các nước láng giềng lánh nạn đang tiếp tục gia tăng, trong đó có hàng nghìn người Việt. Trong những ngày qua, rất nhiều nhóm người Việt, từ nhóm nhỏ vài người tới nhóm trên 100 người, đã tìm cách sơ tán từ các điểm nóng chiến sự ở Ukraine để sang Moldova và từ đây tìm cách vào Romania. Theo số liệu cập nhật chưa đầy đủ tới sáng 6/3, có khoảng 800 người Việt từ Ukraine sơ tán an toàn sang Romania. Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn do nhiều bà con không liên hệ với Đại sứ quán hay các hội người Việt ở Romania.
Trước đó, đêm 2 rạng sáng 3/3, Đại sứ Việt Nam tại Romania Đặng Trần Phong cùng một số cán bộ sứ quán và ông Phạm Duy Hưng - Phó Chủ tịch thường trực Hội người Việt Nam tại Romania - đã tới Moldova làm việc với đại diện Bộ Ngoại giao nước này để đón và đưa trực tiếp 120 bà con người Việt từ Moldova về Romania, chuẩn bị chờ chuyến bay thẳng từ thủ đô Bucarest về Hà Nội. Trong chuyến "giải cứu" đầu tiên theo nhiều hướng, Đại sứ quán đã hỗ trợ đưa tổng cộng 190 bà con từ Moldova về Romania an toàn. Cho tới nay, Đại sứ quán và Hội người Việt tại Romania đã tổ chức đón và hỗ trợ các điều kiện sinh hoạt cần thiết cho hàng trăm bà con người Việt từ Ukraine nhập cảnh Romania để chờ về Việt Nam hoặc sang nước khác.
Tại Nhà ga chính ở thủ đô Bucarest cho tới nay đã có hàng trăm bà con người Việt tới đây bằng xe buýt, tàu hoặc phương tiện khác. Tham gia hỗ trợ người Việt sơ tán, em Trần Văn Lực - Nghiên cứu sinh tại Đại học Bucarest, cho biết từ khi có người Việt di tản từ Ukraine sang Romania đã có sự hỗ trợ từ rất nhiều nguồn do Đại sứ quán điều phối và phối hợp với các hội đoàn người Việt ở Romania tổ chức. Ngoài ra, người Việt di tản cũng vào các mạng xã hội kêu gọi hỗ trợ từ cộng đồng người Việt tại Romania. Lực cũng cho hay người Việt di tản từ Ukraine sang Romania cũng có nhiều đích đến khác nhau, có thể tới nhà người thân và bạn bè tạm lánh nạn chiến tranh, có thể chờ chuyến bay về Việt Nam và cũng có thể đi sang nước châu Âu khác.
Tuy nhiên, những người Lực đã tiếp xúc thông qua hoạt động hỗ trợ phần lớn nhập cảnh Romania để sang các nước khác. Hội sinh viên Việt Nam tại Romania, với thành phần nòng cốt là sinh viên đang học tập tại Bucarest, cũng tham gia tích cực hỗ trợ Hội người Việt trong các hoạt động trợ giúp bà con chạy nạn từ Ukraine. Lực xúc động chia sẻ: "Hoạt động tình nguyện xuất phát từ cái tâm của mỗi người. Khi hoạt động tình nguyện mới biết rõ nỗi vất vả mà bà con chạy nạn người Việt phải trải qua. Có trường hợp bé sơ sinh mới được một tháng tuổi cũng phải chạy nạn chiến tranh. Do vậy, mình có thể giúp được gì thì bản thân cảm thấy rất vui và sẽ cố gắng hết sức".
Để giúp thuận tiện trong việc nhập cảnh Romania, Đại sứ quán nước ta tại Romania cũng như Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đã thông báo trên các phương tiện thông tin cũng như các mạng xã hội những thông tin cần lưu ý khi bà con có ý định sơ tán sang Romania. Các trường hợp như vậy cần lưu ý chuẩn bị giấy tờ tùy thân, giấy tờ cư trú tại Ukraine, bao gồm địa chỉ cư trú, thông tin lịch trình, phương tiện di chuyển, nhập cảnh Romania... và đích đến (có thể là về Việt Nam, hoặc sang nước thứ ba). Công dân nước thứ ba nhập cảnh Romania được miễn thị thực cho mục đích quá cảnh và chính quyền Romania sẽ hỗ trợ cho người sơ tán từ Ukraine nơi ở tạm, thức ăn và y tế trong 48 giờ đầu.
Theo Đại sứ Đặng Trần Phong, phía Moldova chỉ chủ trương hỗ trợ phương tiện vận chuyển tới các cửa khẩu biên giới và người lánh nạn phải tự tìm phương tiện đi qua cửa khẩu và di chuyển sang nước thứ ba. Trong khi đó, bà con sơ tán có rất nhiều trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người đau ốm, có người không còn giấy tờ tùy thân, không có tiền bạc, do vậy Đại sứ đã can thiệp trực tiếp để đón các trường hợp này về Bucarest. Với phương châm hành động quyết liệt và "khó đâu gỡ đấy", Đại sứ Đặng Trần Phong đã trực tiếp tới tận nơi hoặc liên hệ để giải quyết cho tất cả các trường hợp có nhu cầu sơ tán sang Romania. Mọi thủ tục được nhanh chóng giải quyết và không có công dân nào bị mắc kẹt ở lại.
Nhìn vào khối lượng công việc mà Đại sứ quán Việt Nam tại Romania cũng như các hội đoàn người Việt tại Romania đã làm cho tới nay mới thấm tình đồng bào nơi xứ người, mới thấy rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tới bà con đang gặp nguy nan do phải chạy sơ tán chiến sự từ Ukraine. Không chỉ Đại sứ quán Romania, mà tất cả các đại sứ quán của nước ta tại các nước lân cận như Ba Lan, Hungary, Slovakia, Moldova.... cũng đang hoạt động tới 200% công suất để hỗ trợ đón bà con sơ tán từ Ukraine, dành ưu tiên cao nhất cho công tác bảo hộ công dân, bảo vệ an toàn tối đa tính mạng, tài sản, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân và pháp nhân Việt Nam. Cũng trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam và thành viên gia đình về nước theo nguyện vọng.
Dự kiến trước mắt sẽ có một chuyến bay từ Romania (ngày 7/3) và một chuyến từ Ba Lan (ngày 8/3) về Hà Nội. Bộ Ngoại giao sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục triển khai việc sơ tán người Việt và thành viên gia đình khỏi khu vực nguy hiểm tại Ukraine, đưa sang các nước láng giềng và đưa những người có nhu cầu về nước.
Số liệu chính thức của giới chức Romania cho thấy kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine bùng nổ cho tới ngày 5/3, đã có trên 170.000 người từ Ukraine tới Romania lánh nạn.
Những người sơ tán tới Romania chủ yếu từ các điểm nóng chiến sự ở Ukraine khu vực xung quanh thủ đô Kiev, phía Nam và Đông Nam Ukraine. Họ có thể đi trực tiếp tới khu vực biên giới với Romania bằng nhiều cách, nhưng đa số vào Moldova, rồi từ đây đi tàu hoặc xe buýt sang Romania.
Gara de Nord - nhà ga chính ở thủ đô Bucarest của Romania là một trong những điểm chính đón người sơ tán từ Ukraine. Chính quyền thủ đô Bucarest đã thiết lập một điểm điều phối hoạt động liên tục tại nhà ga này. Ngoài những chuyến tàu, hằng ngày có rất nhiều những chiếc xe buýt và các phương tiện cá nhân khác đưa người sơ tán tới điểm điều phối ở nhà ga thủ đô. Cảnh sát cùng lực lượng hỗ trợ, tình nguyện viên có mặt tại chỗ để giúp người di tản tìm các nơi tạm trú hoặc các điểm tiếp nhận người tị nạn do các đơn vị tổ chức tham gia hỗ trợ nhân đạo lập ra. Bên cạnh đó, người di tản cũng có thể được hỗ trợ đưa tới sân bay Otepeni để bay sang các nước khác.
Để hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo do cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Hội Chữ thập đỏ Romania - một thành viên của Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, đã cung cấp viện trợ cho dân thường đến Romania cũng như cho những người vẫn còn ở Ukraine. Họ cung cấp thực phẩm, thuốc men, vật tư y tế, chăn màn, sản phẩm vệ sinh, nước và thậm chí cả máy phát điện đến một số điểm ở Ukraine.
Đối với những người Ukraine nhập cảnh, Hội chữ thập đỏ dựng lều tại các điểm qua biên giới, cung cấp nước uống, thực phẩm và một số đồ thiết yếu cho người di tản. Các tình nguyện viên từ các chi hội Chữ thập đỏ trong cả nước cũng được huy động để hỗ trợ người di tản tại khu vực biên giới và các điểm có đông người di tản tập kết. Nhà chức trách Romania cam kết làm tất cả những gì có thể để đảm bảo việc tiếp nhận người di tản diễn ra suôn sẻ.
Chính quyền địa phương cho biết, ít nhất 38 người đã thiệt mạng sau tai nạn giao thông "thảm khốc" giữa xe buýt và xe tải ở bang Minas Gerais của Brazil.