Khoảng 40% doanh nghiệp vật liệu xây dựng không thể hoạt động

29/03/2023 - 14:01

PNO - Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM thực hiện trong tháng 3/2023, tình trạng thiếu vốn, nhu cầu sụt giảm... là nguyên nhân khiến hàng loạt doanh nghiệp dệt may, cơ khí, xây dựng, chế biến... tại TPHCM gặp khó khăn nghiêm trọng.

 

Doanh nghiệp chế biến thực phẩm gặp nhiều khó khăn do tiêu thụ xuất khẩu, nội địa giảm (hình minh họa)
Doanh nghiệp chế biến thực phẩm gặp nhiều khó khăn do tiêu thụ xuất khẩu, nội địa giảm (hình minh họa)

Cụ thể, doanh số ngành chế biến lương thực thực phẩm giảm khoảng 2% do tiêu thụ xuất khẩu, nội địa đều giảm. Đà sụt giảm trong quý II/2023 của ngành này được dự báo khoảng 4,07%.

Kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may giảm trên 8% so với cùng kỳ 2022. Doanh nghiệp (DN) bị thiếu hụt dòng tiền, không tiếp cận được vốn vay; ngành cơ khí điện đơn hàng cũng giảm mạnh, thậm chí có DN giảm đến 50%. Đơn hàng nội địa xuất khẩu tại chỗ cũng giảm từ 30% - 40%. Các DN Việt Nam bị cạnh tranh khốc liệt bởi các doanh nghiệp FDI, nhất là DN nhỏ và vừa, phải giảm giờ làm, cắt giảm lao động nhằm tiết giảm chi phí sản xuất để tồn tại.

Ngành xây dựng công nghiệp cũng gặp khó khăn do nhu cầu giảm, lãi suất cao. Bên cạnh đó, tiêu chí phòng cháy chữa cháy không rõ ràng, chưa thống nhất, nhiều dự án không hoàn công được, không có giấy phép, không thể sử dụng thế chấp vay vốn...

Ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ giảm xuất khẩu khoảng 15%; trong đó các sản phẩm dăm, viên nén, pallet; đồ gỗ giảm đến 45%. Thị trường nội địa cũng không khả quan khi sản phẩm nội thất các dự án đóng băng hoàn toàn về công việc và dòng tiền; hoạt động bán lẻ cũng sụt giảm mạnh.

tiêu thụ nội địa giảm sâu do  sức mua yếu mặc dù Sở Công thương TP và các doanh nghiệp thúc đẩy các chương trình  kích cầu nhưng không mấy khả quan
Tiêu thụ nội địa giảm sâu do sức mua yếu mặc dù Sở Công thương TP và các doanh nghiệp thúc đẩy các chương trình kích cầu nhưng không mấy khả quan - Ảnh: Nguyễn Cẩm

Ngành du lịch gặp khó khăn do thiếu hụt lao động; Bất động sản thì "đóng băng" do DN thiếu hụt dòng tiền gây ảnh hưởng dây chuyền trong chuỗi cung ứng, thiếu tiền trả cho nhà thầu, trả cho trái chủ, trả lãi ngân hàng, trả lương cho người lao động…Đặc biệt, ngành vật liệu xây dựng hiện có khoảng 40% DN trong tình trạng không hoạt động được, khả năng đến cuối năm 2023 sẽ có nhiều DN phá sản nếu không có gì thay đổi.

Hiệp hội DN TPHCM đề xuất Chính phủ cần có những giải pháp tháo gỡ như: đánh giá giá trị tài sản thế chấp theo giá thị trường, tăng tỷ lệ đảm bảo của tài sản thế chấp, cho phép thế chấp tài sản đất thuê hàng năm, thí điểm cho vay tín chấp và tăng giá trị thế chấp bằng đất nông nghiệp.

Đơn vị này cũng kiến nghị ngân hàng Nhà nước có giải pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho DN, hạ lãi suất vay... giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn. Thành phố xem xét khơi thông lại chương trình kích cầu đầu tư nhằm giải cứu cho DN đã tham gia mà không được giải ngân; thúc đẩy phát triển du lịch, an sinh xã hội; đào tạo nghề... Song song đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, đầu tư công, xúc tiến thương mại và hỗ trợ bán hàng; kiểm soát hàng gian, hàng giả, gian lận thương mại...

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI