Khoảng 15 triệu người Việt Nam mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp

08/11/2024 - 16:41

PNO - Đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng tình trạng sức khỏe tâm thần của người dân lên gấp 3 lần so với trước đại dịch, nhưng chưa được quan tâm đúng mức.

Tại Việt Nam, các nghiên cứu tổng hợp cho thấy hiện nay tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp (trầm cảm, lo âu, rối loạn giấc ngủ, tâm thần phân liệt...) là 14,9% dân số, tương đương khoảng 15 triệu người và hàng chục triệu người khác đang đối diện với các nguy cơ và ứng phó với khủng hoảng về sức khỏe tâm thần.

TS Lê Hoàng Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH & NV (ĐHQG TPHCM) phát biểu khai mạc hội thảo quốc tế
TS Lê Hoàng Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH & NV (ĐHQG TPHCM) - phát biểu khai mạc hội thảo quốc tế. Ảnh: Diệu Hiền

Trên đây là số liệu được nêu ra tại Hội thảo quốc tế “Thúc đẩy sức khỏe tâm thần cộng đồng: Những đóng góp đa ngành” được tổ chức tại Trường ĐH KHXH & NV (ĐHQG TPHCM) ngày 8/11.

Hội thảo do Trường ĐH KHXH & NV (ĐHQG TPHCM) và Trường ĐH Khoa học Sức khỏe (ĐHQG TPHCM), Viện Y Dược học Dân tộc TPHCM, Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam, Chương trình Hợp tác Bệnh viện, GIZ (Cộng hòa Liên bang Đức) phối hợp tổ chức.

Hội thảo thu hút trên 600 người tham dự và nhận được gần 70 bài báo khoa học của các tác giả trong và ngoài nước.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới vào năm 2023, đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng tình trạng sức khỏe tâm thần của người dân lên gấp 3 lần so với trước đại dịch.

Mặc dù vậy, công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần ở nước ta vẫn còn nhiều thách thức và hạn chế.

Mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần vẫn chú trọng đến điều trị tại các trung tâm, bệnh viện chuyên khoa chứ chưa mở rộng các hoạt động phòng ngừa và phục hồi chức năng tâm thần.

Thiếu sự kết nối chặt chẽ giữa các lĩnh vực/ ngành trong chăm sóc sức khỏe tâm thần theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Nhận thức của người dân và kể cả nhân viên y tế về sức khỏe tâm thần vẫn còn nhiều hạn chế, định kiến.

Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, nhất là từ các tuyến cơ sở, các trường học, công ty còn rất thiếu và yếu. Nguồn nhân lực trong chăm sóc sức khỏe tâm thần gặp rất nhiều khủng hoảng, thiếu cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là các bác sĩ tâm thần, các nhà tâm lý và nhân viên công tác xã hội...

Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI