Khoảng 1/3 dân số Việt Nam tham gia thương mại điện tử

28/04/2019 - 11:46

PNO - Số lượng người tiêu dùng Việt Nam mua hàng qua các kênh bán hàng trực tuyến (online) tăng mạnh nhưng tình trạng mua phải hàng giả, hàng nhái vẫn còn phổ biến.

Tại hội thảo “Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử (TMĐT)” do Cục TMĐT và Kinh tế số phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (đều thuộc Bộ Công thương) tổ chức tại TP.HCM ngày 25/4, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - cho hay, từ năm 2016-2018, đơn vị này nhận được 150 đơn khiếu nại của người tiêu dùng.

Đó là những đơn chính thức, còn nếu tính cả những thông tin phản ánh qua tổng đài hỏi đáp, tư vấn liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng thì số khiếu nại còn nhiều hơn.

Trong năm 2018, đã có 35.943 sản phẩm được gỡ bỏ khỏi các sàn TMĐT, khoảng 3.100 gian hàng trên sàn bị khóa và gần 2.800 phản ánh của người tiêu dùng được xử lý. Đây chỉ là con số thống kê được trên các sàn TMĐT lớn, nếu mở rộng thống kê, con số này còn cao 
hơn nữa.

Khoang 1/3 dan so Viet Nam tham gia thuong mai dien tu
 

Ông Nguyễn Hữu Tuấn - đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số - cho rằng, TMĐT đang phát triển nhanh tại nước ta, nhưng kênh thương mại này vẫn trong giai đoạn sơ khai. Do đó, còn khá nhiều người tiêu dùng mơ hồ trong các giao dịch, dẫn đến những bất cập và tranh chấp giữa người mua và các sàn TMĐT. Những hành vi gian lận thương mại phổ biến là người bán cung cấp thông tin không đầy đủ, chính xác về thành phần, nguồn gốc, tính năng hàng hóa, dịch vụ, không thực hiện trách nhiệm cung cấp hóa đơn, chứng từ giao dịch, vi phạm trách nhiệm về bảo hành, giao nhận hoặc đổi trả hàng hóa, ngoài ra còn hủy đơn hàng không lý do…

Thêm vào đó, các quy định pháp luật về TMĐT hiện chưa hoàn thiện, việc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi như phân tán lô hàng hóa ở nhiều kho gây khó khăn cho việc điều tra, thu hồi và quản lý. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp, nhà sản xuất còn có suy nghĩ rằng, quản lý hàng giả, hàng nhái là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, nên đã buông lỏng khâu tự kiểm tra. Ông Tuấn cũng thừa nhận, đội ngũ cán bộ thực thi công vụ còn thiếu kinh nghiệm chuyên môn, kỹ thuật để nhận biết hàng giả, hàng nhái. Ngoài ra, thói quen của đa số người tiêu dùng là ham rẻ, thích hàng nhái thương hiệu nổi tiếng hoặc chưa đủ kỹ năng để nhận biết cũng góp phần gây khó khăn cho việc chống hàng giả, 
hàng nhái.

Theo đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số, tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam là từ 25 - 30%/năm và dự kiến trong năm 2020, sẽ đạt đến mức hơn 40%. Hiện có khoảng 1/3 dân số, tức 30 triệu người Việt Nam đã tham gia mua hàng trên mạng. Riêng trong năm 2018, ước tính chi tiêu của mỗi cá nhân cho TMĐT là 208 USD, góp phần đưa doanh số của thị phần này lên xấp xỉ 8 tỷ USD. 

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI