Khoác áo mới cho các nhân vật trong văn học dân gian

22/07/2024 - 07:58

PNO - Trong phim "Con Cám" ra rạp vào tháng Chín tới, Cám trong truyện cổ "Tấm Cám" trở thành nhân vật chính, hoàng tử được “thăng hạng” thành thái tử. Thay chất cổ tích trong truyện gốc bằng chất kinh dị, kỳ ảo là cách mà một số nhà làm phim đã và đang áp dụng để tạo ra các tác phẩm mới.

Theo những thông tin được tiết lộ, Con Cám (đạo diễn Trần Hữu Tấn) là phim điện ảnh kinh dị đẫm máu. Thay vì Tấm thì Cám - em gái cùng cha khác mẹ của Tấm - sẽ là nhân vật trung tâm, hoàng tử trong truyện cổ tích Tấm Cám sẽ là thái tử để nâng mức độ tin tưởng của vua cha về việc truyền ngôi. Những thông tin ban đầu này đã gây tò mò cho người xem.

Đạo diễn Trần Hữu Tấn lý giải, Tấm Cám đã quá quen thuộc với người dân Việt Nam, gần như ai cũng nhớ như in những tình tiết trong câu chuyện cổ tích này: “Vì vậy, khi làm phiên bản Tấm Cám kinh dị, tôi nghĩ mọi người đang tò mò, mong đợi dị bản này sẽ được kể như thế nào và có những điểm mới lạ ra sao so với nguyên tác. Trước khi bắt tay làm phim, tôi cũng đã nghiên cứu, tìm hiểu nhiều dị bản khuyết danh về Tấm Cám. Sau phim Con Cám, tôi dự định làm tiếp phim khác với cảm hứng từ truyện dân gian”.

Tấm Cám: Chuyện chưa kể là tác phẩm hiếm hoi ăn khách khi làm về nhân vật cổ tích
Tấm Cám: Chuyện chưa kể là tác phẩm hiếm hoi ăn khách khi làm về nhân vật cổ tích

Với Con Cám, đây là lần thứ hai, điện ảnh Việt có tác phẩm lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích này, sau Tấm Cám: Chuyện chưa kể của đạo diễn Ngô Thanh Vân năm 2016. Trước chị em Tấm Cám, các nhân vật trong truyện cổ tích, giai thoại dân gian như thằng Bờm, Thạch Sanh, Trạng Quỳnh cũng đã được dựng thành phim.

So với truyền hình, điện ảnh ít có tác phẩm về những nhân vật dân gian, truyền kỳ do tốn kém kinh phí. Khi bỏ tiền ra rạp xem, khán giả cũng có đòi hỏi khắt khe hơn về tính sáng tạo, tính nghệ thuật của nhà làm phim. Để đưa một nhân vật dân gian lên màn ảnh rộng, ê kíp làm phim phải cải biên khéo léo để không đối kháng với ký ức tập thể về nhân vật, không gây sốc cho người xem. Đã từng có những phim cải biên nhân vật quá đà khiến khán giả thấy xa lạ. Như trong phim Cuộc chiến với chằn tinh, tình tiết nhân vật Thạch Sanh được sinh ra từ hòn đá khiến khán giả ngã ngửa, cho rằng Thạch Sanh giống Tôn Ngộ Không.

Trong phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể, thái tử bị biến thành quái vật không khác gì trong câu chuyện Người đẹp và quái vật của điện ảnh Hollywood. Trong phim Trạng Quỳnh, không thấy đâu một ông trạng thông minh xuất chúng như những giai thoại trong dân gian mà chỉ thấy một chàng trai ngốc nghếch, tài ứng biến, phá án thua cả đứa con nít, lại còn thô thiển, kém đạo đức khi mang cơ thể người con gái mình yêu ra bàn luận với kẻ rắp tâm làm nhục cô.

Điện ảnh Việt gần đây tạo được dấu ấn riêng bằng tính bản địa đậm đặc. Kho tàng văn hóa dân gian vẫn còn nhiều nhân vật hay để khai thác. So với những nguyên mẫu lịch sử có thật, làm phim về các nhân vật trong chuyện kể dân gian có lợi thế về vấn đề bản quyền, không bị giới hạn về phạm vi sáng tạo.

Cái khó nhất của dòng phim này nằm ở chỗ làm mới các nhân vật như thế nào cho hấp dẫn mà vẫn đảm bảo yêu cầu về tính nghệ thuật, về giá trị chân, thiện, mỹ. Nếu phá cách đến mức làm biến dạng hồn cốt, tính cách, hình tượng nhân vật khiến khán giả quay lưng thì đó lại là thảm họa của nhà làm phim.

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI