Quay về “sân nhà”
Ông Nguyễn Ngọc Luận - người sáng lập và điều hành Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu (thương hiệu Meet More Coffee) - cho biết, từ tháng 9/2022, doanh số xuất khẩu cà phê đã chế biến và một số loại nông sản của công ty sụt giảm. Ông dự báo, hoạt động xuất khẩu của công ty sẽ khó khăn kéo dài đến giữa năm 2023 trong bối cảnh giá trị đồng euro, đô la Úc giảm mạnh so với USD, lạm phát tăng cao, lãi suất ngân hàng tăng. Gần 3 tháng qua, công ty của ông chuyển hướng, bán các sản phẩm cho thị trường nội địa.
Tương tự, 3 tháng qua, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hàng Việt (Viet Products) cũng gặp khó khăn về xuất khẩu nên dần chuyển hướng khai thác thị trường trong nước. Số đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu giảm hơn 60% so với những tháng đầu, 30% người lao động phải tạm nghỉ việc đã khiến công ty phát triển kênh bán hàng trong nước nhằm giải phóng hàng tồn, bảo đảm việc làm cho công nhân.
|
Ông Nguyễn Ngọc Luận (thứ ba từ phải qua) - nhà sáng lập thương hiệu Meet More - đang giới thiệu sản phẩm cho ông Dương Anh Đức (thứ hai từ phải qua) - Phó chủ tịch UBND TPHCM - tại hội chợ Triển lãm nuôi trồng, công nghệ chế biến nông, lâm, thủy sản, sản phẩm VietGAP, OCOP năm 2022 diễn ra hồi giữa tháng 12/2022 |
Theo ông Nguyễn Văn Sang - Giám đốc Viet Products - công ty đã xây dựng siêu thị ngoại thất rộng hơn 2.000m2 ở TP Thủ Đức, đẩy mạnh hợp tác với các nhà thầu xây dựng, các công ty phát triển bất động sản du lịch để tìm kiếm khách hàng, các kênh thương mại điện tử, chấp nhận giảm giá từ 20 - 70% để kích cầu tiêu dùng: “Hiện tỉ trọng xuất khẩu của công ty chiếm 70 - 80%. Chúng tôi đang cố gắng nâng tỉ lệ hàng phục vụ thị trường nội địa lên 40 - 50%”.
Ông Phạm Hải Long - Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Agrex Sài Gòn - cho hay, do đơn hàng và lượng hàng xuất khẩu giảm, công ty của ông quyết tâm đẩy mạnh kinh doanh trong nước, đưa hàng vào các bếp ăn nhà hàng, khách sạn. Do công ty đã có sẵn thị trường nội địa với thị phần khoảng 45% nên việc quay lại “sân nhà” dễ dàng hơn các doanh nghiệp (DN) khác. Hàng xuất khẩu có giá cao nên khi bán cho thị trường trong nước, công ty phải giảm giá, sản xuất thêm các mặt hàng phù hợp. Nhưng nhờ có việc làm và doanh thu, công ty vẫn giữ được công nhân.
Không dễ đưa hàng đến tay người tiêu dùng
Theo ông Nguyễn Ngọc Luận, khi quay về “sân nhà”, DN gặp khá nhiều khó khăn. Nhiều chuỗi bán lẻ ở Việt Nam hiện do các nhà đầu tư Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc nắm giữ nên họ ưu tiên đưa hàng của nước họ vào siêu thị. Sản phẩm của Công ty Toàn Cầu đã xuất khẩu sang 15 nước trên thế giới, trong đó có một số siêu thị lớn của Mỹ như Walmart và Costco nhưng lại không dễ đưa hàng vào siêu thị ở Việt Nam do vướng thủ tục pháp lý, các loại phí không tên, yêu cầu về giá. Thêm vào đó, tâm lý của nhiều người Việt là chuộng hàng ngoại. Do đó, nhiều DN Việt Nam phải chấp nhận kinh doanh theo kiểu tự phát.
Mâu thuẫn giữa chất lượng và giá bán Các sản phẩm Việt Nam chưa được người tiêu dùng biết đến nhiều do truyền thông còn mang tính chung chung, kiểu như “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Người tiêu dùng chưa biết ưu điểm nổi bật của sản phẩm đó là gì. Do đó, cần tập trung quy hoạch những DN nhỏ, hỗ trợ họ về mặt truyền thông, xúc tiến thương mại. Nếu sản phẩm nào đạt các tiêu chí thì tạo điều kiện để sản phẩm của họ vào siêu thị. Nhiều người tiêu dùng vẫn có định kiến rằng, chất lượng các sản phẩm do DN Việt Nam sản xuất không tốt và mặc định hàng Việt Nam phải có giá rẻ. Thực tế, có DN không bán được hàng chất lượng cao nên phải chạy theo thị hiếu, sản xuất hàng giá rẻ để tồn tại. Ví dụ, một sản phẩm cà phê trái cây giá 80.000 đồng/hộp (giá xuất khẩu là 300.000 đồng/hộp) vẫn bị so sánh với sản phẩm cà phê thông thường có giá 50.000 đồng/hộp. Nếu muốn bán được ở thị trường nội địa, DN phải sản xuất loại cà phê có giá 50.000 đồng/hộp giống sản phẩm thông thường khác nên không giữ được sản phẩm giá trị cốt lõi của mình. Đây là một sự mâu thuẫn rất lớn. Ông Nguyễn Ngọc Luận |
Theo ông Lê Anh - Giám đốc Công ty TNHH Lê Gia - không dễ đưa nước mắm xuất khẩu về thị trường trong nước bởi giá bán cao, thiếu nơi bày bán: “DN phải tốn nhiều thời gian, kinh phí, nhân lực mới thu hút được khách hàng trong nước, nhất là những DN non trẻ”.
Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony - nhận định, khi quay về thị trường nội địa, các DN chuyên xuất khẩu sẽ chỉ nhận được những đơn hàng nhỏ, trong khi họ đã xây dựng tổ chức, bộ máy sản xuất cho các đơn hàng xuất khẩu lớn. Việt Nam là một cường quốc xuất khẩu hàng may mặc nên nếu các DN cùng quay về thị trường trong nước thì lượng hàng bán ra sẽ lớn hơn nhu cầu của thị trường, gây ra tình trạng tồn kho.
Theo ông Phạm Quang Anh, hiện đang có sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Do đó, DN Việt Nam phải vừa phát triển thị trường nội địa, vừa tận dụng sự dịch chuyển này để tìm kiếm đối tác mới.
Ông nói: “Các DN chuyên đặt hàng may mặc xuất khẩu sang châu Âu đã đặt cơ sở ở Trung Quốc hơn 10 năm. Khoảng nửa năm trở lại đây, các DN này bắt đầu tìm đến Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia để xây dựng chuỗi cung ứng mới. Hiện giá gia công ở Trung Quốc vẫn rẻ nên nếu xây dựng được bộ máy tinh gọn, năng suất cao, có chuỗi cung ứng vật tư giá rẻ thì DN Việt Nam sẽ có cơ hội tìm được những đơn hàng mới. Như vậy, chúng ta có thể trở thành cường quốc cung ứng sản phẩm may mặc trong 10-20 năm tiếp theo, thu hút nhà cung ứng nguyên liệu. Ngược lại, nếu không nắm bắt tốt, cơ hội này sẽ vào tay Ấn Độ, Indonesia”.
Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa) - cho rằng, khi quay về thị trường trong nước, các DN chuyên xuất khẩu sẽ không có kênh phân phối, nên phải xây dựng lại thương hiệu, phòng trưng bày, nhà kho, bộ phận phân phối, giao nhận, chăm sóc khách hàng… với chi phí vốn rất lớn, trong khi DN ngành gỗ đang cạn kiệt nguồn vốn. Việc lấy sản phẩm xuất khẩu tồn kho để bán ở thị trường nội địa là không dễ bởi người Việt thích hoa văn, chạm khắc, còn hàng xuất khẩu lại mộc mạc, đơn giản.
Cũng theo ông, Việt Nam có 100 triệu dân nhưng đa phần có thu nhập thấp, không nhiều người có nhu cầu và khả năng mua đồ nội thất. Do đó, đơn đặt hàng thường chỉ 5-10 sản phẩm. Trong khi đó, ở nước ngoài, một DN có 100 cửa hàng trưng bày vẫn bị xem là DN quy mô nhỏ; mỗi đơn đặt hàng cũng từ 100 đến vài trăm sản phẩm.
“Việc quay về “sân nhà” chỉ phù hợp với những DN vừa bán trong nước vừa xuất khẩu. Nhưng phần đông DN ngành gỗ hiện không đủ năng lực, chỉ chuyên làm hàng bán trong nước hoặc chỉ chuyên xuất khẩu. DN xuất khẩu nào muốn về “sân nhà” thì phải xác định không thể thắng được ngay mà cần thời gian. Giải pháp hay nhất hiện nay là tìm kênh xuất khẩu mới ngoài Mỹ, châu Âu. Ấn Độ, Trung Quốc là 2 thị trường rất lớn và rất có tiềm năng” - ông Nguyễn Chánh Phương nói.
Thanh Hoa