Vay dễ, trả nợ khó
Người phụ nữ 40 tuổi tìm đến Báo Phụ Nữ TPHCM trong trang phục che kín mặt. Chị cho biết, mấy tháng nay, cứ hễ ra đường là chị phải “hóa trang” để tránh sự truy lùng của các đối tượng đòi nợ. Nợ nần bủa vây khiến gia đình chị tan nát, chị như hóa điên.
Người phụ nữ nói trên là chị là N.T. ngụ Q.Tân Phú, TPHCM. Chị T. cho biết, trước khi lâm vào tình trạng này, chị đã bán rất nhiều đồ đạc trong gia đình để trả cho khoản vay gần 20 triệu đồng nhưng vẫn không thể dứt ra được.
Chị kể, ban đầu vay qua áp V. số tiền 3,5 triệu đồng trong 14 ngày và chỉ nhận được 2,3 triệu đồng, app trừ phí 1,2 triệu đồng, tiền lãi mỗi ngày khoảng 23.000 đồng (tương ứng 1%). Do đóng tiền trễ hạn, số tiền nợ mà app thông báo với chị tăng lên 5,95 triệu đồng và sau 1 ngày số nợ tăng lên 6,2 triệu đồng, gấp 2,7 lần số tiền thực vay ban đầu.
Vỡ nợ vì khoản vay qua app của tín dụng đen, toàn bộ danh bạ điện thoại của chị đều bị sao chép, định vị, cả tin nhắn cũng bị đọc lén. Để tránh sự truy đuổi, chị phải trốn ra ngoài thuê nhà ở. Thế nhưng, các đối tượng vẫn “truy nã” bằng cách gọi điện quấy nhiễu tinh thần người thân của chị.
Nhóm đối tượng trong đường dây vay qua app do người Trung Quốc cầm đầu bị công an bắt giữ
|
|
“Họ nhắn tin cho bạn bè tôi nói là tôi trốn nợ. Cùng với đó, họ dán hình đăng tải chứng minh nhân dân của tôi khắp nơi. Thật ra số tiền tôi trả nợ đã gấp rất nhiều số tiền vay ban đầu nhưng vẫn chưa hết nợ”, chị T. nói.
Một nạn nhân khác của tín dụng đen “công nghệ” là chị M.N quê Ninh Thuận, làm công nhân ở TPHCM. Cuối năm 2019, đang kẹt tiền, chị M.N được bạn bè giới thiệu cho app vay tiền I. “Thấy thủ tục vay đơn giản, tôi nghĩ vay vài triệu, đến khi nhận lương thì trả. Ai ngờ, khi đến hạn app này thì họ lại hướng dẫn vay app khác trả. Các app đều có liên kết với nhau nên mình lao vào vòng vây lúc nào không hay”, chị N. nói.
Sau vài tháng, chị N. dính vào khoản nợ lên đến vài chục triệu đồng. Chị vứt bỏ sim điện thoại để trốn nợ thì nhóm đòi nợ nhắn tin quấy rầy người thân. Quá sợ hãi, gia đình chồng chị N. phải bán tài sản để trả nợ, giúp chị thoát cảnh bị “khủng bố”. Nhưng cũng từ đây, chị và chồng xảy ra xích mích, chị phải ôm con nhỏ đi thuê nhà trọ ở riêng.
Mạnh tay truy quét vay “công nghệ”
Chiều 20/7 vừa qua, Đội Cảnh sát kinh tế, Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TPHCM và Công an P.12, Q.4 đã kiểm tra hành chính một tòa nhà trên đường Đoàn Như Hài. Tại đây, công an phát hiện Tian Yi Gui (28 tuổi, quốc tịch Trung Quốc, tạm trú Q.4) cùng 6 người khác đang hoạt động cho vay nặng lãi qua app điện thoại tại một công ty đầu tư tư vấn tài chính do y điều hành. Công ty này sử dụng 2 app là ABLOAN và VNCARD để cho vay.
Cách thức cho vay của nhóm này là cho nhân viên gọi điện cho khách hàng để tư vấn về việc vay vốn. Nếu khách hàng đồng ý, nhân viên sẽ cung cấp đường dẫn để khách cài đặt app trên điện thoại. Sau đó, khách hàng sẽ làm theo các thao tác mà nhân viên hướng dẫn. Khách phải cung cấp đầy đủ thông tin như: chụp hình CMND, quay hình khuôn mặt đang chuyển động, địa chỉ thường trú, địa chỉ tạm trú, trình độ học vấn, tình trạng hôn nhân, thông tin về việc làm và cuối cùng là cung cấp đầy đủ thông tin về người thân.
Hệ thống app tự động xử lý và chuyển tiền về tài khoản mà khách hàng cung cấp khi hồ sơ đạt yêu cầu. Hồ sơ vay 2 triệu đồng thì công ty giữ lại tiền lời là 800.000 đồng (tương đương 40% số tiền vay). Thời gian vay là 8 ngày, tương đương lãi suất 5%/ngày. Nếu qua 8 ngày, khách không trả đủ 2 triệu đồng thì phải chịu phí phạt là 4% số tiền vay/ngày (tương đương 80.000 đồng/ngày). Số tiền tối đa mà mỗi khách hàng được vay là 5 triệu đồng nhưng số thực mà khách nhận được chỉ 3,5 triệu đồng. Công ty này có 3 bộ phận thu hồi nợ và chuyên gọi điện đe dọa, chửi bới khách hàng và người thân của khách khi không trả tiền hoặc trễ hạn. Chưa hết, bộ phận này còn có nhiệm vụ ghép ảnh khách hàng đăng lên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook để bêu rếu.
Trước đó, ngày 2/6, Công an Q.1 phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC02, Công an TPHCM) đã khám xét khẩn cấp trụ sở Công ty Cashwagon, thu giữ nhiều CPU, máy tính để bàn, laptop và tài liệu có liên quan đến việc cho vay nặng lãi, đe dọa khách hàng.
Trụ sở cho vay nặng lãi qua app ở Q.4 bị công an khám xét
|
|
Theo một nguồn tin từ Công an TPHCM, hiện có nhiều đường dây hoạt động tín dụng đen núp bóng các công ty, tổ chức tư vấn tài chính để lừa những người túng quẫn. Nhan nhản các loại app trên mạng mời gọi những người cần tiền vào vay với lãi suất lên tới trên 1.000%/năm.
Theo nhận định của phía công an, trong những năm gần đây, tình hình tội phạm liên quan đến tín dụng đen ngày càng có nhiều biến tướng phức tạp. Công an đã tập trung điều tra, triệt xóa các ổ nhóm tội phạm tín dụng đen, không để gây bất ổn về ANTT trên địa bàn. Điển hình là vụ triệt phá ổ tín dụng đen núp bóng cầm đồ tại số 399 Trần Văn Giàu (Q.Bình Tân). Trong vụ việc này, lực lượng chức năng phát hiện hồ sơ cho vay nặng lãi lên đến 45%/tháng, đồng thời thu giữ nhiều hung khí như dao, kiếm, mã tấu, ống tuýp sắt và súng. Cầm đầu đường dây này là Nguyễn Bá Mẽ (33 tuổi, quê Bắc Ninh, nghiện ma túy) cùng đám đàn em.
Trước đó, Công an TP cũng đã triệt phá đường dây cho vay nhanh qua “app” do người Trung Quốc cầm đầu với hơn 60.000 người vay, tổng số tiền vay lên đến 100 tỷ đồng. Các nạn nhân phải trả lãi suất lên tới 1.095%/năm. Khi khách hàng không trả nợ đúng hạn, bộ phận thu hồi nợ của công ty này sẽ đến tận nơi để khủng bố tinh thần con nợ và cả người thân, bạn bè có lưu số trên danh bạ điện thoại của người vay.
Ngành công an khuyến cáo người dân cần tránh xa các hình thức cho vay nặng lãi và các hình thức cho vay qua “app”, nếu không muốn tiếp tay cho tội phạm cũng như rước họa vào thân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến bản thân, gia đình và xã hội.
Nhằm tiếp tục đảm bảo ANTT trên địa bàn, công an vẫn đang mở các đợt kiểm tra, qua đó phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm những đối tượng cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng... liên quan đến tín dụng đen.
Tháng cao điểm khám phá 245 vụ phạm pháp hình sự
Qua tháng triển khai cao điểm tấn công trấn áp tội phạm (từ 15/7 - 14/8), Công an TPHCM đã khám phá 245 vụ phạm pháp hình sự, bắt 358 đối tượng; triệt phá 67 băng nhóm, bắt 224 tên. Bắt, vận động đầu thú 17 tên có quyết định truy nã.
Các đơn vị đã tổ chức kiểm tra, lập hồ sơ xử lý 10.470 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm vi phạm; kiểm tra hành chính 8.241 hộ dân, 1.904 nhà ngăn phòng cho thuê, 552 nhà trọ, 5 cơ sở sản xuất, 70 công trình xây dựng, 273 khách sạn; lập biên bản 4.411 nhân khẩu vi phạm không đăng ký tạm trú, lưu trú.
Công an TP cũng rà soát, phát hiện, xử lý 116 trường hợp người nước ngoài nhập cảnh trái phép, trong đó có trường hợp đang bị Công an TP. Đà Nẵng truy tìm; tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm các đường dây đưa người nhập cảnh trái phép ở các quận 12, Bình Thạnh, Tân Phú, Bình Tân.
|
Hoàng Lâm