Khổ vì thách cưới

07/01/2019 - 18:57

PNO - Lần đầu qua gặp nhà gái để bàn chuyện cưới hỏi, dù đã dự kiến cho con một khoản không nhỏ để lo việc đại sự, vợ chồng chị vẫn không khỏi choáng váng khi nhà gái thẳng thừng đưa ra những con số rất rạch ròi.

Con trai chị yêu cô bé ở quê. Cô bé về nhà chị chơi vài lần, ít nhiều biết gia đình chị thuộc loại thường thường bậc trung như bao gia đình công chức khác. Vậy mà không hiểu sao, gia đình cô bé thách cưới như thể nhà chị dân thành phố thì mặc định phải lắm tiền nhiều của vậy. 

Lần đầu qua gặp nhà gái để bàn chuyện cưới hỏi, dù đã dự kiến cho con một khoản không nhỏ để lo việc đại sự, vợ chồng chị vẫn không khỏi choáng váng khi nhà gái thẳng thừng đưa ra những con số rất rạch ròi. Ngoài bộ nữ trang bằng vàng 24K, nhẫn cưới có gắn hột xoàn từ bốn ly trở lên, lễ vật phải đủ các món như: tiền mặt ít nhất năm mươi triệu đồng, mấy lượng vàng bốn số chín… Họ còn yêu cầu rõ bánh cốm phải đặt mua từ Hà Nội, bánh phu thê phải đủ trăm cho đúng ý nghĩa trăm năm hạnh phúc. 

Kho vi thach cuoi
Ảnh minh hoạ

Gặp mặt xong, chị rầu rĩ vì không biết đào đâu ra ngần ấy. Con trai chị cũng thất vọng trước đòi hỏi có phần thái quá của nhà vợ. Con dâu tương lai đã thuyết phục cha mẹ đơn giản bớt nhưng họ không chịu. Chị không nỡ để con người ta “theo không” như lúc căng thẳng, con trai chị từng nói xẵng “không giảm thì làm sao cưới”. Cuối cùng, trao đổi qua lại, nhà gái có gia giảm đôi chút nhưng con trai chị phải vay thêm mới đủ cho đám cưới. Cưới xong, vợ chồng sẽ lo trả nợ.

Chị bạn làm tôi nhớ chàng trai vừa gặp trong tiệm vàng ở trung tâm thành phố. Cậu nhờ người bán hàng tư vấn giúp mẫu trang sức cưới vừa với số tiền ít ỏi dành dụm được mà vẫn đáp ứng yêu cầu từ phía nhà vợ là món nào cũng phải thật hoành tráng. Khi chị bán hàng khuyên, nếu khả năng không cho phép hãy thuyết phục gia đình vợ giảm bớt để tránh nợ nần về sau hay những áp lực không đáng có khiến đám cưới mất vui. Cậu lắc đầu, bởi cha mẹ vợ từng phán như đinh đóng cột “không đủ khả năng thì đừng cưới”. Bỏ cuộc thì mất mặt nam nhi quá, chàng trai xem đây như là cái ải phải vượt qua. 

Sau đám cưới, chưa biết sống với nhau thế nào nhưng chắc rằng những đôi vợ chồng trên sẽ khó mà quên được trải nghiệm không mấy dễ chịu ngay trước ngưỡng hôn nhân này. Lúc vui thì không sao, nhưng khi cơm không lành, canh không ngọt, những ấm ức cũ sẽ sống dậy.

Kho vi thach cuoi
Chú thích ảnh

Những người thích thách cưới muốn chứng tỏ con mình cao giá, muốn nở mày nở mặt với bè bạn, xóm giềng. Nhưng họ quên rằng, trong hôn nhân, tình cảm, cách đối xử với nhau mới là quan trọng. Một đám cưới thuận lợi, suôn sẻ vẫn chưa chắc sẽ không xảy ra xung đột trong cuộc sống chung sau này, huống hồ cuộc hôn nhân đã bị cản trở ngay từ đầu bởi chuyện thách cưới. Chưa kể sui gia chẳng còn muốn nhìn mặt nhau hay cứ thấy mặt dâu, rể là nỗi hậm hực lại dâng trào. 

Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta thường nói “góp gạo thổi cơm chung”. Nam nữ ngày nay cũng bình đẳng trên mọi phương diện, từ việc làm, thu nhập, trách nhiệm gánh vác trong ngoài... Vậy cũng nên bỏ thách cưới, khi nó chẳng mang ý nghĩa cao đẹp nào, ngoài việc đe dọa hạnh phúc lứa đôi. 

Nguyễn Yến Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI