|
(Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Freepik) |
Buổi “khai vợt” đầu năm của nhóm phụ nữ chơi bóng bàn với nhau tuổi từ 50 - 60 thật rôm rả, câu chuyện xoay quanh cái tết vừa qua, mua gì, sắm gì, nhà ai gói bánh tét…
Người thì khoe tết năm nay gọn nhẹ không mua sắm gì nhiều, vừa đủ cho một cái tết không tiết kiệm nhưng không lãng phí. Người than thở mua tùm lum thứ để giờ con cái đi hết còn 2 vợ chồng, ăn sao cho hết đây. Người lại khoe lần đầu tiên trong đời 60 tuổi mới thử gói bánh tét. Mua 1,5 kg nếp gói 4 đòn, ngon lành. Cả nhóm bật cười, có 4 đòn bánh tét mà cũng gói, mua phức cho xong.
Chị này mới bảo: “Bởi ông chồng vừa nghỉ hưu, một hôm tự nhiên ổng nói, trời lạnh này ngồi canh nồi bánh tét rất... có lý”. Chỉ nhiêu đó thôi mà chị đi chợ mua lá chuối, nếp, đậu xanh, thịt, rồi còn chẻ tre thành từng sợi lạc để buộc. Gói xong, giao cho ông chồng chụm củi, nấu sao đó thì nấu.
Chị nói vẻ tự hào: “Vậy mà ổng vui lắm, lăng xăng lau lá, trải nia…. Gói bánh tét dễ òm, coi mấy cái video họ bày, lần đầu tiên mà gói ra cái bánh nào cũng đẹp, chắc tay. Quan trọng là bánh ngon, gia vị vừa ăn theo ý mình, thứ nữa là ông chồng có công việc làm không đi ra đi vào vướng chân”.
|
Nồi bánh tét chỉ có 4 đòn nhưng đầy ý nghĩa ( ảnh tác giả cung cấp) |
Một chị nói: “Đúng là phụ nữ thích khổ vì… các ông”.
Có phải vậy không?
Một chị bắt đầu chuyện người phụ nữ từ khi mới chào đời rằng, kỳ mình sinh con gái, nhìn con bé bỏng quấn trong khăn lông mình thương con đứt ruột, nghĩ con gái rồi sẽ khổ, có học cao, giỏi giang cách mấy cũng khổ (càng học cao, càng giỏi thì càng khổ). Nội làm thiên chức phụ nữ không thôi cũng đủ khổ rồi nói chi đến chuyện phải gánh vác gia đình sau này. Bởi vậy mình thương con gái hơn con trai.
Từ phát pháo khởi đầu đó, các chị được trớn kể lể nỗi khổ, và tất nhiên, ai gây ra cho các chị nỗi khổ nếu không là các ông?
Câu chuyện rẽ sang một cái ngoặc mới, một chiến tuyến mới với đối tượng mang nhiễm sắc thể XY… Những câu chuyện được kể ra thiếu điều giống như phiên toà với những chứng cứ không thể chối cãi được. Tuy nhiên, một điều rất … dễ thương (một cách hài hước) là kể xong, luận tội xong, các chị ai nấy đều công nhận rằng, tuy vậy chứ chồng mình vẫn là … người tốt (thế mới đau!).
Chị Y. trong nhóm, về hưu mấy năm nay, cuối đời rồi, con cái đã yên bề gia thất, nhà chỉ còn vợ chồng già vậy mà theo ý chị vẫn chưa được gọi là hưởng. Nhiều lúc nhớ con, nhớ cháu chị khăn gói đi thăm (trước khi đi phải trần lưng ra làm đủ thứ món “ngon ngon quê mùa” mà con ở thành phố kêu là thèm lắm!).
Ở chơi với con vài ba hôm, chị đã bồn chồn, không biết ổng ở nhà ra sao, trời lạnh này tối có đóng cửa sổ không, gần sáng có tắt quạt không, già rồi gió máy... (dù ngày nào cũng điện thoại liên tục).
Vậy là, chị khăn gói túi xách lên xe đò trở về mái nhà xưa. Khi về đến nhà mọi thứ chỉn chu đâu ra đó. Ông chồng chẳng những không sút ký nào mà còn thấy phởn phơ!
Chị lại đi ra, đi vô trong căn nhà rộng nhớ đứa cháu ngoại 3 tuổi suốt ngày bi bô nói những câu dễ thương quá chừng. Rồi chị lại trông ngóng, rồi lại điện thoại, cuối cùng quay sang trách ông chồng: “Có ông tui chẳng đi đâu được hết! Sao mà số tui khổ vậy không biết!”.
Ông chồng nghe mà ngớ ra: “Ủa, bà muốn đi đâu thì đi chứ ai cấm cản bà. Sao không ở chơi với cháu một tháng hay hai tháng rồi về, ba chân bốn cẳng về lại trách tui?”.
Bà vợ nghe vậy thêm tức tối (chẳng biết tức ai nữa): “Thì kẹt ông ở nhà đó, bỏ nhà bỏ cửa mình ông tui sao yên tâm”. “Ơ hay cái bà này, bỏ tui ở nhà thì làm sao? Bà về có thấy nhà cửa sứt mẻ miếng nào không? Tui vẫn sống ngon lành đấy thôi!”.
Vậy là, cuối cùng bà chẳng thấy đời có gì tròn vẹn. Ở với chồng thì nhớ con, nhớ cháu, ở với con cháu thì lo ngay ngáy ông chồng (mà thật ra chẳng có gì phải lo cho ổng cả!), thậm chí bà về ổng còn trách sao không ở thêm cho con cái vui!
Có một điều đáng nói thế này, từ câu chuyện chị X., chị Y. bỗng buột miệng: “Ông nhà tôi mất mấy năm nay, ban đầu cũng buồn khổ lắm, nghĩ phận mình và cả ổng nữa sao bi kịch quá. Thời nghèo khổ, vợ chồng trần lưng làm lụng nuôi con, đến khi con cái thành đạt rồi, ổng bỏ đi sớm, không được hưởng… Thế nhưng, buồn rồi cũng nguôi, giờ đây một thân một mình lại thấy khoẻ, muốn ăn thì ăn, muốn ngủ thì ngủ, thích thì xách ba lô theo bạn bè đi du lịch. Có ổng lích kích lắm, muốn đi đâu cũng không đi được. Hồi xưa tánh ổng gia trưởng, nội chuyện hầu ổng không cũng hụt hơi!”.
Kể lể đã đời, chị Y. lại chép miệng, vậy chớ nhiều khi cũng buồn, người ta vợ chồng già hủ hỉ sớm hôm, mình lủi thủi đi ra vô trong căn nhà rộng, con cái nó rảnh thì tạt qua, còn không thì thậm chí điện thoại nó cũng quên. Ổng đi mình ổng sướng, bỏ mình ở lại gánh nào gánh nấy nặng trịch, lo cho con cái đến già vẫn còn lo…
"Drama" còn dài lắm. Vậy nhưng, có điều rất hay là hôm nào cả nhóm cũng kết luận: “Bởi thế, nghe chuyện mấy người già, cánh phụ nữ trẻ giờ đây khôn ra nhiều lắm. Ngày nào hành ông chồng được thì cứ hành”.
Kết luận xong câu đó, tự nhiên các bà mẹ bỗng giật mình: "Ủa mình cũng có con trai, con gái, mong cho con trai con gái hạnh phúc, vợ chồng đầm ấm yêu thương nhau bỗng dưng đi mong cho có đứa bị hành và có đứa được hành?".
Kim Duy