Khổ vì nhà giàu

12/11/2019 - 18:26

PNO - Tưởng chừng Huy sinh ra đã bỏ xa vạch xuất phát của chúng tôi. Nhà quá giàu nên cậu ấy chẳng cần phấn đấu vẫn đủ đầy.

Lần họp lớp mới đây, chúng tôi choáng váng nghe tin Huy đã chọn con đường xuất gia. Hiện Huy đang tu tập ở một ngôi chùa nhỏ, hẻo lánh ở miền Trung. Ba mẹ Huy sốc trước quyết định của đứa con trai mà ông bà kỳ vọng.

Bạn bè thắc mắc tại sao Huy lại bỏ hết để theo con đường lạ như thế. Nhưng tôi hiểu được áp lực mà Huy phải chịu đựng khi sinh ra trong một gia đình thành đạt, giàu có. Ngay từ hồi cấp ba, không ít lần Huy nói bóng gió đến chuyện mình có “căn tu” và muốn bỏ hết để lên chùa ở.

Kho vi nha giau
Sinh ra trong gia đình giàu có, những đứa trẻ phải chịu không ít áp lực. Ảnh minh hoạ

Ba mẹ Huy là những doanh nhân nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, nhà hàng. Gia đình Huy có ba chị em. Hai cô chị sinh đôi học hành giỏi giang, đi du học nước ngoài rồi kết hôn cùng bạn học và đều có sự nghiệp riêng lẫy lừng.

Huy là đứa con trai cầu tự, bao nhiêu kỳ vọng của gia đình đặt hết vào cậu ấy. Ngay từ nhỏ, Huy đã buộc phải dẫn đầu lớp về thành tích học tập. Ba mẹ chi cả đống tiền để thuê gia sư kèm con học, chu cấp đầy đủ nhất để con trai có điều kiện phát triển tốt nhất.

Nhưng Huy không có tố chất giỏi giang khác người, nên sự kỳ vọng quá cao từ gia đình trở thành một gánh nặng. Hơn một lần Huy đã phải vào bệnh viện tâm thần điều trị triệu chứng trầm cảm do không chịu nổi áp lực.

Được ba mẹ gửi vào một ngôi trường tư thục uy tín với chi phí đắt đỏ, nhưng Huy không thể theo, đành bỏ cuộc. Dường như ba mẹ đã vạch sẵn con đường đi cho Huy như hai chị gái, nghĩa là phải đi du học, phải thành đạt, phải lấy người môn đăng hộ đối.

Huy chuyển về học trường tôi vào năm lớp 11 song thực sự rất khó để hoà nhập. Mỗi ngày, chiếc xe sang của gia đình đưa rước Huy tận cổng trường trở thành hiện tượng lạ đối với học sinh ở ngôi trường bình dân. Trong mắt bạn bè, Huy như thuộc một đẳng cấp khác, dù cậu ấy hiền lành vui vẻ.

Học vừa sức nên kết quả của Huy cũng khá, tuy vậy, hiếm khi cậu được bạn bè thừa nhận thành tích. Nếu cậu nhận điểm cao, lập tức có tiếng xì xào: “Nhà nó giàu mà, bao nhiêu điểm chẳng được”, thậm chí Huy đoạt giải nhất thi đấu cầu lông cấp trường cũng bị đồn thổi được ba mẹ dùng tiền mua giải.

Vì bị chú ý nên nhất cử nhất động của Huy đều trở thành đề tài bàn tán cho bạn học. Mặc cái áo đắt tiền một chút thì bị dè bỉu “Thích thể hiện” còn nếu mang đôi giày bình dân cũng bị nói: “Nhà giàu mà keo, mua toàn hàng chợ”. Dù Huy cố gắng hoà nhập nhưng giữa bạn bè và cậu ấy vẫn có một khoảng cách vô hình.

Để lấy lòng bạn bè, Huy hay mời cả lớp đi ăn nhưng lại bị cạnh khoé là “chơi trội”. Về sau, một số bạn trong lớp nghĩ Huy có tiền thường rủ cậu đi chơi, đi ăn rồi mặc nhiên dồn hoá đơn cho cậu ấy trả tiền. Nhưng mọi người không biết, ba mẹ Huy quản lý tiền bạc rất chặt, chỉ cho ít tiền tiêu vặt chứ chẳng hề xông xênh.

Khi Huy chia sẻ thật lòng thì mang tiếng “nhà giàu keo kiệt”, bị kêu gọi tẩy chay. Huy chỉ chơi thân được vài người, trong đó có tôi. Nhiều lúc Huy tâm sự: “Ước gì mình sinh ra trong một gia đình bình thường như cậu, sẽ tốt hơn nhiều, muốn làm gì thì làm”.

Ở trường đã vậy, về nhà lại không được gần gũi ba mẹ để chia sẻ thấu hiểu cảm thông. Ba mẹ Huy bận rộn với những chuyến công tác. Huy chủ yếu ở nhà với người giúp việc. Tốt nghiệp cấp ba, Huy không đạt yêu cầu về tiếng Anh nên không thể đi du học mà học ở một trường đại học tư trong nước.

Kho vi nha giau
Họ không có quyền lựa chọn con đường đi cho mình cũng như quyết định điều mình muốn. Ảnh minh hoạ

Vật vã mãi, Huy cũng tốt nghiệp được đại học, nối nghiệp kinh doanh của ba mẹ. Nhưng công việc không thuận lợi, Huy chẳng thể nào vượt qua được cái bóng quá lớn của ba mẹ mình.

Ngay cả chuyện yêu đương, Huy cũng bị cấm cản khi yêu một cô bé nhân viên thực tập có hoàn cảnh xuất thân từ nông thôn nghèo khó. Có lẽ, thấy mình thất bại đủ đường, sống không hạnh phúc, nên Huy chọn con đường xuất gia.

Những người như Huy tưởng chừng sinh ra đã cán vạch đích, chẳng cần phấn đấu vẫn có cuộc sống đầy đủ. Nhưng thật ra, ai ở trong cuộc mới hiểu áp lực gánh nặng mang trên vai của những đứa con "nhà có điều kiện".

Họ không có quyền lựa chọn con đường đi hay quyết định điều mình muốn. Tất cả phải tuân theo một quy trình được lập trình sẵn mà nếu lệch ra ngoài coi như thất bại.

                                                                                                              Thành Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI