Khổ vì ly thân

23/09/2022 - 06:00

PNO - Anh “dán nhãn” vợ là người phụ nữ tham lam, chỉ biết có tiền, xem nhẹ gia đình. Do vậy, hai người đã ly thân gần ba năm, tuy sống chung nhà.

Khi hôn nhân rạn nứt, nhiều cặp đôi đã chọn giải pháp ly thân nhằm giữ gia đình (hình thức) cho con cái; giữ thể diện, bộ mặt cho mình; tạo điều kiện để đôi bên nhìn lại bản thân cùng thay đổi và hàn gắn, hoặc tiến tới ly hôn.

Tuy nhiên, không ít người lại xem ly thân như là độc thân trong hôn nhân với không ít hệ lụy.

Tự do yêu người khác khi còn vợ chồng

Chị T.N.Thúy, 37 tuổi, làm nghề thiết kế thời trang và chủ vài shop quần áo đông khách. Trên Facebook, Zalo của chị đầy hình ảnh người phụ nữ xinh đẹp, nhẹ nhàng. Thỉnh thoảng chị Thúy đăng hình hai con sáu tuổi, tám tuổi và người chồng đẹp trai khiến ai cũng ngưỡng mộ gia đình “điểm 10”!

Tuy nhiên, vài người bạn thân của chị Thúy biết rõ “gia đình nát bét từ lâu”, vợ chồng chị như “mặt trăng mặt trời”, không ưa nhau. Chị cho rằng chồng là người bạc nhược, vô trách nhiệm, chỉ biết sống dựa vào vợ, nên chị coi thường chồng, không thể đối thoại được. Còn anh “dán nhãn” vợ là người phụ nữ tham lam, chỉ biết có tiền, xem nhẹ gia đình. Do vậy, hai người đã ly thân gần ba năm, tuy sống chung nhà. 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Thật ra, chị Thúy muốn ly hôn, thoát khỏi người chồng “sai lầm của cuộc đời”. Nhưng, chị lại không muốn làm con cái xáo trộn, không muốn đánh mất hình ảnh người phụ nữ xinh đẹp, hạnh phúc, tràn đầy năng lượng mà chị xây dựng trong bao năm. Chị chọn ly thân và cho mình quyền tự do của người độc thân. 

Tháng 4/2022, trang cá nhân và fanpage mà chị xây dựng cho thương hiệu thời trang của mình bị nhiều người tấn công với cùng nội dụng: bóc phốt chị ngoại tình. Những hình ảnh chị Thúy thân mật với người tình, những tin nhắn nhạy cảm với người yêu được tung lên đồng loạt. Chị cho rằng đây là đòn thù của việc cạnh tranh không lành mạnh. 

Chị Thúy quả thật đang quan hệ tình cảm với một người có vợ con. Từ một người phụ nữ thành đạt, "hạnh phúc", trong phút chốc, chị bị bóc trần là “tiểu tam” xấu xa. Bạn bè ném đá chị không thương tiếc. Người thân quay lưng vì “làm nhục gia đình”. Còn “người chồng bạc nhược” tuyên bố chị không đủ tư cách nuôi con và anh nộp đơn xin ly hôn cùng quyền giành nuôi hai con vì “mẹ chúng ngoại tình”...

Vô tư gây nợ cho vợ

Bà Đ.K.Chi, 57 tuổi, ở huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, cũng chọn ly thân khi quá chán ngán người chồng ghiện rượu, cờ bạc. Hai người con trai xúi mẹ ly hôn và rước bà lên TPHCM sống cùng. Tuy nhiên, bà không đồng ý vì “ở đây làm ăn được, lên đó sống không biết mần gì?” (bà là chủ của gần chục cửa hàng thực phẩm gia súc).

Sau nhiều lần ông chồng nợ nần cờ bạc và bán hết 15 công đất ruộng, vợ chồng hết tài sản chung, hai bên thỏa thuận mạnh ai nấy sống, vì “già rồi không muốn ly hôn”. Hai người vẫn sống chung mái nhà của cha mẹ chồng để lại.

Ảnh mang tính minh họa
Từ một phụ nữ thành đạt, chị thành "tiểu tam", bị gia đình và người đời chê cười, quay lưng (Ảnh mang tính minh họa)

 

Bà Chi tiếp tục bán buôn. Ông chồng được thuê trông coi tiệm bida ở gần nhà. Bà Chi chăm chỉ làm lụng, mục tiêu mười năm nữa có mớ vốn kha khá rồi lên TP.HCM sống cùng con cháu. Thế nhưng, mới tháng 7/2022, ông chồng đã bỏ trốn khi bị các chủ nợ truy lùng ráo riết. Vậy là chủ nợ bắt bà Chi phải trả 410 triệu đồng thay chồng. Bà Chi kêu oan ức, vì “tui với ổng mạnh ai nấy sống lâu rồi”.  

Tuy nhiên, sáng nào, bà Chi vừa mới mở cửa tiệm cũng có chủ nợ ngồi “chình ình” ngay trước cửa. Bà gọi điện cho chồng thì không liên lạc được, căn nhà là của cha mẹ chồng để lại cho sáu người con nên cũng không thể bán. Bà Chi vừa sợ con cái biết chuyện sẽ phiền lòng, vừa lo bị chủ nợ phá cửa hàng, nên đã gom góp trả nợ thay cho ông chồng đã không dính líu gì suốt bốn năm qua. Trả xong món nợ này, bà Chi uất ức đến đổ bệnh và tuyên bố “chờ ổng xuất hiện là tui ly hôn ngay”.

Bà N.T.L., 53 tuổi, ở Q.Bình Thạnh, TPHCM, có chồng mê ăn nhậu, cờ bạc, lại thường xuyên bạo hành vợ. Trong khi bà L. vất vả cả ngày với quán cơm, chồng bà đi chơi và cặp bồ.  Cũng vì ngại bia miệng dị nghị “già rồi mà ly hôn”, nên ông bà chỉ thỏa thuận ly thân. Bà L. hy vọng, trong thời gian ly thân, chồng bà sẽ tu tỉnh, chí thú làm ăn. 

Cứ 5-10 ngày ông lại ra quán lấy tiền ăn nhậu, cờ bạc. Bà L. im lặng đưa tiền, vì nếu hạch hỏi “sao ông xài nhiều quá vậy?”, thì bị ông chửi, đánh.  Có lần, uất ức nên bà phản ứng mạnh: “Ông cũng có tay chân, khỏe mạnh, sao bắt tôi nuôi hoài vậy? Tui còn ba đứa con nữa chứ?”. 

Lập tức, ông nắm đầu bà, đấm đá bà túi bụi. Sự dồn nén lâu ngày bùng phát, sẵn tay đang thái thịt, bà L. đã cầm dao đâm vào ngực chồng. Ông chết trên đường đi cấp cứu. Bà L. bị truy tố tội giết người và bị Tòa án nhân dân TP.HCM tuyên án 14 năm tù giam. Trong phiên xử ấy, cô con gái của người đàn bà lam lũ khóc nghẹn “phải chi mẹ tôi ly hôn thì không đến cớ sự này”. 

Ly thân - căn cứ quan trọng để xét xử ly hôn 

Luật sư Hồ Thị Lệ Thanh - nguyên thẩm phán Tòa án nhân dân Q.Phú Nhuận, cho biết khi giải quyết án ly hôn, bà thấy có khoảng 30% các cặp vợ chồng hiểu rõ và trải qua giai đoạn ly thân. Có người ly thân vài tháng, có người ly thân một năm hoặc lâu hơn. Những cặp đôi này dùng ly thân như một giải pháp để chiêm nghiệm, xem xét lại tình cảm, cuộc hôn nhân của mình. Đến sau cùng, khi không thể hàn gắn được thì quyết định ly hôn cũng khá nhẹ nhõm.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, có rất nhiều đôi vợ chồng ra tòa nhưng không có khái niệm ly thân - dù có những trường hợp không sống cùng nhau (ly thân mà không biết mình ly thân). Đặc biệt, hầu hết các cặp đôi này đều không biết ly thân là một trong những căn cứ quan trọng để tòa xem xét, giải quyết ly hôn.

Hiện pháp luật chỉ công nhận ba tình trạng: độc thân, kết hôn và ly hôn. Do đó, dù vợ chồng ly thân một năm, hay mười năm, mà chưa ra tòa ly hôn và chưa được tòa mở phiên xử và ra bản án cuối cùng thì về pháp lý vẫn còn là vợ chồng. Vì vậy, nếu trong thời gian ly thân, mà chồng hoặc vợ sống chung với người khác như vợ chồng là vi phạm pháp luật. 

Ly thân là căn cứ để toà xử ly hôn (Ảnh minh họa)
Ly thân là căn cứ để toà xử ly hôn (Ảnh minh họa)

 

Xã hội phát triển, thay đổi nên luật cũng cần có những điều chỉnh cho phù hợp với thực tế cuộc sống. Và chế định ly thân rất cần thiết trong đời sống hôn nhân. Vì giai đoạn ly thân là để mỗi bên tự nhìn lại bản thân, xem mình đã làm tròn trách nhiệm của người vợ hay chồng trong cuộc hôn nhân chưa? Ly thân cũng để hai bên tìm những giải pháp có thể hàn gắn, hóa giải mâu thuẫn. Ly thân giúp đôi bên có thời gian suy nghĩ, và khi nhìn lại cuộc hôn nhân của mình, hai người sẽ biết họ mâu thuẫn vì lý do gì, cần phải thay đổi ra sao? Hoặc, sau thời gian suy nghĩ trong quá trình ly thân, họ thấy chia tay là việc nên làm.

Việc chưa có chế định ly thân có thể làm xảy ra căng thẳng không đáng có trong quá trình vợ chồng ly hôn. Tôi đã gặp những cặp đôi ra tòa, người vợ khai “không còn tình cảm, vợ chồng đã ly thân hai năm”. Nhưng người chồng phủ nhận “chúng tôi vẫn chung sống bình thường, tôi vẫn yêu thương vợ, tôi không muốn ly hôn”. 

Khi đó, thẩm phán mất rất nhiều thời gian để khai thác về tình trạng hôn nhân của họ vì không có chứng cứ ly thân (tòa chỉ xét cho ly hôn khi mục đích hôn nhân không đạt được: tình cảm không còn, không chia sẻ công việc trong gia đình, không có trách nhiệm trong việc nuôi dạy con, chăm lo kinh tế trong gia đình, không sinh hoạt vợ chồng...Và ly thân là một trong những cơ sở cho thấy tình cảm vợ chồng không còn).

Có chế định ly thân giúp các đôi vợ chồng có sóng gió, mâu thuẫn sẽ có khoảng lặng dừng lại và được pháp luật ghi nhận hẳn hoi, và còn giúp người dân sống hành xử đúng pháp luật, tránh những hệ lụy có thể xảy ra nhất là trong giai đoạn đặc biệt, nhạy cảm này.

Ảnh mang tính minh họa - pressfoto
Ảnh mang tính minh họa - pressfoto

Cần đưa chế định ly thân vào luật

Hơn mấy chục năm làm công tác xét xử và hòa giải, luật sư - hòa giải viên Nguyễn Thị Minh Hương - nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân Q.10, TPHCM - cho biết: Chế định ly thân cần được luật hóa cụ thể. Vì ly thân là giai đoạn để vợ chồng có thời gian nhìn nhận, đánh giá lại những xung đột đã xảy ra trong đời sống vợ chồng, giúp họ xem xét và tìm hướng xử lý.

Hay nói cách khác để họ bình tĩnh lại trước khi quyết định có cần thiết phải đi đến việc chấm dứt cuộc sống hôn nhân hay không. Luật cần quy định rõ thời gian ly thân (không quá nhanh và cũng không quá lâu, tôi nghĩ khoảng từ sáu tháng đến một năm), để sau khi không hàn gắn được thì vợ chồng sẽ tiến tới thủ tục cuối cùng của hôn nhân. Trên thực tế có nhiều hệ lụy từ việc vợ chồng cứ “ngâm” ly thân quá lâu như: bạo hành, có quan hệ tình cảm khác, một bên gây nợ, hay phát sinh tài sản từ một phía...

Mặc dù luật cũng có những quy định điều chỉnh về những hành vi, nội dung này, nhưng khi xảy ra tranh chấp, kiện tụng thì sẽ mất thời gian cho đôi bên và cho cả tòa án. Nếu chế định ly thân có những quy định rõ ràng thì sẽ hạn chế những nguy cơ này, sẽ là căn cứ giúp những đôi ly thân hành xử không vi phạm pháp luật và không trái đạo đức. 

Thùy Dương

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI