Khổ vì lụy con

28/04/2025 - 20:00

PNO - Vì quá lụy con, vợ chồng chị Thảo bị cậu quý tử "xỏ mũi" hết lần này tới lần khác.

Vợ chồng chị Thảo hiếm muộn, chạy chữa mãi mới có được mụn con khi ở tuổi tứ tuần. Chính vì vậy mà anh chị coi cậu con trai như báu vật.

Tôi còn nhớ như in khi chị Thảo báo tin đậu thai, ánh mắt chị bừng sáng, lấp lánh sự kỳ vọng. Sinh được con, mà lại còn quý tử thì quả là mát lòng mát dạ, chồng chị cũng tha hồ nở mày nở mặt với dòng họ bên nội. Từ bị dè bỉu, anh chị không những đã sinh con được mà còn rất... biết sinh cháu đích tôn cho ông bà nội.

Từ bé cậu con trai đã được bố mẹ cưng yêu như báu vật và ấp ủ bao kỳ vọng (ảnh Freepik)
Từ bé, cậu con trai đã được bố mẹ cưng yêu như báu vật (ảnh minh họa: Freepik)

Anh chị đặt tên con là Kiệt, ấp ủ một sự kỳ vọng con trai lớn lên sẽ là người kiệt xuất, nổi trội, tài giỏi hơn người. Anh chị hay nói vui: "Cờ bạc ăn nhau về sáng". Không thể ngờ tuổi già anh chị lại có thằng con trai chống gậy để nương tựa. Có con trai là sẽ có con dâu, thế là đẻ 1 mà được 2, còn gì bằng. Cả con ruột lẫn con dâu sau này sẽ hiếu kính cha mẹ.

Thế nhưng đời không như là mơ. Lúc nhỏ, Kiệt rất thông minh, dễ thương, ngoan ngoãn, nhưng từ tuổi dậy thì là cậu bé bắt đầu nổi loạn, bộc lộ ra tính khí bướng bỉnh, ương ngạnh.

Nếu bố mẹ đáp ứng hết mọi yêu cầu của Kiệt thì gia đình vẫn êm ấm, hòa bình, vui vẻ. Tuy nhiên, chỉ cần yêu sách không được đồng thuận là y như rằng cậu con trai phản ứng dữ dội. Lần nào cũng vậy, đất không chịu trời thì trời phải chịu đất. Từ dạo ấy, tôi thấy chị Thảo sống khổ tâm, nhiều lo âu, lúc nào cũng hao gầy vì con.

Cứ như vậy, Kiệt ngày càng lấn tới, coi sự nhượng bộ của bố mẹ là điều hiển nhiên. Mọi thứ cậu ta muốn phải có, không cần biết đến sự khó khăn hay nỗi lo lắng của những người thân yêu. Từ chiếc điện thoại đời mới nhất, bộ quần áo hàng hiệu, đến những chuyến đi chơi xa tốn kém, tất cả đều được đáp ứng một cách vô điều kiện. Khi không đạt được ý nguyện, Kiệt sẵn sàng dùng đến chiêu bài cắt đứt liên lạc, không nghe điện thoại, không trả lời tin nhắn, khiến chị Thảo nhiều đêm mất ngủ, nước mắt ngắn dài.

Chồng chị Thảo dù tức giận cũng chỉ biết thở dài, nhượng bộ vì không muốn gia đình thêm căng thẳng.

Mới đây, nhân dịp sinh nhật lần thứ 20, Kiệt đòi bố mẹ phải tặng một chuyến du lịch nước ngoài cùng bạn bè. Chị Thảo nhẹ nhàng giải thích rằng điều đó không phù hợp với hoàn cảnh kinh tế hiện tại của gia đình, bố mẹ đã về hưu, mọi chi tiêu cần phải cân nhắc, không thể vung tay quá trán. Nghe vậy, Kiệt lập tức cúp máy, bỏ đi biệt tăm.

Suốt 1 tháng trời, anh chị Thảo không thể nào liên lạc được với con trai. Mọi tin nhắn gửi đi đều chìm vào im lặng, những cuộc gọi chỉ vang lên những hồi chuông dài vô vọng. Vô vàn những viễn cảnh tồi tệ hiện ra trong tâm trí bậc cha mẹ, nào là con gặp tai nạn, nào là bị kẻ xấu dụ dỗ, liệu con có đang bình an hay không...

Chồng chị Thảo nói chị thử nhắn tin cho con, nói bố mẹ đồng ý với yêu cầu của con, khuyên Kiệt về nhà. Chẳng bao lâu sau, chị nhận được tin nhắn hồi âm vỏn vẹn: "Tối nay con về".

Tôi nghe chị Thảo kể mà lòng sôi sục, trách anh chị sao dễ dàng thỏa hiệp đến thế. Nếu Kiệt đã có thể bỏ đi mà không cần đến gia đình, thì cứ để cậu ta tự trải nghiệm cuộc sống, đói khát rồi sẽ tự biết đường quay về. Bởi lẽ, trên đời này chẳng ai nuôi cơm miễn phí mãi, chỉ có gia đình mới là nơi dang rộng vòng tay. Nếu cứ chiều theo mọi đòi hỏi vô lý như vậy, nhỡ sau này Kiệt yêu cầu bán cả căn nhà thì anh chị làm thế nào?

Ngỡ tưởng về già được nương tựa con thì nay vợ chồng chị Thảo điêu đứng, khổ tâm vì cậu quí tử (ảnh Freepik)
Ngỡ tưởng về già được nương tựa con thì nay vợ chồng chị Thảo điêu đứng, khổ tâm vì cậu quí tử (ảnh minh họa: Freepik)

Chị Thảo mếu máo phân trần: "Biết là không đúng, nhưng mình là cha mẹ, lúc nào cũng lo lắng cho con hơn con lo cho mình, thương con hơn cả bản thân. Nó quan trọng với mình hơn tất cả, nên mình không dám đánh cược, không dám thi gan với nó...".

Chị Thảo sợ rằng, nếu làm căng, Kiệt sẽ bỏ đi thật hoặc làm điều dại dột thì anh chị sẽ hối hận khôn nguôi.

Tôi đã nhiều lần góp ý với anh chị nên nghiêm khắc với Kiệt, dạy cho cậu ta biết giá trị của đồng tiền và sự vất vả của cha mẹ. Nhưng mỗi lần như vậy, chị Thảo lại gạt đi: “Nó còn trẻ người non dạ”, “Sau này nó sẽ hiểu thôi”.

Sự bao bọc thái quá của anh chị đã vô tình tạo nên một đứa con trai ích kỷ, chỉ biết đòi hỏi và coi sự hy sinh của cha mẹ là nghĩa vụ.

Nhìn vợ chồng chị Thảo ngày càng tiều tụy vì những cơn giận dỗi vô cớ của con trai, tôi không khỏi lo cho tương lai của gia đình họ. Liệu đến bao giờ Kiệt mới trưởng thành, mới biết nghĩ cho cha mẹ? Và liệu sự nhẫn nhịn, chiều chuộng mù quáng này có thực sự mang lại hạnh phúc cho gia đình?

Câu chuyện của gia đình chị Thảo là một lời cảnh tỉnh sâu sắc về cách nuôi dạy con cái trong xã hội hiện đại, nơi mà đôi khi, tình yêu thương không đúng cách lại trở thành con dao 2 lưỡi...

Bích Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI