Khổ vì được mời đám cưới

11/01/2024 - 06:21

PNO - Tôi rất tâm đắc khi đọc bài viết Ngày vui sao lại mang áp lực “phải hoành tráng, cho ra trò”? trên Báo Phụ nữ TPHCM số ra ngày 8/1/2024.

Đám cưới được tổ chức ngày càng to, ngày càng sang, đang là một xu hướng. Những tiệc cưới với 50-60 bàn tiệc (500-600 khách) giờ không còn hiếm. Ở khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn, nhiều trung tâm tiệc cưới từ sang trọng đến bình dân, đã mở ra để đáp ứng cho nhu cầu này.

việc tổ chức tiệc tùng cũng không ai cấm, nhưng mời ai là chuyện nhất thiết phải cân nhắc... Ảnh minh họa
Việc tổ chức tiệc tùng không ai cấm, nhưng mời ai là chuyện nhất thiết phải cân nhắc... Ảnh minh họa

Đám cưới càng to thì lượng khách mời cũng càng đông. Tôi không nghĩ gia chủ tính toán kinh tế (dù thực tế vẫn có) nhưng có lẽ nó bắt nguồn từ tâm lý thích nở mày, nở mặt. Thế nhưng, với rất nhiều trường hợp, tiệc to không tương xứng với hoàn cảnh, địa vị và các mối quan hệ xã hội của gia chủ, nên trở nên rất khó coi. Để có đủ khách mời cho một đám cưới hoành tráng như mong muốn, gia chủ phải “moi móc” tất cả mối quan hệ để tìm người dự tiệc. Khách được mời có khi không nhớ được chủ tiệc là ai. Nhiều người biết chủ tiệc, nhưng cảm thấy không vui khi được mời, vì chủ - khách chỉ biết nhau chứ không thân thiết. 

Bản thân tôi cũng chẳng vui khi nhiều lần “bị” mời đám cưới. Một lần, tôi được một người bạn rủ đi uống cà phê. Qua điện thoại, phải hỏi han rất lâu tôi mới nhớ ra bạn. Ra quán cà phê, bạn phát thiệp mời tôi đến dự tiệc cưới con gái bạn. Lần khác, tôi đi dự một đám cưới thì nhận được thiệp mời một đám cưới khác theo diện “thấy mặt đặt tên”, bởi tôi với gia chủ có biết mặt, biết tên nhau, nhưng chưa 1 lần trò chuyện. Trong những tình huống như thế, dù không nói ra nhưng ai cũng sẽ cảm thấy không được thoải mái. Tình huống này, gọi cho đúng tên là “không thân cũng mời”. 

Chuyện “không thân cũng mời đám cưới” đang gây phiền hà cho nhiều người, bởi không đi thì coi không được, mà đi thì miễn cưỡng chứ không vui. Khoản tiền bỏ phong bì cũng rất “đau đầu”, nhất là khi phải “chạy sô dự đám cưới”. 

Về phía chủ tiệc, từng có đám cưới phải “ôm hận” khi số bàn tiệc vắng khách lên đến 1/4. Rồi chuyện mời qua - mời lại, đi ít - đi nhiều, bỏ phong bì bao nhiêu cho tương xứng… cũng dở khóc dở cười.

Không chỉ cưới gả, ngày nay còn có rất nhiều lý do để người ta mở tiệc như thôi nôi, sinh nhật, mừng thọ, kỷ niệm ngày cưới, tân gia, thậm chí cả đám giỗ… và tiệc nào người ta cũng đua nhau về độ hoành tráng, mời nhiều người (phát thiệp mời qua Zalo, Facebook). Vì cuộc sống còn nhiều nỗi lo, nên chuyện tiệc tùng đã làm cho không ít người cảm thấy mệt mỏi.

Vẫn biết cưới gả là chuyện vui của đời người, việc tổ chức tiệc tùng cũng không ai cấm, nhưng mời ai là chuyện nhất thiết phải cân nhắc để không làm phiền người được mời. Gần đây, 2 trong số những người bạn của tôi, trước khi mời tôi dự đám cưới, đã gọi điện thông báo và ngỏ ý hỏi tôi có đến dự được không? Nếu đến dự được thì bạn mới gửi thiệp mời và chuẩn bị đón tiếp chu đáo. Tôi thấy xử sự như vậy là hết sức văn minh, người được mời cũng cảm thấy được tôn trọng và trân trọng.

Hoàng Minh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Yên Bình 16-01-2024 14:47:51

    Đám tiệc chỉ nên mời những chỗ thân tình. Còn mời tùm lum tào lao theo kiểu quơ hốt, không cân nhắc kén chọn là thiếu tự trọng, bị người ta từ chối không đi là đúng, trách ai được. Tôi cũng không bao giờ đi dự tiệc vui ở những chỗ kg có mối giao tình thân thiết. Tội gì phải rước mệt vào thân không đáng!

  • Dân Sài Gòn 11-01-2024 21:37:49

    Nếu đám cưới nào được mời cũng đi dự, lương hưu hàng tháng không đủ ngày 2 bửa cơm.
    Làm ơn chỉ mời bà con thân thích, bạn bè của cô dâu chú rể. Còn khách của phụ huynh thi cho xin.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI